Du lịch Lạng Sơn: vững bước trước thềm xuân mới

Thứ 6, 09.02.2024 | 09:25:06
1,121 lượt xem

Một mùa xuân nữa đang về trên khắp mọi miền Đất nước. Nhìn lại năm 2023, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn tăng vượt bậc, hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực. Đây chính là tiền đề để ngành du lịch tỉnh tiếp tục tạo ra đột phá trong năm 2024, thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng.

Đoàn khảo sát du lịch tỉnh tham quan mô hình du lịch cộng đồng tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng

Năm 2023, Lạng Sơn đón hơn 3,9 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022 (gấp 3,53 lần so với năm 2020); doanh thu du lịch ước đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm 2022 (gấp 4,46 lần so với năm 2020).

Những dấu ấn nổi bật

Ông Lưu Bá Mạc, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho biết: Thời gian qua, sở đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch, bắt đầu từ việc ban hành các kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm về phát triển du lịch, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với Trung Quốc; tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức, đối tác nước ngoài trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn; tiếp tục hoàn thiện hệ thống du lịch thông minh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025…

Trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế được khởi động trở lại, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác xúc tiến du lịch với các đơn vị nước bạn Trung Quốc như: phối hợp tổ chức lễ khôi phục du lịch qua biên giới ngày đầu tiên (ngày 15/3/2023) tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc và tổ chức đón đoàn 124 du khách Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam; tổ chức ký kết với thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc Bản ghi nhớ hợp tác Khu hợp tác du lịch qua biên giới Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc).

Đặc biệt, hiện nay tỉnh Lạng Sơn đã và đang xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn, xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu nhằm góp phần phát triển du lịch. Ngành chức năng đã tích cực phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, các chuyên gia tư vấn của UNESCO tiến hành khảo sát, đánh giá các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa phục vụ trên địa bàn. Năm 2023, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tổ chức đón tiếp 12 đoàn chuyên gia quốc tế đến khảo sát và làm việc. Qua đó đã hình thành 4 tuyến du lịch với 37 điểm tham quan.

Ngoài ra, ngành cũng thực hiện liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, đặc biệt là chương trình hợp tác giữa 8 tỉnh Đông Bắc mở rộng với thành phố Hồ Chí Minh và chương trình hợp tác với các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc. Đáng chú ý Sở VHTT&DL tổ chức hội nghị xúc tiến quảng bá điểm đến du lịch Lạng Sơn, tại hội nghị, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã ký kết đối tác với Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel), đây là công ty lữ hành uy tín hàng đầu Việt Nam. Trong đó, Vietravel cam kết sẽ xây dựng, khai thác các sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh dựa trên thế mạnh của tỉnh.

Thêm một dấu ấn nổi bật của ngành du lịch tỉnh đó là những kết quả của hoạt động xây dựng, phát triển hệ thống du lịch thông minh với các thông tin, dữ liệu về du lịch Lạng Sơn được cập nhật thường xuyên từ hệ thống lưu trú tới các điểm mua sắm, ăn uống… Đến nay, hệ thống du lịch thông minh của tỉnh đã chính thức được vận hành và thu hút trên 450 cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ tham gia quảng bá với hơn 4 triệu lượt truy cập, tìm kiếm. Trong năm Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cũng đã hỗ trợ xây dựng website cho 2 làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) và Hữu Liên (Hữu Lũng) và hoàn thiện số hóa 3D 12 điểm du lịch nâng tổng số điểm du lịch được số hóa lên 21 điểm.

Đặc biệt, ngành VHTT&DL tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn thông qua đó đã quảng bá, giới thiệu đến đối tác nước ngoài, doanh nghiệp, du khách trong và ngoài tỉnh về bản sắc văn hóa của tỉnh Lạng Sơn qua một số hoạt động tiêu biểu như: Lễ hội hoa Đào; Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn; Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quảng bá du lịch thông qua nền tảng số với chủ đề “Du lịch Lạng Sơn – Trải nghiệm và cảm nhận”; Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lạng Sơn năm 2023; Lễ hội Na Chi Lăng; Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Chi Lăng; Ngày hội văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn; Lễ hội mùa vàng Bắc Sơn…

Phát huy thế mạnh, nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Để có được sự thay đổi so với trước đây, nhằm hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, ngành VHTT&DL tỉnh đã tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quan trọng như: chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có.

Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, từng bước thay đổi hình ảnh du lịch Lạng Sơn. Ngành VHTT&DL đã hỗ trợ hình thành, phát triển một số sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch sinh thái mới tại huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng, Đình Lập, Chi Lăng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng làng du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN tại 2 làng du lịch cộng đồng Bắc Quỳnh (Bắc Sơn) và Hữu Liên (Hữu Lũng). Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có của địa phương.

Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Theo kế hoạch, huyện Hữu Lũng đã nỗ lực đáp ứng các tiêu chí thực hiện tiêu chuẩn du lịch cộng đồng ASEAN từ cuối năm 2022, UBND huyện đã triển khai xây dựng 2 bãi đỗ xe tại làng DLCĐ xã Hữu Liên và xã Yên Thịnh với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Năm 2023, huyện đã hoàn thành việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại 2 làng DLCĐ Yên Thịnh và Hữu Liên với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Huyện cũng đã phối hợp với ngành chức năng khảo sát và lựa chọn 5 hộ làm du lịch trong làng DLCĐ Hữu Liên để thí điểm xây dựng mô hình nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn ASEAN.

Ngoài một số huyện trên, hệ thống dịch vụ du lịch trên đại bàn tỉnh từng bước được chú trọng nâng cấp, phát triển. Trong năm 2023 ngành VHTT&DL đã tiến hành kiểm tra, thẩm định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh lưu trú du lịch cho 36 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 294 cơ sở với 3.784 buồng lưu trú và 6.846 giường trong đó có 421 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao (tăng 8 cơ sở so với năm 2022).

Đặc biệt, hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được ngành VHTT&DL đẩy mạnh, cụ thể, trong năm, ngành đã tổ chức 10 khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch cho hơn gần 500 người dân, cán bộ quản lý tại các điểm du lịch; tổ chức 2 hội thi nghiệp vụ buồng khách sạn tỉnh và hội thi tuyên truyền, hướng dẫn du lịch Lạng Sơn năm 2023, phát động chương trình “Đại sứ du lịch” và triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại 52 điểm du lịch của tỉnh …

Tin tưởng rằng, những tín hiệu đáng mừng trong năm 2023 sẽ trở thành điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu đón trên 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 160.000 khách quốc tế, doanh thu ngành du lịch đạt 4,3 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, tiếp tục đưa du lịch Lạng Sơn phát triển, trở thành ngành kinh tế quan trọng và là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/du-lich/642876-du-lich-lang-son-vung-buoc-truoc-them-xuan-moi.html

  • Từ khóa