Thôn Khâu Ðấng ở xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) có 100% số dân là đồng bào dân tộc Sán Chỉ, cách trung tâm thành phố Bắc Kạn gần 100 km. Một ngôi làng xinh đẹp với 36 nóc nhà gồm 202 cư dân sinh sống lâu đời, ôm ấp vẻ đẹp thanh bình, thơ mộng với những nếp nhà sàn bên sườn núi hùng vĩ, bốn mùa dòng suối Thôm Bon lãng du êm ả…
Trang phục truyền thống của người Sán Chỉ ở Khâu Ðấng được trao truyền, gìn giữ qua các thế hệ. (Ảnh QUỐC THẮNG)
Về Khâu Ðấng, rảo bước trên con đường bê-tông quanh co dẫn lối, chúng tôi gặp những đứa trẻ hồn nhiên chỉ tay về phía những thửa ruộng bậc thang và nói: Vào mùa xuân ở đây nhiều hoa nở đẹp lắm...
Đồng lòng gìn giữ bản sắc văn hóa
Càng đi càng thấy, thì ra ở đây không chỉ gặp núi, gặp cây mà còn có dòng suối hiền hòa, đi thêm nữa sẽ thấy những cọn nước bền bỉ, đầy sức sống chở đến mùa màng, róc rách như bản nhạc êm đềm của núi.
"Ði hết thôn này lại đến thôn khác, chẳng sợ bị lạc đâu, người thôn trên thôn dưới đều như anh em đấy mà", lời của trưởng thôn Hoàng Văn Thành mộc mạc, gần gũi cứ văng vẳng bên tai chúng tôi, khiến bước chân càng thêm rộn ràng, háo hức...
Ðời sống của người dân thôn Khâu Ðấng hoàn toàn dựa vào 7 ha đất nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là ngô, lúa và các loại cây ăn quả ngắn ngày. Nguồn nước cả thôn dùng trong sinh hoạt hằng ngày được dẫn từ trên núi cao, cách khu dân cư chừng 5 km, dòng nước dồi dào, trong mát.
Ở đây hầu như nhà nào cũng có một mảnh vườn trồng các loại rau theo mùa. Những luống rau xanh tươi đầy sức sống là hiện thân của miền đất ngọt lành. Gắn bó với núi rừng, cây cỏ, người dân nơi đây có rất nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại cây thuốc trong rừng nguyên sinh trên núi để làm thuốc chữa bệnh.
Du khách đến đây sẽ được biết một loại nước uống từ lá chè ho (lá cây được nướng lên và đun nước uống), một loại lá đặc trưng của ngôi làng này, không có bán tại chợ. Nước uống từ lá chè ho này được sử dụng mỗi khi thời tiết thay đổi, có tác dụng làm ấm cơ thể.
Thấp thoáng dưới bóng cây là những ngôi nhà sàn rộng lớn, vững chãi và trầm mặc. Mái ngói âm dương ngả màu nâu sẫm, phảng phất những dấu ấn, câu chuyện của thời gian đọng lại, chúng tôi hiểu rằng người Sán Chỉ ở Khâu Ðấng nhiều năm qua đã cố gắng giữ gìn, trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình trước những tác động mạnh mẽ của dòng xoáy kinh tế thị trường.
Từ ngôi nhà sàn của Nghệ nhân Hoàng Văn Cầu, hướng nhìn ra phía trước là khung cảnh của trung tâm xã dưới chân núi cao hùng vĩ. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn, với giọng nói hiền từ nhỏ nhẹ, nghệ nhân tâm huyết với nghề truyền thống say sưa kể về tình làng nghĩa xóm, bà con trong thôn đoàn kết và yêu thương nhau, quý trọng văn hóa của dân tộc mình, bản sắc văn hóa của ông cha xưa truyền lại qua bao đời, nay con cháu ở Khâu Ðấng tiếp tục gìn giữ và kế tục. Như việc duy trì mặc trang phục truyền thống hằng ngày và se lanh, dệt vải với hơn 30 công đoạn. Qua kỹ thuật dệt truyền thống của người dân tộc Sán Chỉ, tấm vải nhìn tưởng mỏng manh nhưng lại rất chắc chắn. Hiện nay trong thôn còn năm hộ giữ được nghề dệt vải truyền thống rất kỳ công và tốn kém thời gian này.
Một trong những điều làm nên cốt lõi, khiến Khâu Ðấng càng trở nên hấp dẫn là đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây phong phú và hấp dẫn, tô điểm thêm cho núi rừng, bản làng những gam màu sinh động, ấm áp tình người.
Nghệ nhân Hoàng Văn Cầu tự hào cho biết, lễ cấp sắc được người dân Sán Chỉ ở Khâu Ðấng truyền từ đời này sang đời khác, đánh dấu sự trưởng thành của người con trai Sán Chỉ. Từ thời khắc ấy, người con trai được công nhận đủ trách nhiệm, đủ khả năng quyết định những việc lớn của gia đình và dòng họ. Tuy lễ cấp sắc cầu kỳ và tốn nhiều thời gian chuẩn bị, nhưng qua nhiều đời nay bà con vẫn luôn lưu giữ và thực hiện khi trong nhà có con trai đến tuổi trưởng thành. Và đây cũng là điều kiện để những chàng trai ấy có thể tham gia "Múa mặt nạ" - loại hình dân vũ dành cho nam giới trình diễn trong các nghi lễ đặc biệt quan trọng của người Sán Chỉ như lễ đầy tháng, lễ cấp sắc, đám cưới, hay lễ cầu mùa.
Ðiệu "Múa mặt nạ" thường có từ sáu đến tám người tham gia, trong đó có hai người múa chính đeo mặt nạ gỗ và một vài người khác mặc áo nhiều màu sắc múa phụ họa dưới nền nhạc của chiêng trống.
