Năm 2021, du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung vào thị trường nội địa để phục hồi. Phóng viên VOV.VN có bài phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những điểm nhấn của ngành trong năm qua và hướng đi cho giai đoạn sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện
PV: Thưa Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, năm 2020 là năm rất khó khăn nhưng ngành du lịch cũng đã thu được những kết quả nhất định. Theo ông, dấu ấn nổi bật của ngành Du lịch trong năm qua là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong năm qua, với sự hưởng ứng của các địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của Đảng và Chính phủ trong nỗ lực khôi phục hoạt động du lịch và liên kết hình thành các liên minh kích cầu du lịch; nhiều địa phương đã có những sáng kiến trong liên kết, giới thiệu điểm đến; tiếp tục phát huy vai trò trọng điểm, đầu kéo du lịch của cả nước với sáng kiến liên minh kích cầu du lịch từ Nam ra Bắc.
Đặc biệt, năm 2020, tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) đã công bố kết quả bình chọn khu vực châu Á năm 2020. Theo đó, Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp được vinh dự bình chọn ở cả 3 hạng mục: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á. Đặc biệt, WTA cũng đã công bố kết quả bình chọn giải thưởng thế giới năm 2020 và Việt Nam lần thứ 2 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới.
Cũng theo kết quả công bố của tổ chức Giải thưởng Golf Thế giới (WGA), thuộc hệ thống giải thưởng WTA, Việt Nam đã vinh dự được bình chọn là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2020. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Việt Nam nhận được giải thưởng quốc tế uy tín này.
PV: Trong năm qua, hoạt động kích cầu du lịch nội địa liên tục được triển khai trên khắp cả nước. Cụ thể những chương trình này đã thu được những thành quả gì, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát ở Việt Nam, Bộ VHTT&DL đã phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa vào đầu tháng 5/2020 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và tiếp tục phát động giai đoạn 2 vào tháng 9/2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Có thể nói, chương trình kích cầu du lịch đã làm hồi sinh thị trường du lịch nội địa, là “điểm tựa” cho sự phục hồi của ngành du lịch, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Chương trình kích cầu du lịch đã có hiệu ứng lan tỏa, thứ nhất là giúp phục hồi lượng khách nội địa. Các điểm đến ghi nhận lượng khách đông trở lại, nhất là vào thời điểm tháng 5, 6, 7 là mùa cao điểm du lịch nội địa, cũng như nhu cầu khách tăng cao sau đợt giãn cách xã hội.
Lượng khách tăng giúp công suất buồng phòng ở các cơ sở lưu trú tăng trở lại, đạt 30 - 50%, cuối tuần có lúc đạt 80 - 90%. Các hãng hàng không liên tục tăng chuyến, mở đường bay mới để phục vụ nhu cầu đi lại. Nhu cầu du lịch gia tăng cũng đã giúp các ngành hàng không, đường sắt dần hồi phục.
Thứ hai là sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và xu hướng hình thành các liên minh, liên kết phát triển du lịch.
Chương trình kích cầu nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các địa phương trong cả nước, nhất là tại các trung tâm du lịch (Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Khánh Hòa, TP.HCM, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Ninh Bình, 8 tỉnh Tây Bắc, 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long...).
Điểm nổi bật của chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 là sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố với nhiều liên minh kích cầu du lịch được hình thành (liên kết của 7 Sở Du lịch và Sở VHTT&DL gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM và Tây Ninh; 03 tỉnh Nghệ An - Hải Phòng - Bình Định…). Đặc biệt, một số địa phương đã xây dựng và khai trương website kích cầu du lịch nhằm giúp du khách tìm kiếm thông tin chính thức từ các doanh nghiệp và tăng tính tương tác giữa du khách và nhà cung cấp dịch vụ.
Thứ ba là việc phát triển các sản phẩm mới. Dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, trong đó ưu tiên cho yếu tố an toàn, trải nghiệm thiên nhiên, sinh thái, đi nhóm nhỏ, thời gian ngắn, sử dụng công nghệ… Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu của khách.
PV: Xin ông cho biết, năm 2021 ngành du lịch Việt Nam sẽ làm gì để vừa thúc đẩy du lịch nội địa, vừa tiếp tục xúc tiến quảng bá ra thế giới và sẵn sàng đón khách quốc tế khi đủ điều kiện?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Trong năm 2021, ngành du lịch sẽ chú trọng phục hồi, phát triển ngành trước tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động được triển khai toàn diện cả trực tuyến và trực tiếp, công tác xúc tiến quảng bá chú trọng cả thị trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể, trong quý I và quý II năm 2021, du lịch nội địa tiếp tục là nội lực duy trì hoạt động của ngành, chú trọng vào các hoạt động kích cầu du lịch trong nước. Đối với thị trường quốc tế, tiếp tục xúc tiến bằng các kênh truyền thông trực tuyến: website, mạng xã hội, webinar...
Trong quý III và quý IV năm 2021, ngành du lịch duy trì các chương trình kích cầu trong nước; từng bước mở cửa du lịch quốc tế, tập trung ưu tiên những nước kiểm soát tốt dịch bệnh và là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam.
PV: Phương án hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người lao động phục hồi hoạt động du lịch trong năm 2021 như thế nào, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động ngành Du lịch, một số các giải pháp đã được ban hành như: hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; giảm 50% phí cấp giấy phép lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên trong năm 2020…
Ngoài ra, một số chính sách của Bộ VHTT&DL đề xuất với Chính phủ về bảo hiểm, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn, giải pháp về tài khóa, tiền tệ, một số nội dung mở rộng đối tượng hưởng lợi từ chính sách và thuận lợi hơn về thủ tục nhận gói hỗ trợ người lao động cũng đã được Chính phủ xem xét ban hành tại các Nghị quyết.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp, việc kinh doanh lữ hành quốc tế trước mắt chưa thực hiện được. Bộ VHTT&DL dự kiến triển khai một số nhóm nhiệm vụ nhằm phục hồi hoạt động du lịch trong năm 2021.
Trước tiên, Bộ VHTT&DL tiếp tục kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi sau dịch Covid-19. Tiếp tục tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch về các chính sách hỗ trợ khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch.
Bộ VHTT&DL sẽ chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai tốt các chương trình kích cầu du lịch nội địa; liên kết hợp tác với các địa phương, các hãng hàng không, các cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng các sản phẩm kích cầu trọng tâm để đẩy mạnh thu hút thị trường khách du lịch nội địa, nhằm khôi phục nhanh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch.
Bộ VHTT&DL thực hiện nghiên cứu thị trường và xu hướng thị trường để hỗ trợ các địa phương khảo sát, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các khu, điểm tham quan du lịch mở cửa hoạt động trở lại ổn định dần để thu hút khách.
Ngoài ra, Bộ VHTT&DL sẽ chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách, đồng thời tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và khách du lịch, đảm bảo an toàn cho khách khi đi du lịch./.
Hải Nam/VOV.VN