Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận cuộc thảo luận giữa các sĩ quan nước này về việc hỗ trợ Ukraine trong một cuộc tấn công vào cầu Crimea là có thật.
Tàu Nga di chuyển qua cầu Crimea (Ảnh: Reuters).
"Theo đánh giá của chúng tôi, một cuộc trò chuyện trong Lực lượng Không quân đã bị chặn thu", Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố hôm 2/3.
Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Tổng biên tập kênh truyền hình RT Margarita Simonyan cho biết đã nhận được đoạn ghi âm các cuộc trò chuyện từ các quan chức an ninh Nga.
Bà Simonyan ban đầu công bố bản ghi âm cuộc trò chuyện bằng tiếng Nga, sau đó đăng bản ghi âm bằng tiếng Đức lên mạng xã hội.
Bà cho biết các sĩ quan quân sự Đức được cho là đã thảo luận về một chiến dịch đánh bom cầu Crimea.
Đoạn ghi âm dài 38 phút ngày 19/2 ghi lại cuộc trò chuyện giữa bốn sĩ quan của lực lượng không quân Đức, trong đó có chỉ huy của lực lượng này, Trung tướng Ingo Gerhartz.
Các sĩ quan Đức đã thảo luận về các chi tiết hoạt động và nhắm mục tiêu của tên lửa tầm xa Taurus mà Đức đang xem xét gửi tới Kiev.
Các sĩ quan cũng thảo luận về việc đưa ra tuyên bố bác bỏ hợp lý trong trường hợp xảy ra vụ tấn công vào cầu Crimea nhằm giúp Berlin tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow.
Trước đó, truyền thông Đức cũng đưa tin đoạn ghi âm có vẻ là xác thực. Hãng tin DPA của Đức cho biết các sĩ quan đã trao đổi bằng cách sử dụng nền tảng gọi điện, nhắn tin và họp trực tuyến Webex. Der Spiegel cho rằng "theo đánh giá ban đầu, khả năng làm giả với sự hỗ trợ của AI (trí tuệ nhân tạo) phần lớn đã bị loại trừ".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gọi vụ rò rỉ là "vấn đề rất nghiêm trọng".
"Đó là lý do vụ việc này đang được điều tra rất kỹ lưỡng, cẩn trọng và nhanh chóng", ông nói, đồng thời cho biết một cuộc điều tra như vậy là "cần thiết".
Tuy nhiên, ông không bình luận về nội dung đoạn ghi âm và không nói rõ liệu Berlin có biết về kế hoạch mà các sĩ quan quân đội cấp cao thảo luận hay không.
Một số chính trị gia Đức cho rằng vụ việc có thể còn có những hệ lụy sâu xa hơn. Vụ việc đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các chính trị gia Đức.
Cầu Crimea được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 và là tuyến đường sắt và đường bộ duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Moscow đã mở một hành lang trên bộ rộng lớn tới Crimea sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng ở Ukraine vào mùa thu năm 2022.
Sau khi bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều quan chức và chỉ huy Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky, đã đe dọa phá hủy cầu Crimea.
Cầu Crimea, dài 18km, đã nhiều lần trở thành mục tiêu của tên lửa và máy bay không người lái của hải quân Ukraine, nhưng Nga tuyên bố hầu hết các cuộc tấn công đều bị đẩy lùi.
Sau những vụ tấn công liên tiếp nhằm vào cầu Crimea, Moscow huy động nhiều biện pháp nhằm bảo vệ công trình huyết mạch này.
Theo dantri.com.vn