Những người bạn phương xa “phải lòng” văn hóa Việt

Thứ 6, 24.01.2025 | 09:04:23
69 lượt xem

Giao lưu văn hóa quốc tế ngày một mạnh mẽ khiến văn hóa bản địa luôn đứng trước không ít thách thức. Nhưng cuộc giao lưu ấy cũng là dịp để chứng tỏ nét đẹp văn hóa Việt khi ngày càng nhiều người bạn phương xa gắn bó, gìn giữ, lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam.

Bà Stella Ciorra trong hành trình đạp xe quảng bá di sản áo dài của Việt Nam.

Nhìn tấm hình có dòng chữ “Việt Nam ơi! Trường Giang về quê ăn Tết” đăng trên Zalo, người ta có cảm giác đó là tiếng reo vui của một người con đất Việt xa quê. Nhưng không, đó là chia sẻ của một chàng trai Pháp, anh Jean Sébastien Grill, tên gọi Việt Nam là Trường Giang. Jean đã có mặt tại Việt Nam ngay trước ngày cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), để hòa cùng không khí thả cá chép của người Hà Nội.

Những ngày đầu “về quê”, công việc của anh khá tất bật. Vừa cùng gia đình thăm thú các nơi, vừa lo sắm mấy bộ áo dài để cho vợ con đón Tết, vừa tham gia khai mạc Hội chữ Xuân tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám... Và khi anh đến hội chữ, rất nhiều người đã nhận ra “ông đồ Tây” quen thuộc này.

Xuân Quý Mão 2023, Jean Sébastien Grill là “ông đồ Tây” đầu tiên trong lịch sử Hội chữ Xuân. Tuy nhiên Xuân Ất Tỵ này, Trường Giang chia sẻ: “Năm nay tôi đưa cả gia đình về Việt Nam đón Tết, phải sắp xếp thời gian cho nên không thể tham gia viết chữ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Nhưng tôi đang xin phép để được viết chữ tại Khu di tích Vua Lê Thái Tổ ở bên hồ Hoàn Kiếm trong mấy ngày Tết Nguyên đán”.

Jean Sébastien tuổi Nhâm Tuất, sinh năm 1982. Anh vốn học nghề thiết kế đồ họa. Anh còn theo nghề thứ hai là châm cứu theo y học cổ truyền phương Đông. Năm 2006, Jean Sébastien kết hôn với một người Pháp gốc Việt, và cả hai đều “phải lòng” mảnh đất hình chữ S. “Ở Việt Nam, tôi luôn nhận được những nụ cười thân thiện, những người Việt luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi không vì lợi ích gì.

Nhiều gia đình Việt sống quây quần mấy thế hệ rất ấm áp”, Jean Sébastien kể. Từ đó, anh liên tục quay lại Việt Nam vừa tìm hiểu, vừa học thêm Đông y. Đến năm 2015, Jean Sébastien cùng vợ con chuyển hẳn đến Việt Nam sinh sống. Cũng trong thời gian này, anh được một người bạn Hàn Quốc giới thiệu về nghệ thuật thư pháp.

Bị chinh phục bởi bộ môn nghệ thuật Á đông độc đáo này, anh quyết định “tìm thầy tìm thợ” để học thư pháp. Chặng đường đầu tiên của anh là luyện thư pháp chữ Quốc ngữ. Danh hiệu “ông đồ Tây” bắt đầu từ đó. Anh cũng chọn cho mình cái tên Việt là Nguyễn Trường Giang.

Đến từ một nền văn hóa xa lạ, chuyện luyện “mực tàu, giấy dó” của Jean Sébastien là một kỳ công. Nhiều lúc Jean Sébastien tự nhốt mình trong phòng học từ vựng, sau khi mài mực, luyện viết. Bởi muốn trao đi giá trị thì việc viết đẹp, viết có phong cách là chưa đủ, mà còn phải hiểu ý nghĩa sâu xa của các chữ.

Anh đọc sách, học hỏi mọi người để có thể giải thích về nét đẹp của thư pháp, của tục xin chữ đầu năm mới, giải thích ý nghĩa những chữ mà anh viết với mọi người. Một trong hai người thầy của anh là thư pháp gia Kiều Quốc Khánh (hiệu Nguyệt Trà) cũng phải bất ngờ với lòng ham học và tính sáng tạo của người học trò.

Năm 2021, Jean Sébastien về Pháp do dịch Covid-19 khi trong lòng vẫn bộn bề thương nhớ quê hương thứ hai. Anh không nói mình đến Việt Nam nữa mà gọi là “về quê”, theo cách nói của người Việt. Xuân Quý Mão 2023, sau khi vượt qua vòng tuyển khảo, anh được viết chữ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám-một vinh dự mà không phải người viết thư pháp nào cũng có được.

Xuân Giáp Thìn không trở về Việt Nam, nhưng anh vẫn viết thư pháp ở Pháp và Bỉ, viết tặng bạn bè, người thân. “Với cá nhân tôi, luyện thư pháp là luyện cho tâm mình. Ngoài ra, nó còn mang một ý nghĩa đặc biệt khác là việc trao đi các giá trị truyền thống. Với tôi, viết thư pháp, viết chữ đầu năm là niềm vui, là hạnh phúc”, Jean Sébastien cho biết.

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn với thế giới, giao lưu ngày một mạnh mẽ hơn. Trong quá trình đó, chúng ta không chỉ tiếp nhận những giá trị văn hóa thế giới mà những nét đẹp văn hóa truyền thống đất Việt cũng đang lan tỏa đến bạn bè quốc tế. Bà Stella Ciorra là một phụ nữ Anh đã gắn bó với Việt Nam 30 năm nay. Năm 1995, lần đầu bà đến Việt Nam, đúng vào thời điểm đất nước bắt đầu hội nhập quốc tế.

