Sau 5 năm triển khai thí điểm, du lịch canh nông ở Đà Lạt - Lâm Đồng đã gây ấn tượng tốt, thu hút du khách và góp phần tăng trưởng du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, mô hình này của Lâm Đồng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, cần cách quản lý và hoạt động hiệu quả, lành mạnh hơn.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã tạm ngưng cấp phép để chấn chỉnh, ban hành bộ quy chế mới cùng các chính sách phù hợp nhằm đưa sản phẩm du lịch tiềm năng này phát triển lên tầm vóc lớn hơn trong tương lai.
Là một trong các đơn vị được tỉnh cấp giấy chứng nhận mô hình điểm du lịch canh nông, vườn bí ngô khổng lồ của ông Lê Hữu Phan, phường 9, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) trở thành điểm đến hấp dẫn. Ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu du lịch, điểm tham quan phải hoạt động cầm chừng, thì ở đây vẫn luôn đông du khách.
Theo ông Lê Hữu Phan, cái hấp dẫn ở các mô hình du lịch canh nông là khách được tự do, gần gũi với tự nhiên: “Khách tham quan được thoải mái, tự do, thích thú vì được trải nghiệm thiên nhiên. Bên cạnh đó, đây là nơi giới thiệu những sản phẩm của Lâm Đồng, của Đà Lạt, những sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm đang trồng tại vườn. Điều đó khiến cho nhiều du khách thích thú, ấn tượng tốt”.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, từ năm 2018 đến nay, du lịch canh nông ở tỉnh đã thu hút trên 6 triệu lượt du khách, mang lại tổng doanh thu gần 250 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động tại địa phương.
Du lịch canh nông Đà Lạt – Lâm Đồng thu hút nhiều khách đến tham quan và trải nghiệm
Tuy nhiên, theo ông Trần Huy Đường - một người có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp và du lịch ở phường 7, TP. Đà Lạt, phần lớn các điểm du lịch canh nông hiện có trên địa bàn Đà Lạt và các huyện lân cận đều dừng ở quy mô nhỏ, thiếu sự đa dạng. Một số điểm còn làm ăn theo kiểu chộp giật khiến du khách nản lòng.
Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển mô hình này cũng gặp phải nhiều rào cản bởi các quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Đường, muốn du lịch canh nông phát triển bền vững thì tỉnh Lâm Đồng cần cân nhắc, vận dụng những cơ chế chính sách đặc thù.
“Những hộ gia đình, các farm nhỏ hiện đang phát triển tự phát thì phải hướng dẫn họ, để họ đầu tư vào chiều sâu thì rất tuyệt vời. Tôi đặc biệt quan tâm đến mô hình hợp tác xã, phải thành lập các hợp tác xã và có sự liên kết, chứ nếu làm riêng lẻ từng gia đình thì không giải quyết được vấn đề. Như thế thì Nhà nước cần có những cơ chế, cần có như "bà đỡ" cho những trường hợp này” - ông Trần Huy Đường cho biết.
Bất cập khác của du lịch canh nông ở Lâm Đồng là dấu hiệu mất kiểm soát. Theo ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, thời gian qua có nhiều tổ chức, cá nhân mở rộng quy mô đầu tư, nhưng đều xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Nếu không sớm tìm ra giải pháp để chấn chỉnh và định hướng dài lâu thì sẽ còn phát sinh thêm nhiều bất cập.
"Hiện kiểm tra các điểm du lịch canh nông là đều bị xử lý hết, vì có chuyển mục đích sử dụng đất, có được cấp phép xây dựng đâu? Theo tôi, về mặt quan điểm thì đi tham quan vườn có thể để hoạt động bình thường, nhưng những nơi nào muốn được công nhận là điểm du lịch canh nông thì phải làm bài bản, phải đáp ứng các tiêu chí” - ông Sử Thanh Hoài cho biết.
Lâm Đồng đang nỗ lực xây dựng và phát triển du lịch canh nông đạt tầm quốc gia và quốc tế.
Theo ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, mặc dù đang đối mặt với nhiều bất cập trong xây dựng và phát triển, nhưng mô hình du lịch canh nông đã khẳng định được hướng đi phù hợp. Du lịch canh nông mang lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội, giúp nâng cao giá trị tổng hợp của cả ngành nông nghiệp và du lịch.
Nhiều mô hình ở tỉnh cho thấy, giá trị của 1 ha canh nông kết hợp với du lịch, đã cho thu nhập đến 5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 2,5 lần so nông nghiệp thuần túy. Theo ông Phạm S, tỉnh đang tạm dừng cấp phép du lịch canh nông là để nghiên cứu, ban hành quy chế mới, giúp khắc phục những nhược điểm. Mục tiêu đặt ra là đưa du lịch canh nông của địa phương “đạt tới đẳng cấp quốc gia và quốc tế”.
“Du lịch canh nông là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng, và hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang ban hành hành lang pháp lý để phát triển du lịch canh nông trong thời gian tới tốt hơn, đảm bảo đẳng cấp của tầm quốc gia và quốc tế, khai thác tiềm năng và thế mạnh của ngành du lịch Lâm Đồng. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục khảo sát để lấy phiếu thăm dò, góp ý cho hoàn thiện pháp lý, tạo hành lang cứng để thực hiện. Muốn nâng cao chất lượng phục vụ du khách, cho du khách hài lòng, không phàn nàn thì phải cần đảm bảo hạ tầng tối thiểu” - ông Phạm S cho biết.
Tuy đang phát sinh nhiều vướng mắc, song với sự coi trọng và kỳ vọng to lớn vào loại hình du lịch mới này của chính quyền địa phương, chắc chắc những bất cập của loại hình du lịch canh nông sẽ sớm được khắc phục, góp phần đưa du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Lạt - Lâm Đồng phát triển bền vững hơn trong thời gian tới./.
Quang Sáng/VOV.VN