Hôm qua (7/7), Mỹ tuyên bố ý định cấm các mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là TikTok vì lo ngại ứng dụng này là một mối đe dọa an ninh.
Sau cuộc tấn công nhằm vào hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc, đây là một động thái mới nhất cho thấy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng ra tay quyết liệt hơn đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc, vốn đang trỗi dậy đe dọa vị trí siêu cường của Mỹ trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Technextgen). |
TikTok, với thực đơn là các điệu nhảy bất tận, các màn trình diễn hát nhép và cùng với kho thư viện lớn về các bài nhạc và các hiệu ứng âm thanh để người dùng lựa chọn nhập vai đã trở nên cực kỳ phổ biến với thế hệ người dùng trẻ tuổi. Trong vòng chưa đầy 4 năm kể từ khi ra mắt, đã có hơn 165 triệu lượt trên điện thoại thông minh tại Mỹ và hơn 2 tỷ lượt trên toàn cầu tải về ứng dụng này.
Trước sự lớn mạnh không ngừng của TikTok, khi được hỏi liệu Mỹ có xem xét cấm các mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là TikTok, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ đang xem xét điều đó. Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh, người dùng Mỹ chỉ nên tải các ứng dụng này nếu muốn dữ liệu, thông tin cá nhân của mình nằm trong tay Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Chúng ta tuyên bố Huawei và ZTE là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Mỹ. Đối với các ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại di động, chúng tôi không muốn để những ứng dụng này gây hại cho người dùng của Mỹ. Chính vì thế chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc việc cấm sử dụng các ứng dụng này”.
Việc Mỹ xem xét cấm sử dụng ứng dụng Tiktok không phải là mới bắt đầu. Từ tháng 12/2019, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ đạo tất cả các nhân viên xóa Tiktok khỏi điện thoại di động vì lo ngại ứng dụng này có thể thu thập dữ liệu của người dùng bao gồm cả địa điểm của họ khi đi tuần tra.
Tuy nhiên, TikTok đã ngay lập tức phản bác lại những cáo buộc này của Mỹ. Theo đó, nền tảng của Trung Quốc nói rằng, họ được lãnh đạo bởi một Giám đốc điều hành (CEO) người Mỹ với hàng trăm nhân viên và các lãnh đạo chủ chốt làm việc trong lĩnh vực an ninh, an toàn và cả chính sách công tại chính nước Mỹ.
Theo TikTok, dữ liệu người dùng của họ được lưu trữ tại Mỹ và một bản sao ở Singapore và hãng này chưa bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc. Do đó, những quan ngại về an ninh quốc gia của Mỹ với TikTok là "không có cơ sở".
TikTok cũng thể hiện sự độc lập với các chính sách của Trung Quốc khi vừa tuyên bố sẽ dừng cung cấp ứng dụng này tại Hong Kong sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong.
Ở thời điểm hiện tại, TikTok là ứng dụng đang bùng nổ ở Mỹ và các nước phương Tây khác. Đây là nền tảng mạng xã hội đầu tiên của Trung Quốc thành công ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia tỷ dân này. Trong 3 tháng đầu năm nay, TikTok có 315 triệu lượt tải về, số lượt tải theo quý nhiều hơn bất cứ ứng dụng nào khác trong lịch sử.
Tuy nhiên, với việc Mỹ xem xét cấm TikTok và cùng lệnh cấm Ấn Độ vào tuần trước, đây sẽ là một đòn nặng đối với ứng dụng này. Kể từ khi ra đời, ứng dụng đã được 611 triệu lần cài đặt ở Ấn Độ, chiếm hơn 30% tổng số cài đặt trên toàn thế giới, còn tại Mỹ, theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng di động Sensor Tower, Mỹ chiếm khoảng 8,2% trong tổng số cài đặt trên toàn cầu.
Hiện căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức cao. Từ thương mại, Mỹ - Trung đang chuyển sang đối đầu trên các lĩnh vực khác như an ninh quốc gia và công nghệ. Sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ đang đe dọa vị trí số 1 của Mỹ. Dự kiến, cuộc chạy đua về công nghệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ không ngừng nóng lên./.
Vũ Anh Tuấn/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/mytrung-gia-tang-canh-tranh-quyet-liet-tren-mat-tran-cong-nghe-1068486.vov