Bài toán đối ngoại nóng lên, tác động ra sao tới tranh cử tổng thống Mỹ?

Thứ 7, 23.12.2023 | 15:18:50
452 lượt xem

Thông thường, khi bỏ phiếu bầu tổng thống, cử tri Mỹ chủ yếu quan tâm tới các vấn đề đối nội. Tuy vậy, xung đột tại Ukraine và Trung Đông có thể chuyển phần nào sự chú ý của cử tri sang đối ngoại.

Bài toán đối ngoại nóng lên, tác động ra sao tới tranh cử tổng thống Mỹ? - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến phải đối mặt với chiến dịch tái tranh cử đầy khó khăn vào năm tới. Người tiền nhiệm của ông là Donald Trump cũng tham gia tranh cử (Ảnh: AP).

Theo tư duy chính trị thông thường, ảnh hưởng của các vấn đề đối ngoại lên các cuộc bầu cử là không nhiều. Cử tri thường quan tâm hơn đến những vấn đề quan hệ mật thiết đến cuộc sống như kinh tế hay nội chính.

Bên cạnh đó, các mục tiêu đối ngoại đôi khi mâu thuẫn với mục tiêu đối nội. Ví dụ, để giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu, Mỹ sẽ cần chi đáng kể từ ngân sách cho đối ngoại - quốc phòng. Điều này có thể gây ra phản ứng từ cử tri - những người hàng năm phải đóng thuế để duy trì các khoản chi đó.

Tuy vậy, trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng quốc tế - từ Ukraine tới Trung Đông - thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ ở quy mô toàn cầu, một số nhà phân tích chỉ ra đối ngoại có thể trở thành một trong những trọng tâm của cuộc bầu cử năm 2024.

"Chúng ta có thể chứng kiến hiện tượng hiếm gặp: Một cuộc bầu cử tập trung vào chính sách đối ngoại", ông Mark Hannah, chuyên gia tại viện nghiên cứu Eurasia Group, viết trên Los Angeles Times.

Chính sách đối ngoại trong tính toán của cử tri

Theo khảo sát mới nhất được Wall Street Journal công bố đầu tháng 12, chỉ có 5% số cử tri Mỹ được hỏi coi chính sách đối ngoại là vấn đề quyết định lá phiếu của họ trong năm 2024. Về tổng thể, đối ngoại đứng thứ bảy trong danh sách ưu tiên của người Mỹ - xếp sau kinh tế (21%), nhập cư (13%), quyền nạo phá thai (7%), nền dân chủ (7%), lạm phát (6%) và mục tiêu chống tư tưởng cánh hữu (6%).

Tuy nhiên, nếu so với khảo sát được thực hiện 4 tháng trước đó, số cử tri lựa chọn đối ngoại đã tăng gấp đôi, từ 2% lên 5%, giúp lĩnh vực này nhảy 4 bậc khỏi vị trí xếp chót danh sách ưu tiên. Cuộc xung đột Israel - Hamas được cho là một trong những nhân tố thúc đẩy sự dịch chuyển đó.

Bên cạnh đó, thứ tự ưu tiên thấp không có nghĩa người Mỹ hoàn toàn không quan tâm tới đối ngoại. Khảo sát của Bloomberg và Morning Consult cho thấy có tới 39% người Mỹ coi quan hệ Mỹ - Trung là vấn đề "rất quan trọng" trong lá phiếu bầu tổng thống năm 2024. 39% người khác nhận định đây là vấn đề "quan trọng", trong khi chỉ 4% hoàn toàn không quan tâm tới vấn đề này.

Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas cũng nhận được sự quan tâm gần tương tự: 43% coi đây là vấn đề "rất quan trọng", 33% coi là vấn đề "quan trọng", trong khi chỉ 7% hoàn toàn không quan tâm.

Trong cuốn sách "Bài kiểm tra cho Tổng tư lệnh" (The Commander-in-Chief Test), học giả Mỹ Jeffrey A. Friedman chỉ ra cử tri không chỉ quan tâm đến chính sách của các ứng viên tổng thống trong từng vấn đề đối ngoại cụ thể.

Thay vào đó, từ chính sách đối ngoại, cử tri muốn có được đánh giá rộng hơn: Họ muốn biết ứng viên đó có đủ mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia và đối phó với các đối thủ của Mỹ trên trường quốc tế hay không.

