Với người Tân Cương, dịp Tết không thiếu ấm trà xuân. Uống chén nước trà là khởi đầu cho những câu chuyện đàm đạo và những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới.
“Thanh, sắc, vị, thần”
Ở Tân Cương, chè uống dịp Tết không giống với bất kỳ loại chè nào trong năm. Chè xuân là lứa đầu tiên của một năm, mỗi vạt chè chỉ có 1 lứa chè xuân để chủ nhà thưởng thức và mời khách dịp Tết. Chè xuân phải được chuẩn bị từ khoảng từ 2 đến 2,5 tháng trước Tết, người ta “cúp chè” (xén bằng cây chè, để giáp Tết cây lên búp, ít lá - PV) từ khoảng tháng 10 âm lịch, đến tháng Chạp thì thu hoạch.
Chè xuân có giá trị cao, trước tiên vì đây là loại chè hiếm, chỉ vùng dồi dào nguồn nước thì mới có chè xuân. Khu vực nguồn nước ít thì phải chờ tới mưa xuân tháng 3 để cây chè “hồi sức”, có nước chăm bón thì mới lên búp được.
Ngoài ra, lượng búp chè xuân không nhiều, lại được hái hoàn toàn bằng tay nên giá nhân công cùng với chi phí chăm sóc, chế biến… khiến chè xuân trở thành món quà giá trị trong dịp Tết. Đắt nhất là loại “nhất đinh trà” (chè 1 tôm hay 1 búp - PV) vì số lượng ít, sự cầu kỳ, chất lượng cao, chỉ một nhúm nhỏ là thơm ngào ngạt bằng cả nắm chè thường.
Bác Nguyễn Đình Đài - hay “thầy Đài” theo lối gọi quen thuộc của dân làng - đã gắn bó với vùng chè Tân Cương hàng chục năm qua. Thầy Đài kể, cây chè đã ở Tân Cương từ lâu đời rồi, cho đến năm 1938 đã có khoảng 90 mẫu chè. Cả tỉnh Thái Nguyên khi đó có khoảng 250 mẫu chè, nhưng chè ở Tân Cương vẫn là chất lượng cao nhất. Người khai sinh ra nghề chè ở Tân Cương là cụ Vũ Văn Hiệt, còn gọi là cụ "Đội Năm". Cụ là người có công lớn trong việc khai khẩn đất đai, mở mang đường sá, đồn điền và các xưởng sản xuất chè.
Nhấp chút trà xuân, thầy Đài cho biết: Dịp Tết ở nông thôn mọi người thường đi chúc Tết rất đông vui. Vì có nhiều khách đến nhà nên dù giàu hay nghèo, chắc chắn gia đình nào cũng phải có ấm trà. Với người cao tuổi thì chén trà càng có ý nghĩa hơn, vì uống trà là thói quen hàng ngày. Buổi sáng, các cụ cao niên gặp gỡ nhau, đàm đạo thế đời, thế nước, cuộc sống nhân sinh. Ngồi thưởng trà giúp tinh thần minh mẫn, thoải mái và sảng khoái.
“Chè ngon phải đủ thanh, sắc, vị, thần. Thanh, sắc là búp chè phải giòn tan, có hình móc câu và màu ‘mốc cau’. Đây là màu lên hương của chè; còn hình dáng cong cong như móc câu mới đạt chuẩn vì chỉ có chè non, chè đẹp mới thành hình này còn chè già thì dễ bị nát. Chén chè khi pha ra, nước phải sóng sánh màu vàng như mật ong. Vị chuẩn là phải chát ngọt, không ngọt như đường, như kẹo và chất ngọt giữ mãi trong cổ họng. Cái thần tức là mùi chè phảng phất trong không gian, trong cái tâm của người pha và trí nhớ của uống” – thầy Đài chia sẻ.
Đón khách bằng lòng nhiệt thành
Thưởng trà tại Không gian văn hóa hóa Trà Tân Cương (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên).
Nói về quảng bá vùng trà Tân Cương và đón khách du lịch, chị Hoàng Thị Tân là một trong những người đi tiên phong. Hợp tác xã và đồi chè của chị đã đón rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là nhiều đoàn từ các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Chị Hoàng Thị Tân cho biết, chị đã học nghề hái chè, chế biến chè từ khi còn nhỏ cùng với gia đình. Tuy nhiên thời điểm đó đầu ra khó khăn, mang chè ra chợ bán thường xuyên bị ép giá và phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Cách đây hơn 10 năm, khi hồ Núi Cốc đông khách, chị quyết định rằng sản phẩm của mình phải dùng để phục vụ khách du lịch.
