WHO hôm 1/8 cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài, đồng thời bày tỏ lo ngại về những thách thức mà các nước Đông Nam Á có hệ thống y tế yếu phải đối mặt.
Nhận định trên được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để đánh giá về đại dịch, 6 tháng sau khi tổ chức này ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Các chuyên gia y tế thế giới cũng đặc biệt bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh bùng phát tại những quốc gia có hệ thống y tế yếu, khó kiểm soát dịch bệnh với những thiệt hại không lường trước được.
Ảnh minh họa: Reuters |
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế chỉ có một lần trong thế kỷ và những tác động của nó sẽ còn được cảm nhận thấy trong những thập niên tới. Ông cũng cảnh báo nguy cơ tái bùng phát các ca nhiễm mới, đồng thời kêu gọi các nước tiếp tục những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
“Bất cứ người dân nào cũng có nguy cơ lây nhiễm virus, thậm chí cả những khu vực đã trải qua nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát dịch. Rất nhiều nước tin rằng đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất nhưng giờ họ lại phải đối mặt với làn sóng mới. Một số nước giờ mới bước vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh”.
Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới cũng bày tỏ lo ngại đặc biệt về khả năng chống đỡ đại dịch của các quốc gia có hệ thống y tế yếu, trong bối cảnh các ca mắc mới tăng mạnh tại một số quốc gia châu Phi, Nam Mỹ, Đông Nam Á.
Ở Philippines, ngày càng nhiều nhân viên y tế bị bệnh hoặc bỏ việc, trong khi một số bệnh viện đã quá đông, đến mức đang phải từ chối nhận bệnh nhân mới. Sau khi chứng kiến số ca nhiễm mới cao kỷ lục lên tới gần 5.000 người một ngày, có đến 80 tổ chức y tế, đại diện cho hàng chục nghìn bác sĩ Philippines đã ký thư ngỏ kêu gọi chính phủ cần có biện pháp quyết liệt, tái áp đặt phong tỏa để đối phó dịch bệnh lan rộng.
Bức thư có đoạn viết: “Hệ thống y tế của Philippines đã quá tải. Chúng ta đang thua trong trận chiến đấu chống lại Covid-19 và cần phải có một kế hoạch hành động quyết liệt”. Nhằm xoa dịu lo ngại của người dân, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẽ kéo dài lệnh giới hạn tại thủ đô đến giữa tháng 8 tới.
Trong một báo cáo mới nhất về tác động đại dịch ở Đông Nam Á, Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ lo ngại đặc biệt về hệ thống y tế hạn chế của Myanmar trong nỗ lực đối phó với dịch bệnh. Sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc và tử vong do Covid-19 cùng hệ thống y tế yếu kém và thiếu đồng bộ của Indonesia cũng khiến quốc gia này đang tiếp tục trở thành tâm dịch của khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh hệ thống y tế của nhiều quốc gia đang trở nên quá tải, Hội đồng Y tá và điều dưỡng thế giới ( ICN) kêu gọi bảo vệ ưu tiên hàng đầu cho các nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống dịch.
Giám đốc điều hành của Hội đồng y tá thế giới Howard Catton nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại về việc tiếp tục nhận được các báo cáo về việc những nhân viên y tế không có đủ trang thiết bị bảo hộ, không được xét nghiệm hay làm việc với sức ép quá tải. Chính phủ các nước cần phải ưu tiên bảo vệ cho đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt trong việc tiếp cận với vaccine, nếu có”.
Hội đồng y tá thế giới ước tính có khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế mắc Covid-19 trên thế giới, cao gấp 3 lần so với con số đầu tháng 6./.
Phạm Hà/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/who-canh-bao-ve-thach-thuc-tu-covid19-voi-cac-nuoc-dong-nam-a-1077589.vov