Mỹ ngày càng đơn độc trong vấn đề hạt nhân của Iran kể từ khi Tổng thống Trump quyết định rút khỏi JCPOA hồi tháng 5/2018.
Hôm qua (14/8), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bác bỏ nghị quyết do Mỹ đề xuất về việc kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vốn sẽ hết hạn vào tháng 10 tới theo quy định. Nghị quyết của Mỹ chỉ nhận được 2 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống và 11 phiếu trắng, thiếu xa so với 9 phiếu ủng hộ tối thiểu để nghị quyết được thông qua. Việc nghị quyết không được thông qua cho thấy Mỹ ngày càng đơn độc trong vấn đề hạt nhân của Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5/2018.
Ảnh minh họa: Reuters |
Trong tuyên bố sau khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ thất vọng trước kết quả trên.
“Nhiệm vụ của Hội đồng Bảo an là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an đã thất bại trong sứ mệnh đó khi cho nhà nước tài trợ khủng bố số một được mua bán vũ khí tự do. Bán vũ khí gây mất ổn định Trung Đông khiến Israel rơi vào vòng nguy hiểm, khiến châu Âu và Mỹ gặp rủi ro. Chúng tôi không để điều đó xảy ra. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ hiện có. Điều khoản "chuyền lùi" (snap back) là một lựa chọn có sẵn cho điều đó và chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong phạm vi quyền hạn của Mỹ”
Điều khoản “chuyền lùi” được ông Pompeo nhắc đến, được quy định trong thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc dù Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Các nhà ngoại giao cho rằng, Mỹ có thể theo đuổi việc kích hoạt lại toàn bộ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran bằng cách áp dụng điều khoản "chuyền lùi" vào tuần tới. Tuy nhiên, động thái này của Mỹ được nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tại phiên bỏ phiếu, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cho rằng, vì Mỹ không còn là thành viên của thỏa thuận năm hạt nhân Iran năm 2015, nên nước này “không đủ điều kiện để yêu cầu Hội đồng Bảo an kích hoạt điều khoản chuyền lùi”. Ông cho rằng, đa số thành viên Hội đồng Bảo an đều tin rằng, nỗ lực của Mỹ là không có cơ sở pháp lý.
Trong khi đó, Đại sứ Iran Majid Takht Ravanchi cáo buộc Mỹ đang tìm cách sử dụng lệnh cấm vận vũ khí “như một cái cớ để giết chết thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) thông qua cơ chế kích hoạt điều khoản quay trở lại trừng phạt”.
Trong khi cuộc bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết của Mỹ đang được tiến hành, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất tổ chức hội nghị trực tuyến với Mỹ và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức và Iran để cố gắng tránh "đối đầu và leo thang" hơn nữa tại Liên Hợp Quốc vì vấn đề Iran. Tổng thống Putin cho rằng, việc kích hoạt lại toàn bộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran "chỉ làm leo thang căng thẳng, gia tăng nguy cơ xung đột hơn nữa và một kịch bản như vậy phải tránh"./.
Vũ Anh Tuấn/VOV.VN