7 điều đầu tiên người Nhật làm dịp Tết

Thứ 2, 27.01.2020 | 17:27:04
366 lượt xem

Khai chuông, hay đến chùa thắp hương, ăn mì tiễn năm cũ là một số phong tục người Nhật thực hiện để đón năm mới.

Năm mới luôn là dịp lễ quan trọng ở Nhật Bản. Đây là lúcđể các gia đình suy ngẫm về năm vừa qua và những ước mơ cho tương lai, dành thời gian cho người thân, nấu ăn, hay thư giãn. Dưới đây là những điều người Nhật làm vào ngày đầu năm mới.

Khai chuông giao thừa (Joya no Kane)

Mỗi năm, khi những khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ chuẩn bị trôi qua, các ngôi chùa trên khắp nước Nhật sẽ rung chuông 108 lần. Sự kiện này được gọi là Joya no Kane (Khai chuông giao thừa). Theo niềm tin của Phật giáo, 108 là con số đại diện cho những ham muốn trần tục dẫn đến khổ đau của con người. 

Joya no kane là nghi thức để xua đuổi những cảm xúc tiêu cực chất chứa trong năm cũ. Ảnh: karesansui/Photozou.

Joya no kane là nghi thức để xua đuổi những cảm xúc tiêu cực chất chứa trong năm cũ. Ảnh: karesansui/Photozou.

Ăn mì soba cuối năm (Toshikoshi soba)

Người Nhật thường có truyền thống ăn một bát mì soba nóng trong đêm giao thừa. Người ta gọi món đó là soba cuối năm hay toshikoshi. Đây chỉ là bữa ăn đơn giản họ thưởng thức ở nhà cùng gia đình. Không có một công thức cố định nào cho món ăn này, do đó mọi người có thể tự làm theo sở thích và mùi vị ưa thích của mình.

Thưởng thức tiệc năm mới O-sechi ryori

O-sechi ryori được làm với nhiều món, tượng trưng cho lời cầu mong may mắn, thịnh vượng và sức khỏe trong năm mới. Người Nhật từng phải lên kế hoạch và chuẩn bị tỉ mỉ cho truyền thống này trong nhiều ngày nhưng hiện nay các nhà hàng và siêu thị đều bán o-sechi đóng hộp.

Làm bánh Mochi

Vào những ngày Tết, các thành viên trong gia đình thường tụ họp để nặn mochi. Họ cúng những chiếc bánh gạo nếp này để cầu nguyện cho sự trường thọ. Những chiếc mochi nhỏ tròn có thể được sử dụng để trang trí, như kagami-mochi. Trên đỉnh của bánh đặt một trái cam với mong ước gia đình phồn thịnh.

Kagami mochi được đặt ở nhiều nơi khác nhau trong nhà vào ngày Tết, thường là bàn thờ Thần đạo, góc nhà, căn bếp... Ảnh: ishikawa19.

Kagami mochi được đặt ở nhiều nơi khác nhau trong nhà vào ngày Tết, thường là bàn thờ Thần đạo, góc nhà, căn bếp... Ảnh: ishikawa19.

Gửi thiệp chúc mừng năm mới (Nenga)

Người Nhật có truyền thống gửi thiệp chúc mừng năm mới (nenga) tới bạn bè và người thân của mình. Vì vậy, dịp đầu năm, bưu điện xứ sở mặt trời mọc luôn phải làm việc hết công suất để có thể gửi những tấm thiệp nenga tới đúng ngày Tết.

Thăm đền chùa đầu năm (Hatsumode)

Hatsumode là truyền thống đi thăm đền chùa, chốn linh thiêng trong những ngày đầu năm của người Nhật. Họ bắt đầu một năm mới bằng những lời khấn, lời cầu nguyện, bày tỏ lòng biết ơn đấng linh thiêng, cũng như hy vọng vận may tốt lành sẽ đến. 

Những đèn chùa Thần đạo và Phật giáo luôn đông đúc khách đi lễ đầu năm. Ảnh: Favy.

Những đèn chùa Thần đạo và Phật giáo luôn đông đúc khách đi lễ đầu năm. Ảnh: Favy.

Ngắm mặt trời mọc đầu tiên của năm (Hatsuhinode)

Hatsuhinode là từ tiếng Nhật để chỉ buổi bình minh đầu tiên của năm mới. Người dân xứ sở hoa anh đào thường rủ nhau leo lên đỉnh núi, đài quan sát, bãi biển hay bất cứ nơi đâu có tầm nhìn tốt để đón những ánh nắng đầu tiên. Họ cùng nhau cầu nguyện may mắn và hạnh phúc tràn ngập cho năm mới.

Vân Phạm/vnexpress.net

https://vnexpress.net/du-lich/7-dieu-dau-tien-nguoi-nhat-lam-dip-tet-4044958.html

  • Từ khóa