Cùng với điệu múa đặc sắc, tạo dấu ấn riêng, người dân Khâu Ðấng còn sở hữu làn điệu "sình cộ" là những bài hát tình ca của người Sán Chỉ. Những làn điệu sình cộ cất lên xua tan đi sự mệt nhọc, cũng là cơ hội để những chàng trai, cô gái Sán Chỉ có thể tìm hiểu, làm quen với nhau qua lời ca, tiếng hát.
Hiện nay, thôn đã có Câu lạc bộ hát dân ca gồm 10 thành viên tham gia sinh hoạt tập luyện đều đặn để giao lưu, biểu diễn mỗi dịp lễ, Tết hoặc tại các sự kiện quan trọng tại địa phương.
Phát triển du lịch cộng đồng
Hôm gia đình anh Hoàng Văn Món đón khách phương xa, gian nhà bỗng trở nên rộn ràng, ấm cúng hơn thường lệ. Mùi xôi tỏa ngào ngạt khắp gian nhà, chiếc nồi đồng hình tròn vần cạnh bếp được mở ra, mùi thức ăn hấp dẫn.
Chúng tôi quây quần quanh vuông bếp đang rực lửa, bên trên gác những tảng thịt hun khói đã dần khô và ngả sang màu vàng. Mọi người trong thôn đến chung tay làm cơm và tiếp khách, hầu như người già và phụ nữ ai cũng mặc trang phục dân tộc, dù họ kiệm lời nhưng qua cử chỉ và ánh mắt ai cũng thấy được ở họ sự hiền hậu và mến khách.
Sau lời mời chân tình của chủ nhà, chúng tôi cùng mọi người ngồi quây quần bên mâm cơm. Từng món ăn lần lượt được bày ra thết đãi, nào thịt lam, cá nướng, gà đồi, măng luộc, rau thơm và kèm theo chút rượu ủ bằng men lá thơm lừng. Xen lẫn giữa tiếng nói cười, chúc tụng là những câu hát Lượn do các cô, các chị cất lên mê mải, say sưa. Không khí mỗi lúc một rôm rả, câu chuyện không còn là xã giao mà trở nên gần gũi, thấm đượm tình người.
Vẻ đẹp nơi đây một phần do thiên tạo, còn lại nhờ sự đồng lòng, chung sức của người dân trong thôn.
Trưởng thôn Hoàng Văn Thành chia sẻ, thôn Khâu Ðấng bắt tay xây dựng Làng du lịch cộng đồng từ vài năm trước, được huyện Pác Nặm dành nguồn lực đầu tư đường giao thông, điện lưới, các công trình phúc lợi xã hội. Ðặc biệt, bà con luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày và các lễ hội truyền thống. Trước đây, các hộ gia đình trong thôn chủ yếu làm ruộng, làm nương, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay sau khi có chủ trương phát triển thôn trở thành làng du lịch cộng đồng, người dân không ngần ngại đăng ký tham gia. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các hộ gia đình đã bắt tay vào cải tạo không gian sinh hoạt sạch sẽ khang trang để đón khách. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, bà con Sán Chỉ vốn chỉ quen làm nương, làm ruộng giờ đã bắt đầu tìm hiểu, học tập và thực hành những công việc như giao tiếp, nấu nướng, cải tạo, chỉnh trang nhà cửa và giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch lên mạng xã hội, trồng rau sạch, chăn nuôi các loại vật nuôi bản địa... để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.
"Chọn Khâu Ðấng làm thôn du lịch cộng đồng bởi nơi này có nhiều tiềm năng thiên nhiên, văn hóa; đồng bào dân tộc Sán Chỉ sinh sống tại đây có nhiều phong tục tập quán đặc trưng. Thế hệ trẻ của thôn có tư duy tiến bộ trong phát triển kinh tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...", Chủ tịch UBND xã Bộc Bố Hà Việt Phương cho biết.
Trong những năm qua, Chương trình 30a, Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ (CSSP) và các nguồn vốn lồng ghép được triển khai đã giúp diện mạo của thôn khang trang hơn, giao thông đi lại thuận lợi với gần 4 km trục đường giao thông rộng 5m được bê-tông hóa.
Với vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, du khách có thể đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu làng, bản bằng các phương tiện như ô-tô, xe máy, xe đạp. Theo dự kiến, thôn Khâu Ðấng sẽ được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng từ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nếu được đầu tư, đây là nguồn lực to lớn để người dân Khâu Ðấng bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống kết hợp làm du lịch cộng đồng.
Cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Khâu Ðấng sẽ mang một diện mạo mới nhưng vẫn đậm đà bản sắc. Những ngôi nhà sàn truyền thống được lựa chọn bảo tồn, chỉnh trang và gia cố, làm mới; các không gian thiêng, không gian sinh hoạt truyền thống được gìn giữ nguyên vẹn.
Người dân nơi đây sẽ có nhà sinh hoạt cộng đồng với diện tích xây dựng khoảng 205 m2 để tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí và các sinh hoạt cộng đồng khác.
Tại đây trưng bày các hiện vật văn hóa truyền thống, các bộ ảnh về đời sống sinh hoạt, các nghi thức, lễ hội của dân tộc Sán Chỉ; mở gian hàng trưng bày quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương và huyện Pác Nặm... phục vụ khách du lịch.
Khâu Ðấng đang chuyển động với những bước chạm đầu tiên trong phát triển du lịch cộng đồng bằng sức hút của miền đất xinh đẹp, luôn gìn giữ bản sắc của địa phương, cùng sự đồng lòng và chung sức của người dân nơi đây.
Theo nhandan.vn