Bản thân một số ứng viên của đảng Cộng hòa, tiêu biểu là bà Nikki Haley, cũng có xu hướng nhấn mạnh quan điểm về đối ngoại trong chiến dịch tranh cử, Politico nhận định.

Bài toán đối ngoại nóng lên, tác động ra sao tới tranh cử tổng thống Mỹ? - 2

Bà Nikki Haley là ứng viên có thể hưởng lợi nếu bầu cử Mỹ đặt trọng tâm vào đối ngoại (Ảnh: AFP).

Quyết định của bà Haley không phải điều khó hiểu. Ngoài cựu Tổng thống Donald Trump, bà là ứng viên Cộng hòa có nhiều kinh nghiệm đối ngoại nhất với gần hai năm giữ cương vị đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Theo ông Bill Strong, một trong những thành viên nhóm vận động tranh cử của bà Haley, nhiều nhà tài trợ cho rằng kinh nghiệm đối ngoại là tài sản mà bà cần tận dụng. "(Tổng thống Mỹ) cần hiểu khu vực và các đối tượng liên quan. Nikki biết rõ tất cả điều này. Không một ai khác làm được như vậy", ông nói với AP.

Các tổng thống Mỹ đương nhiệm thường hưởng lợi từ vấn đề đối ngoại. Các khủng hoảng quốc tế thường giúp tập hợp sự ủng hộ của người dân với lãnh đạo, đặc biệt là những người được cho có hành động đủ quyết đoán. Với tư cách người đứng đầu nước Mỹ, ông Biden cũng có cơ hội hiện thực hóa quan điểm về đối ngoại của mình - thay vì chỉ tuyên bố suông như các ứng viên khác.

Một số nhà phân tích nhận định nếu có thể, ông Biden sẽ cố gắng hướng sự chú ý của cử tri vào vấn đề đối ngoại. "Đây là lĩnh vực ông ấy cảm thấy quen thuộc và thoải mái. Ông ấy đã tham gia xử lý các vấn đề này trong nửa thế kỷ", ông David Axelrod, người từng là cố vấn cấp cao của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nói với Politico.

Thượng nghị sĩ Chris Coons, đồng chủ tịch ủy ban tái cử của Tổng thống Biden, ca ngợi ông Biden có nhiều kinh nghiệm hơn tất cả ứng viên khác trong xử lý quan hệ với các nhà lãnh đạo nước ngoài như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

"Điều quan trọng là người dân Mỹ có một tổng thống vững chắc và đáng tin cậy trên trường quốc tế. Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp họ đưa ra quyết định trong cuộc bầu cử năm 2024", ông Coons nói.

Nhà sử học Mỹ Michael Beschloss chỉ ra một số tổng thống cũng có thể được tưởng thưởng xứng đáng bởi quyết sách đối ngoại của mình.

"Cử tri đôi khi bầu lại những tổng thống đã làm những điều đúng đắn - tuy không được người dân ưa thích. Một ví dụ là FDR (Tổng thống Franklin D. Roosevelt - PV) năm 1940, sau khi tổng động viên đất nước để chuẩn bị cho chiến tranh; cũng như Harry Truman năm 1948, khi ông đối phó với thách thức từ Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh", ông Beschloss nói với Politico.

Vấn đề của ông Biden

Bài toán đối ngoại nóng lên, tác động ra sao tới tranh cử tổng thống Mỹ? - 3Một cuộc biểu tình ủng hộ Palestine tại Đại học Harvard (Mỹ) hồi đầu tháng 10. (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, đối ngoại không hoàn toàn là điểm mạnh của Tổng thống Biden. Trên thực tế, ông có quá nhiều điểm yếu mà các đối thủ đang tận dụng để công kích.

Hồi cuối tháng 11, các nhân viên vận động tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump tung một video quảng cáo dài 30 giây để công kích chính sách đối ngoại của ông Biden, theo NBC.

Chiếm phần lớn dung lượng đoạn quảng cáo là hình ảnh ông Trump bên các binh sĩ Mỹ. "Trên cương vị tổng tư lệnh, ông ấy luôn sẵn sàng bảo vệ binh sĩ, cũng như hỗ trợ họ và gia đình. Ông ấy giữ lời hứa không đẩy họ vào các cuộc chiến không hồi kết", đoạn quảng cáo bình luận.