Việt Nam ngày ấy còn rất nhiều khó khăn. Bà vẫn nhớ những con đường lầy lội khi đi du lịch bụi nhưng lại giúp bà tiếp cận gần gũi với con người Việt Nam thân thiện, luôn cố gắng làm mọi thứ tốt nhất dù trong hoàn cảnh khó khăn. Bà dần yêu mến người Việt bởi chính con người tạo nên sự khác biệt, làm nên tinh thần và hình ảnh của mỗi quốc gia.

Stella Ciorra trở về Anh quốc. Nhưng tâm hồn bà “ở lại” Việt Nam. Và rồi ít năm sau đó, bà đã có một quyết định quan trọng là trở lại sinh sống lâu dài với Việt Nam một thời gian. Bà tham gia Hội Những người bạn Di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage-FVH) do người nước ngoài thành lập, sau đó, bà được bầu làm Phó Chủ tịch rồi hiện giờ là Chủ tịch Hội.

Say mê văn hóa, con người Việt Nam, bà vừa đọc sách để tìm hiểu thêm, vừa lắng nghe những câu chuyện từ cuộc sống đời thường của người Việt, nhất là Hà Nội. Những năm gần đây, bà thuê nhà ở cùng với một gia đình có ba thế hệ ở khu vực quận Tây Hồ.

Dù nói tiếng Việt chưa thật giỏi, nhưng Stella Ciorra rất thích nói tiếng Việt. Điều đó giúp bà gần gũi hơn với cuộc sống người Việt, nhất là hiểu biết sâu sắc về Hà Nội. Hằng năm, FVH tổ chức các chuyến du khảo văn hóa Việt Nam, nhất là các chuyến đi bộ để khám phá văn hóa Hà Nội, từ Hoàng thành Thăng Long đến khu phố cổ, phố cũ, hay các làng nghề ven đô… Trong các chuyến đi, Stella Ciorra đóng vai trò một hướng dẫn viên với những câu chuyện bản địa thú vị và cách dẫn chuyện hóm hỉnh.

Khi Hà Nội tổ chức các sự kiện tôn vinh áo dài, Stella Ciorra không những hăng hái tham gia, mà còn vận động bạn bè quốc tế mặc áo dài để diễu hành. Cách đây không lâu, bà còn tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết trong Hội thảo “Bảo tồn và phát huy áo dài truyền thống-Kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý” do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế), Câu lạc bộ Đình làng Việt và Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Giao lưu văn hóa quốc tế ngày một mạnh mẽ khiến văn hóa bản địa luôn đứng trước không ít thách thức. Xu hướng “sính ngoại”, “vọng ngoại”, học đòi theo các “sao” giải trí nước ngoài là khá phổ biến và là nguy cơ làm mai một văn hóa truyền thống. Nhưng cuộc giao lưu ấy cũng là dịp để chứng tỏ nét đẹp văn hóa Việt. Chúng ta từng chứng kiến một Martín Rama, chuyên gia kinh tế người Uruguay lang thang khắp phố phường để khám phá Hà Nội. Ông yêu những con phố cổ, phố cũ, những ban công, những ô cửa Hà Nội và cả những vỉa hè đầy sức sống.

Ông đã “gói ghém” tình yêu ấy trong hai cuốn sách: “Hà Nội, một chốn rong chơi” xuất bản năm 2014 và “Vì tình yêu Hà Nội” xuất bản năm 2023. Trong đó cuốn “Hà Nội, một chốn rong chơi” đã đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2014. Giải thưởng Bùi Xuân Phái còn tôn vinh nhiều người bạn phương xa khác gắn bó, yêu mến và có những đóng góp cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Một trong số đó là nhà văn trẻ người Serbia Marko Nikolic với tiểu thuyết “Phố Nhà Thờ”.

Từ đam mê, gắn bó, nhiều người bạn phương xa đang đóng góp, lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt bằng những cách khác nhau. Ở thời đại 4.0, phương tiện lan tỏa nhanh nhất là số hóa. Và đó là cách mà chàng trai Palestine sinh năm 1993-Saleem Hammad đang lan tỏa qua kênh YouTube cá nhân. Saleem Hammad gắn bó với Việt Nam 13 năm, từng giành giải nhất cuộc thi “Hà Nội trong tôi”.

Bằng tình yêu và cách sử dụng tiếng Việt đầy tình cảm, chàng trai Palestine vượt qua rất nhiều thí sinh đến từ Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Lào... để giành chiến thắng. Anh còn là Đại sứ hữu nghị Vì hòa bình của thành phố Hà Nội năm 2019. Điều đó cho thấy Saleem Hammad gắn bó với Việt Nam đến thế nào.

Việc lập ra kênh YouTube cũng xuất phát từ tình yêu Việt Nam. Anh tích cực hợp tác với những “YouTuber” khác để quảng bá Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Không những thế, chàng trai này đã hỗ trợ nhiều YouTuber nổi tiếng sang Việt Nam thực hiện những video quảng bá về lịch sử, văn hóa, con người.

Tình yêu, việc làm của những người bạn phương xa khiến nhiều người Việt phải suy nghĩ về cách ứng xử của bản thân với văn hóa truyền thống. Như Jean Sébastien Grill chia sẻ, một trong những lý do anh thích thư pháp là trao đi các giá trị. Bây giờ không ít người Việt không còn quan tâm đến tục xin-cho chữ nữa. Còn anh muốn giữ điều đó, lan tỏa đến mọi người.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/nhung-nguoi-ban-phuong-xa-phai-long-van-hoa-viet-post857546.html

  • Từ khóa