Để thành công bền vững, du lịch cộng đồng không thể phát triển tự phát. Những nguyên tắc về gìn giữ giá trị bản địa, bảo vệ môi trường sinh thái và chia sẻ lợi ích là bất biến.
"Không giữ được văn hóa thì coi như bỏ"
Văn hóa bản địa được coi là "giá trị cốt lõi” khi phát triển du lịch cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được khai thác dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp. Trong đó, phát triển du lịch cộng đồng cần đặc biệt chú trọng bảo vệ văn hóa, môi trường vì nếu không có những giá trị này thì mất đi tính hấp dẫn và mất hẳn ý nghĩa của du lịch cộng đồng.
Tại Hà Giang, sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc bản địa đã giúp các mô hình du lịch cộng đồng thành công và “trụ vững” ngay trong đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Hà Giang đặc biệt coi trọng việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa, vì không giữ được văn hóa thì coi như bỏ, không còn là du lịch cộng đồng nữa.
Du khách trải nghiệm cuộc sống bản địa tại Nậm Đăm, Hà Giang. Nguồn: Nguyễn Hoàng Anh Minh
Từ sự đa dạng văn hóa mà hiện nay du lịch cộng đồng ở Hà Giang phát triển đúng hướng, tiến tới đa dạng hóa các loại hình để phân khúc thị trường. Đến Hà Giang du khách có thể trải nghiệm văn hóa người Dao ở Quảng Bạ, người Tày ở Yên Minh, người Lô Lô Chải ở Đồng Văn, người Mông ở Pả Vi…; mỗi nơi lại có sự hấp dẫn riêng, không có sự trùng lặp, nhàm chán.
"Năm 2020, dù ngành du lịch cả nước gặp khó khăn nhưng Hà Giang vẫn có sự tăng trưởng lượng khách khoảng 10%. Có thể nói sức hấp dẫn của du lịch Hà Giang nằm ở chính những giá trị văn hóa bản địa và du lịch cộng đồng" – ông Nguyễn Hồng Hải cho biết.
Ông Đoàn Văn Dũng – Tổng giám đốc công ty Du thuyền Đông Dương (Quảng Ninh) cho rằng, gìn giữ văn hóa không chỉ mang lại giá trị cho du khách mà còn hữu ích cho cộng đồng địa phương.
"Lâu nay làng quê Yên Đức ở Quảng Ninh thu hút khách du lịch chính bởi những yếu tố văn hóa từ kinh tế nông nghiệp, người dân chân thành, mộc mạc, dân dã. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh thì những gì du khách cần là chất thôn quê đó để được thư giãn, thoải mái và vui vẻ " - ông Đoàn Văn Dũng chia sẻ.
Trải nghiệm làm nông dân tại làng quê Yên Đức. Nguồn: Trường Giang
Thay đổi tư duy về phát triển du lịch cộng đồng
Tại hội thảo "Nghiên cứu, xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam" do Tổng cục Du lịch tổ chức, PGS.TS Phạm Hồng Long (Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội) đề xuất 8 bài học kinh nghiệm để phát triển du lịch cộng đồng.
Đầu tiên, làm du lịch cộng đồng cần hướng tới tư duy sáng tạo, chứ không chỉ suy diễn logic và suy luận quy nạp theo kiểu làng có gì thì làm nấy hoặc mô hình này đang thịnh hành thì chỉ cần làm theo là sẽ sinh lời. Tư duy sáng tạo sẽ giúp đưa ra ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương.
Thứ hai, du lịch cộng đồng phải làm cho du khách có cảm giác như "về nhà". Ở đó, du khách có người trò chuyện cùng, có chỗ nghỉ ngơi thoải mái như trong gia đình và cho phép họ được vô tư, vô lo, bình tâm sống chậm.
Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) thành công từ việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.
Thứ ba, du lịch cộng đồng phải đảm bảo các yếu tố kinh tế và phi kinh tế, đó là giúp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng; tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng; thúc đẩy bình đẳng giới và giữ chân người trẻ ở cộng đồng.
Một nguyên tắc vô cùng quan trọng khác, du lịch cộng đồng phải đảm bảo có sự chia sẻ lợi ích đối với các thành viên trong cộng đồng, kể cả trực tiếp, gián tiếp và không tham gia vào chuỗi cung ứng.
Một mô hình thành công về chia sẻ lợi ích là du lịch cộng đồng tại Đà Bắc (Hòa Bình). Tại đây có 4 điểm làm du lịch thì có 36 tổ nhóm, 184 thành viên của 142 hộ tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách du lịch. Các hộ dân khác không tham gia thì được hưởng lợi gián tiếp qua việc môi trường cũng được bảo vệ tốt hơn, hưởng lợi từ quỹ du lịch cộng đồng của xóm và từ các đoàn thiện nguyện.
Hoạt động du lịch tại Đà Bắc (Hòa Bình) có sự tham gia và chia sẻ lợi ích của hầu hết thành viên trong cộng đồng địa phương.
Thứ năm, làm du lịch cộng đồng phải tính toán sao cho duy trì tính nguyên bản của điểm đến. Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, việc xây dựng đường nhựa quanh hồ Ba Bể không chỉ làm thay đổi cảnh quan, tác động tới môi trường mà còn khiến du khách không còn cảm nhận được đầy đủ các giá trị văn hóa, chỉ có được từ việc đi thuyền trên hồ.
Một nguyên tắc khác là khi hỗ trợ cho du lịch cộng đồng, các đơn vị, tổ chức cần tính toán cả về đầu ra của sản phẩm, cùng phương án tự vận hành sau khi dự án kết thúc. Bài học tại Vườn Quốc gia Ba Bể cho thấy, sau khi dự án về phát triển du lịch cộng đồng, khôi phục nghề dệt thổ cẩm kết thúc thì hầu hết người dân cũng từ bỏ nghề dệt thổ cẩm, lí do là không có sự bao tiêu về sản phẩm.
Đề xuất thứ bảy là phát huy những kỹ năng, cá tính của các cá nhân đặc biệt là người bản địa, từ đó định hướng họ đóng vai trò là nhân lực trụ cột trong phát triển du lịch của cộng đồng đó
Cuối cùng, hiện nay nhiều nơi phát triển du lịch cộng đồng chưa chuẩn, dẫn đến sự phá hủy hoặc biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường. Chính vì vậy, vai trò tư vấn của các chuyên gia du lịch vào các dự án phát triển du lịch cộng đồng là vô cùng cần thiết./.
Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/8-bai-hoc-cho-du-lich-cong-dong-825038.vov