Ngay sau đó, hình ảnh Tổng thống Biden vấp ngã trên cầu thang lên máy bay xuất hiện.

"Một lãnh đạo yếu đuối có thể gây ra tổn thất bi kịch về nhân mạng của người Mỹ. Đây là lý do nước Mỹ cần sức mạnh hơn lúc nào hết", giọng bình luận cất lên trên nền phim tư liệu lễ đón hài cốt binh sĩ Mỹ tử nạn ở Afghanistan.

Không phải ngẫu nhiên mà Afghanistan được đội ngũ tranh cử của ông Trump lựa chọn. Động thái rút quân vội vã khỏi Afghanistan tháng 8/2021 đánh dấu thời điểm tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông Biden bắt đầu đi xuống.

Sau khi 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ khủng bố nhằm vào sân bay Kabul, xu hướng ủng hộ vị tân tổng thống nhanh chóng đảo chiều, khiến ông không bao giờ có thể đạt được mức độ ủng hộ của cử tri như xưa.

Các số liệu khảo sát về quan điểm của người Mỹ trong các vấn đề đối ngoại còn tồn tại nhiều điểm mâu thuẫn, khiến ông Biden khó đánh giá chính xác sự ủng hộ dành cho mình. Ví dụ, theo khảo sát tháng 10/2023 của hai tổ chức vận động Hành động An ninh Quốc gia (National Security Action) và Chính sách Đối ngoại cho người Mỹ (FP4America), hơn 80% người Mỹ ủng hộ các động thái của chính quyền Biden với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một khảo sát khác được Bloomberg và hãng tư vấn Morning Consult thực hiện đầu tháng 11 tại 7 bang chiến địa (Arizona, Georgia, Michigan, Bắc Carolina, Pennsylvania, Wisconsin, Nevada) cho thấy cử tri Mỹ tín nhiệm cựu Tổng thống Trump hơn trong xử lý quan hệ với Trung Quốc: 46% lựa chọn ông Trump, trong khi chỉ 32% lựa chọn ông Biden.

Quan điểm của dư luận cũng có thể xấu đi nếu khủng hoảng kéo dài dai dẳng: Theo khảo sát của CBS News, số người ủng hộ chính sách của ông Biden đối với xung đột Israel - Hamas vào thời điểm đầu tháng 12 đã giảm 5 điểm phần trăm so với hồi đầu tháng 10, từ 44% xuống còn 39%. Con số này có thể tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới khi cuộc xung đột vẫn khiến xã hội Mỹ chia rẽ sâu sắc.

Lịch sử Mỹ đã chứng kiến một số tổng thống "rớt đài" vì đối ngoại, tiêu biểu là Lyndon Johnson - người không tái tranh cử khi làn sóng phản đối Chiến tranh Việt Nam dâng cao tại Mỹ vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Hơn ba mươi năm sau đó, thất bại của Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) - bất chấp thắng lợi trong chiến tranh vùng Vịnh - trước ứng viên trẻ Bill Clinton nhắc nhở người Mỹ về vị thế áp đảo của đối nội so với đối ngoại trong tính toán của cử tri.

Ông Nathan Gonzales, chuyên gia phân tích chính trị cấp cao của Hội đồng Quan hệ Công chúng (PAC), nhận định cuộc bầu cử cuối cùng mà đối ngoại là trọng tâm chính sách đã diễn ra từ năm 2006. Khi đó, trong bối cảnh đa số người Mỹ không ủng hộ cuộc chiến tại Iraq, đảng Cộng hòa của Tổng thống George W. Bush vẫn hứng chịu thất bại lớn ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện.

"Các tổng thống chấp nhận rủi ro chính trị và tham gia sâu vào vấn đề đối ngoại có thể được các nhà sử học sau này ca ngợi. Tuy nhiên, cử tri đương thời có thể không nghĩ vậy", nhà sử học Michael Beschloss nói.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/bai-toan-doi-ngoai-nong-len-tac-dong-ra-sao-toi-tranh-cu-tong-thong-my-20231219133540523.htm

  • Từ khóa