“Lúc ấy, mỗi cuối tuần là tôi mang trà Tân Cương loại ngon nhất lên khu vực hồ Núi Cốc để giới thiệu, mời khách thưởng thức miễn phí. Gặp ai tôi cũng mở lời ‘Thái Nguyên nổi tiếng nhất là chè, các bạn có muốn thưởng thức trà Tân Cương chuẩn không?’ và gợi ý để du khách dành thời gian về Tân Cương, chụp ảnh đồi chè, mua trà về làm quà. Lâu dần, du khách biết và tự đến với Tân Cương, tôi không cần lên hồ Núi Cốc để đón khách nữa” – chị Hoàng Thị Tân kể.
Du khách đến Tân Cương được tìm hiểu về cây chè và văn hóa trà. Nguồn: HTX Tâm Trà Thái
Theo chị Tân, điều du khách thích nhất khi đến vùng trà Tân Cương là được tìm hiểu quy trình tạo ra một chén trà, từ khi còn là cây chè xanh cho tới thành phẩm. Du khách được hướng dẫn cách hái chè, vò chè bằng tay, xao chè, đóng gói… Sau đó, trà nương sẽ hướng dẫn khách cách pha trà, thưởng trà và kể nhiều câu chuyện thú vị xung quanh.
“Tôi không coi du khách là ‘thượng đế’ mà coi như người nhà, đón tiếp họ bằng sự chân thành, mộc mạc như chén trà bản địa. Tôi thường kể chuyện về quê hương Thái Nguyên, vùng đất Tân Cương và vì sao chè ở đây lại nổi tiếng. Đó là vì điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, với đất phù sa cổ, vị trí thuận lợi phía đông dãy Tam Đảo và gần nguồn nước tốt ở hạ lưu sông Công” – chị Tân chia sẻ.
Trải nghiệm du lịch cộng đồng
Giá trị thương hiệu của chè Tân Cương nói riêng và chè Thái Nguyên nói chung góp phần quan trọng để thu hút khách du lịch. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở đây phát triển tốt, tạo thành sản phẩm hấp dẫn khiến nhiều du khách thích thú, ấn tượng.
Ở Tân Cương bây giờ, ngoài chị Hoàng Thị Tân đã có thêm nhiều cơ sở mở dịch vụ đón khách tham quan, lưu trú tạo thành những khu du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa trà như HTX Tâm Trà Thái, HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, HTX Chè Hảo Đạt… Nhiều người dân được tham gia các khóa tập huấn làm du lịch cộng đồng nên dịch vụ du lịch dần được chuyên nghiệp và chất lượng hơn.
Tân Cương phát triển loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái gắn với vùng chè. Nguồn: HTX Trà và Du lịch cộng đồng Tiến Yên.
Tại đây, du khách được trải nghiệm du lịch cộng đồng đúng nghĩa: ăn, ngủ, sinh hoạt cùng gia chủ và tham gia các công việc thường nhật như đi hái chè, trải nghiệm công việc sản xuất, chế biến, đóng gói và tìm hiểu về lịch sử nghề chè truyền thống. Một số sản phẩm du lịch chuyên biệt hơn như hành trình đạp xe tham quan nhà thờ Tân Cương, đập hồ Núi Cốc, thăm chợ quê và tìm hiểu văn hóa địa phương… Nếu không có nhiều thời gian, du khách chủ yếu tham quan và chụp ảnh trên đồi chè, thưởng thức và tìm mua các loại trà hảo hạng.
Bác Nguyễn Đình Đài cho rằng, muốn làm tốt du lịch cộng đồng thì phải có sự liên kết, hình thành đội nhóm để chia sẻ lợi ích, người làm nhà hàng, người làm đồ lưu niệm, người làm lưu trú, người làm điểm đón khách, điểm tham quan... Quan trọng nhất là phải đồng lòng giữ gìn vệ sinh môi trường, các bãi rác thải phải di dời đi vì cây chè rất nhạy cảm với mùi.
Thầy Đài hy vọng, Tân Cương trong tương lai sẽ không trở thành một đô thị: “Tôi nghĩ rằng Tân Cương sẽ phát triển lâu bền nếu trở thành một điểm du lịch cộng đồng, với vẻ đẹp nguyên bản của vùng nông thôn, với những con đường đầy hoa và đồi chè bát ngát. Giới trẻ hay các lớp kế cận sau này phải ý thức được việc giữ gìn thương hiệu chè Tân Cương, không để bị thương mại hóa, không để sản phẩm kém chất lượng trà trộn vào đây. Giống chè trung du cổ, trồng bằng hạt cần được bảo tồn, thay vì trồng bằng cành như nhiều nơi hiện nay”.
Nhiều cơ sở tại Tân Cương đón khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất chè. Nguồn: Minh Khánh
Hiện nay, vùng chè Tân Cương được xác định là một trong 3 điểm nhấn của du lịch Thái Nguyên. Đây là địa chỉ không thể bỏ qua trong hành trình tham quan Thái Nguyên, kết nối với các điểm lân cận như Khu di tích TNXP 915, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc sinh thái Thái Hải hay xa hơn là hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa./.
Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/ngay-tet-den-tan-cuong-thuong-thuc-tra-xuan-836890.vov