Quảng Ninh và các tỉnh khu vực Đông Bắc đang phát huy thế mạnh về di sản, bản sắc văn hóa để tạo nguồn cảm hứng cho du khách, nỗ lực hồi sinh ngành du lịch.
Nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Quảng Ninh đang tạo ra những điểm vui chơi, "check-in" mới cho du khách ngoài vịnh Hạ Long hay Yên Tử. Ruộng bậc thang vàng óng, hoa cỏ lau trắng, hoa Sở trắng muốt dọc miền biên viễn Bình Liêu hay những vườn hoa ở Yên Tử, Uông Bí, Quảng La đang thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Ông Vũ Toàn Thắng, du khách từ Hà Nội cho biết: “Cả năm nay ở nhà cuồng chân vì Covid-19, gia đình tôi tranh thủ đến với hội hoa Sở để dịp cuối tuần để có thêm kỷ niệm đáng nhớ trong năm nay. Mọi người tuân thủ việc phòng chống dịch bệnh, rất an toàn và trách nhiệm.”
Du khách ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ khi đi du lịch tại lễ hội hoa Sở Bình Liêu
UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tung ra gói kích cầu du lịch 500 tỷ đồng trong năm 2021. Trong đó, miễn toàn bộ vé tham quan vịnh Hạ Long, bảo tàng Quảng Ninh và danh thắng Yên Tử vào nhiều ngày lễ và giảm 50% giá vé cho các ngày còn lại để thu hút du khách đến với vùng đất di sản. Cùng với những chính sách của địa phương, các doanh nghiệp cũng đồng loạt cải tiến các sản phẩm hướng tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng như suối khoáng Yoko Onsen, Legacy Yên Tử…
Các chủ tàu thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch khi đón khách du lịch.
Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, những ngày này, ngành du lịch Quảng Ninh đang chạy đua với thời gian để xúc tiến quảng bá du lịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc với mong muốn du lịch đầu năm 2021 sẽ có những khởi sắc.
“Chúng tôi đã tổ chức các đoàn xúc tiến tới các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nam… Đây là nơi rất đông cán bộ, công nhân viên để giới thiệu cơ chế, chính sách và những tour du lịch mới của Quảng Ninh. Chúng tôi mong muốn có những kết nối giữa các tỉnh, Quảng Ninh đưa khách tới tỉnh bạn và ngược lại. Như vậy sẽ tạo nguồn khách đối lưu và tạo cảm hứng mạnh mẽ để kích cầu du lịch” - ông Phạm Ngọc Thủy cho biết.
Những động thái tích cực này đã góp phần tăng nhiệt cho du lịch Quảng Ninh vào mùa đông. Tuy nhiên, thực tế việc kích cầu chỉ làm hâm nóng thị trường du lịch bị đóng băng do Covid-19 chứ chưa thể mang lại sự bền vững. Ngay lúc này, việc phục hồi du lịch phụ thuộc rất nhiều vào sự liên kết giữa các doanh nghiệp để có những sản phẩm mới nhất, cởi bỏ được tâm lý e ngại do Covid-19 gây ra.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vắng bóng khách du lịch do Covid-19.
Ông Vũ Duy Vũ, Phó Tổng giám đốc công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, dịch bệnh Covid-19 có thể làm ngành du lịch đi chậm lại nhưng cũng là cơ hội để hoàn thiện, xây dựng mới các sản phẩm du lịch. Quan trọng hơn, cần có các biện pháp phối hợp giữa các vùng, sao cho hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đạt hiệu quả.
Hiện tỉnh Quảng Ninh cũng như các tỉnh khu vực Đông Bắc đang lấy thế mạnh bản sắc văn hóa, các di sản để tạo nguồn cảm hứng cho khách du lịch. 13 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên và di sản hỗn hợp thế giới của vùng Đông Bắc đang được "phô diễn" một cách rất hiệu quả trong các chiến dịch kích cầu du lịch.
Du khách được phát tờ rơi hướng dẫn chống dịch Covid-19 và khẩu trang miễn phí khi đến tham quan vịnh Hạ Long.
Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: “Điều quan trọng là các tỉnh phía Bắc cần đánh giá cao những giá trị về văn hóa, lịch sử đã được ghi nhận. Hiện nay, các cộng đồng nhỏ hơn như thôn, bản đang vào cuộc rất tốt để phát triển du lịch cộng đồng. Họ cũng chính là những người gìn giữ, truyền đạt những giá trị di sản vật thể và phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, cần đưa văn hóa trở thành yếu tố cốt lõi, là sức mạnh để phát triển du lịch hậu Covid-19.”
Ông Nguyễn Văn Hùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cần phải có một bản đồ du lịch vùng Đông Bắc để xác định tỉnh nào sẽ giữ vai trò động lực, đâu là vùng phụ cận và các sản phẩm từng vùng là gì. Có như vậy mới tạo sức mạnh tổng hợp chứ không thể mạnh ai nấy làm, địa phương nào cũng có sản phẩm na ná giống nhau thì sự liên kết không bền chặt mà còn triệt tiêu lẫn nhau.
Đoàn kết là yếu tố sống còn để các địa phương, doanh nghiệp kết bè vượt qua bão dịch. Tuy nhiên, để phục hồi được ngành du lịch, các địa phương cần kiểm soát tốt dịch bệnh, xây dựng những điểm đến an toàn, trách nhiệm nhưng cũng không kém phần hấp dẫn./.
Vũ Miền/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/du-lich-dong-bac-hau-covid-19-no-luc-hoi-sinh-826134.vov