"Kẻ thù giấu mặt" đe dọa nhuệ khí chiến đấu của binh sĩ Ukraine

Thứ 5, 21.12.2023 | 08:39:56
431 lượt xem

Sau gần 22 tháng đối phó Nga trên chiến trường, nhiều binh sĩ Ukraine phải đối mặt với tâm lý căng thẳng trong chiến đấu, đe dọa tới nhuệ khí của họ trong cuộc chiến tiêu hao chưa rõ hồi kết.

Kẻ thù giấu mặt đe dọa nhuệ khí chiến đấu của binh sĩ Ukraine - 1

Nhiều binh sĩ Ukraine thừa nhận tâm lý mệt mỏi và căng thẳng vì chiến sự kéo dài trong thời gian qua (Ảnh: Reuters).

Nhà trị liệu tâm lý Oleh Hukovskyi đứng cạnh tấm bảng trắng trong một lớp học tạm bợ ở miền Đông Ukraine và nói chuyện với một nhóm binh sĩ tham dự buổi học về cách đối phó với căng thẳng trong chiến sự.

Hukovskyi là một bác sĩ tâm thần gia nhập lực lượng vũ trang Ukraine khoảng 6 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng vào tháng 2 năm ngoái. Hiện ông điều hành một nhóm hỗ trợ tâm lý quân nhân trực thuộc Lữ đoàn cơ giới biệt động số 67 tại Lyman.

Các lớp học bao gồm lý thuyết tâm lý cơ bản và các kỹ thuật đối phó bao gồm các bài tập thở. Trong khi hàng chục binh sĩ tham dự đang trả lời các câu hỏi và đề xuất, ông Hukovskyi nhận thức được rằng ông đã làm hết sức mình trong thời gian cho phép.

"Họ có nghĩa vụ và phải quay trở lại tiền tuyến", ông nói về các binh sĩ, một số người đang được điều trị vết thương nhẹ và căng thẳng khi chiến đấu.

Người đàn ông 41 tuổi nói với Reuters: "Bất kỳ sự can thiệp nào chúng tôi thực hiện đều nhằm ổn định họ ở một mức độ nào đó và chỉ vậy thôi. Vì vậy, nó không thể giúp bạn phục hồi hoàn toàn. Điều đó là không thể trong điều kiện làm việc của chúng tôi".

Trong khi nhiều binh sĩ quay trở lại chiến trường sau thời gian nghỉ ngắn và được hỗ trợ trị liệu về tâm lý, một số trường hợp nghiêm trọng hơn được đưa đi điều trị thêm tại các khu vực cách xa mặt trận.

Ông Hukovskyi là một trong hàng trăm chuyên gia và tình nguyện viên trên khắp Ukraine điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho binh lính, một thách thức ngày càng tăng đối với một đội quân đang kiệt sức khi tìm cách cầm chân đối thủ có tiềm lực quân sự vượt trội hơn nhiều.

Nhiều người tham gia quân đội với tư cách tình nguyện viên, nghĩa là họ có rất ít sự chuẩn bị cho những trận chiến khốc liệt dưới hỏa lực của pháo binh, súng cối và máy bay không người lái.

Phó lữ đoàn trưởng Dana Vynohradova cho biết: "Ukraine có một đội quân gồm những công dân mới được huy động là giáo viên, nghệ sĩ, nhà thơ, chuyên gia công nghệ thông tin hoặc công nhân. Chúng tôi không có khả năng tiến hành huấn luyện tâm lý toàn diện".

Quân đội Ukraine đã cố gắng tuyển thêm người làm nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý cho binh sĩ trên tiền tuyến.

Lực lượng vũ trang Ukraine từ chối trả lời các câu hỏi về quy mô của đợt tuyển quân và bao nhiêu binh sĩ đã được điều trị tâm lý kể từ khi chiến sự bùng phát. Những chi tiết như vậy thường được coi là bí mật quân sự.

Reuters đã phỏng vấn 13 người tham gia hỗ trợ quân đội và 4 binh sĩ đang được điều trị, từ chăm sóc ngắn hạn trong vài ngày đến phục hồi chức năng kéo dài hàng tuần cho những trường hợp chấn thương nghiêm trọng hơn, cũng như những người bị cụt chân đang học cách sống chung với vết thương.

Họ nói về sự mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, sợ hãi và tội lỗi, nhưng cũng nói về tình bạn thân thiết giữa các quân nhân, ý thức nghĩa vụ phải nhanh chóng trở về đơn vị nơi họ phục vụ và động lực mạnh mẽ để đẩy lùi đối thủ.

"Kẻ thù giấu mặt"

Các chuyên gia nhận định, tâm lý căng thẳng vì chiến đấu đang trở thành "kẻ thù giấu mặt" tác động mạnh mẽ tới khả năng tác chiến của các binh sĩ Ukraine.

Ông Hukovskyi cho biết binh sĩ Ukraine không được luân chuyển thường xuyên. Khi cuộc chiến kéo dài và hệ thống phòng thủ của Nga được giữ vững, áp lực ngày càng tăng đối với Kiev trong việc tuyển thêm binh sĩ chiến đấu trong khi không làm kiệt quệ thêm nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Ông nói: "45 ngày là khoảng thời gian quan trọng mà những người lính có thể ở lại và có cơ hội giữ được sức khỏe tinh thần khỏe mạnh".

"Chúng tôi đang ở trong tình huống mà binh sĩ có thể được triển khai lâu hơn thời hạn trên và họ đang phải chịu nhiều chấn thương tâm lý và cảm giác mệt mỏi khi chiến đấu", ông nói.

Tham dự lớp học của ông Hukovskyi vào tháng 11 có "DJ", một cựu công nhân 50 tuổi đến từ miền Trung Ukraine. "Tôi gặp ác mộng và chúng khiến tôi kiệt sức. Khi có thời gian để nghỉ ngơi, tôi không ngủ chút nào", ông nói trong buổi trị liệu.

Sau đó, DJ giải thích rằng ông chưa chuẩn bị cho sự khốc liệt của cuộc chiến khi nhập ngũ theo lời kêu gọi của chính quyền.

"Khi lần đầu tiên tham chiến và ra tiền tuyến, tôi chợt nhận ra điều đó. Lúc đầu tôi không hiểu pháo cối, xe tăng, pháo binh là gì. Hóa ra tâm lý tôi không thể chịu đựng mãi được", ông thừa nhận.

Ông cho biết, mặt trận Lyman ông tham chiến nằm dưới hỏa lực của Nga 24/7. Giống như một số người khác, DJ cho biết ông mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương và sang chấn tâm lý.

Trong khi đó, Dmytro, một quân nhân thuộc Lữ đoàn cơ giới biệt động số 21, thừa nhận rằng sau khi hứng chịu một trận pháo kích, anh bắt đầu sợ hãi với viễn cảnh phải quay lại tiền tuyến.

Sau khi được hỗ trợ về mặt tâm lý, Dmytro, 24 tuổi, thừa nhận đã thấy ổn hơn. "Tôi cho rằng chúng ta cần thêm các nhà trị liệu tâm lý vì quân nhân trải qua rất nhiều căng thẳng", anh nói.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/ke-thu-giau-mat-de-doa-nhue-khi-chien-dau-cua-binh-si-ukraine-20231221074200371.htm

  • Từ khóa