Ấn Độ và Nhật Bản tập trận chung: Thông điệp ngầm gửi đến Trung Quốc?

Thứ 4, 01.07.2020 | 05:53:08
546 lượt xem

Cuộc tập trận dường như muốn gửi đến Bắc Kinh thông điệp về sự cần thiết phải thúc đẩy hoạt động ngoại giao hơn là các hành vi gây hấn.

Các cuộc tập trận chung giữa hải quân Ấn Độ và Nhật Bản tại Ấn Độ Dương vào cuối tuần qua cho thấy 2 quốc gia này đang xích lại gần nhau để đối phó với cái mà họ cho là mối đe dọa chung từ Trung Quốc, SCMP dẫn nhận định của các nhà phân tích cho biết.

an do va nhat ban tap tran chung: thong diep ngam gui den trung quoc? hinh 1
Các tàu chiến Ấn Độ và Nhật Bản tham gia tập trận ở Ấn Độ Dương giữa bối cảnh căng thẳng biên giới Trung - Ấn gia tăng. Ảnh: Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản.

Mặc dù cuộc tập trận chung giữa 2 nước không phải là hiếm nhưng động thái mới nhất này diễn ra trong bối cảnh Tokyo và New Dehli đang trong giai đoạn cao trào căng thẳng với Bắc Kinh. Xung đột tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya đã khiến 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi đó Nhật Bản đang bị cuốn vào một cuộc chiến ngôn từ với Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

“Thông điệp ngầm” gửi đến Trung Quốc

Ấn Độ và Trung Quốc đều cáo buộc nhau xâm phạm ranh giới phân chia kiểm soát tại vùng lãnh thổ tranh chấp trên dãy Himalaya, khiến binh sỹ của 2 phía thiệt mạng. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong cho biết, quân đội Ấn Độ phải chịu trách nhiệm về vụ đụng độ vì họ đã vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC). Đáp lại, Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” trong quan hệ ngoại giao, cáo buộc Trung Quốc “cố gắng thay đổi hiện trạng trên thực địa bằng vũ lực”.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nhật Bản cũng liên tục đưa ra các phát ngôn đáp trả nhau liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối quyết định Nhật Bản đổi tên đơn vị hành chính quản lý quần đảo này, coi đây là một hành động khiêu khích nghiêm trọng đối với “chủ quyền lãnh thổ” Trung Quốc,còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kano tuyên bố rằng Tokyo sẽ “giám sát cả ý đồ và khả năng của Bắc Kinh”.

Cuộc tập trận là dấu hiệu mới nhất cho thấy cạnh tranh địa chính trị đang nóng lên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Giữa lúc quan hệ leo thang căng thẳng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập một nhóm mới để thúc đẩy quan hệ hàng hải với Mỹ, Ấn Độ, Australia và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Trước đó trong tháng 6, Mỹ đã tiến hành 3 cuộc tập trận ở Biển Philippines và ở Biển Đông. 2 trong số các cuộc tập trận có sự tham gia của các tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt. Một cuộc tập trận khác được thực hiện cùng với lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Giới phân tích cho rằng, hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông đã thúc đẩy Ấn Độ và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn.

Còn nhớ trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi xây dựng quan hệ hàng hải mạnh mẽ hơn giữa 2 bên, với tầm nhìn “một châu Á rộng lớn hơn”. Ông Abe đưa ra quan điểm táo bạo “ghép nối” Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong bài diễn văn có tiêu đề “Sự hội tụ của 2 đại dương”.

Kể từ đó, New Delhi và Tokyo đã tăng cường hợp tác quân sự, tham gia các cuộc tập trận chung, chẳng hạn như ‘Dharma Guardian” trên đất liền và ‘Shinyu Maitr’ trên không, cùng cuộc tập trận 3 bên ‘Malabar’ với Mỹ.

Thủ tướng Abe và Thủ tướng Narendra Modi cũng thường xuyên gặp gỡ. Riêng trong năm 2019, 2 nhà lãnh đạo đã có 3 cuộc gặp. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Nhật Bản còn tổ chức các Hội nghị Thượng đỉnh song phương thường niên, vốn là điều Tokyo hiếm khi thực hiện.

Chuyên gia Uday Bhaskar – giám đốc Hiệp hội nghiên cứu chính sách ở New Dehli cho biết, Trung Quốc rất lo lắng về mối quan hệ này.

Song ông nhấn mạnh, dù Nhật Bản và Ấn Độ chia sẻ mối lo ngại về hành vi của Trung Quốc nhưng cả hai đều “tỏ ra thận trọng trong việc xây dựng một mối quan hệ về chiến lược và an ninh mạnh mẽ”. “New Dehli và Tokyo chia sẻ tầm nhìn chung về hoạt động tự do trên biển, nhưng điều này vẫn ở cấp độ chính trị - ngoại giao”.

Còn Rajiv Bhatia, cựu Đại sứ của Ấn Độ cho rằng, cuộc tập trận dường như muốn gửi đến Bắc Kinh thông điệp nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy hoạt động ngoại giao hơn là thực hiện hành vi gây hấn. “Tín hiệu này không phải là sự leo thang xung đột. Đó là lời nhắc nhở rằng, sử dụng các kênh ngoại giao (để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng) sẽ là điều tốt nhất cho Trung Quốc và các bên khác”.

Sự trở lại của Bộ Tứ Kim Cương?

Theo một số nhà phân tích, việc gia tăng các hoạt động ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho thấy sự quay trở lại của “Bộ Tứ Kim Cương” – một liên minh quân sự không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh song phương trực tuyến trong tháng 6, Ấn Độ và Australia đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần quân sự, cho phép tàu và máy bay quân sự của 2 nước có thể tiếp nhiên liệu và tiếp cận các cơ sở bảo trì tại căn cứ quân sự của nhau.

Ông Rajiv Bhatia, thành viên tại Viện chính sách Gateway House ở Mumbai cho biết, những hành vi gây hấn của Trung Quốc có thể khiến “Bộ Tứ Kim Cương” gia tăng sức mạnh.

Chuyên gia Bhatia cho rằng, sự tăng cường hợp tác quân sự giữa 4 quốc gia trên là dấu hiệu cho thấy điều đó, tuy nhiên nhóm Bộ Tứ vẫn cần phải hành động nhiều hơn, từ việc gắn kết các nước ASEAN đến tiến hành tập trận chung.

“Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là sân chơi chiến lược nhất đối với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc trong thập kỷ tới và xa hơn nữa. Trung Quốc dường như nhận thức về điều này rõ hơn so với một số quốc gia trong khu vực”, ông Bhatia nhận định

Tại New Dehli, luôn có quan điểm cho rằng lĩnh vực hàng hải là chìa khóa để chống lại hành vi gây hấn ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Nhiều quan chức hải quân đã hối thúc chính phủ Ấn Độ đẩy mạnh sự hiện diện trên biển. “Lĩnh vực hàng hải cung cấp một số lựa chọn nhất định để kiềm chế các chiến thuật xâm lược leo thang của Trung Quốc, dù liên quan đến Ấn Độ hay bất cứ quốc gia nào ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở rộng”, ông Bhaskar nói.

Trung Quốc từ lâu đã lo lắng về việc các cường quốc hàng hải kiểm soát Eo biển Malacca – một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích của Bắc Kinh./.


Hồng Anh/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/an-do-va-nhat-ban-tap-tran-chung-thong-diep-ngam-gui-den-trung-quoc-1065694.vov

  • Từ khóa