Nga không cung cấp khả năng bảo vệ bằng tác chiến điện tử cho một số phương tiện bọc thép, khiến chúng trở thành mục tiêu cho máy bay không người lái của Ukraine.
Quân đội Ukraine luyện tập vận hành máy bay không người lái gắn bom tại Lviv năm 2023 (Ảnh: BI).
New York Times ngày 13/3 đưa tin các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đang bị cản trở với sự thành công ngày càng tăng của các hệ thống tác chiến điện tử của Nga, vốn có khả năng gây nhiễu hệ thống định vị của Kiev.
Mặc dù công nghệ gây nhiễu của Nga vượt trội hơn so với Ukraine, nhưng những hệ thống này lại không được triển khai đồng đều ở khu vực tiền tuyến.
Các binh sĩ Ukraine cho biết xe bọc thép của Nga có thể là "mắt xích yếu" vì chúng thường không được cài đặt hệ thống gây nhiễu.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ cũng trích dẫn nhận định của các blogger quân sự Nga gần đây nói rằng, các binh sĩ và xe bọc thép Nga đã trở thành mục tiêu bị tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine do tập hợp thành nhóm chiến đấu nhưng không được bảo vệ đầy đủ.
Trang Technology hồi tháng 1 đưa tin Nga vẫn chưa có hệ thống tác chiến điện tử hiệu quả có thể trang bị cho xe tăng.
Máy bay không người lái đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Ukraine nhằm chống lại lực lượng quân sự Nga. Kiev đã sử dụng máy bay không người lái cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Máy bay không người lái đã giúp Ukraine bù đắp một số bất lợi mà nước này gặp phải trong bối cảnh thiếu đạn dược do viện trợ nước ngoài bị đình trệ.
Khi các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ bắt đầu chặn dự luật viện trợ cho Ukraine bắt đầu từ tháng 10/2023, Kiev đã mất đi một trong những nguồn đạn pháo chính.
Người Ukraine đã tìm cách thích nghi với tình hình, đẩy mạnh sản xuất dàn máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV PFV). Đến tháng 12, Ukraine đã có thể chế tạo được khoảng 50.000 chiếc FPV mỗi tháng với chi phí vài trăm USD mỗi chiếc và cấu tạo đơn giản.
Với tầm tấn công vào khoảng hơn 3km, các UAV cỡ nhỏ này có thể lao vào các phương tiện của Nga, thậm chí đuổi theo và tấn công binh sĩ của Moscow. UAV FPV được cho là vũ khí gây sát thương nhiều nhất cho đối phương của Ukraine.
Khi UAV FPV thay thế pháo binh trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với lực lượng mặt đất của Nga vào cuối năm ngoái, quân đội Nga đã phản ứng bằng cách gắn vào các phương tiện bọc thép của mình bất kỳ thiết bị gây nhiễu sóng vô tuyến nào mà Moscow có trong tay.
Về lý thuyết, thiết bị gây nhiễu sẽ chặn tín hiệu vô tuyến giữa UAV FPV và người điều khiển nó, khiến máy bay không người lái đi chệch hướng. Chúng được xem là "sát thủ vô hình" vì không bắn ra thuốc nổ nhưng có khả năng hạ gục vũ khí.
Tuy nhiên, vấn đề của Nga ở chỗ là các hệ thống tác chiến điện tử này hoạt động chưa hiệu quả trong thời gian qua. Thiết bị gây nhiễu chiến trường thế hệ đầu tiên, RP-377, chưa đạt hiệu suất cao khi ngăn chặn UAV FPV. Giờ đây, thiết bị gây nhiễu Volnorez thế hệ thứ 2 cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Nga vẫn đang không ngừng cải tiến khí tài tác chiến điện tử. Một câu hỏi được đặt ra là liệu thiết bị gây nhiễu thế hệ thứ 3, Saniya, có thể cải thiện so với những thiết bị tiền nhiệm hay không. Đây là một câu hỏi mang tính sống còn đối với nhiều binh sĩ Nga ở Ukraine.
Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là Nga là cường quốc trong tác chiến điện tử và Moscow có kỹ năng, kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống gây nhiễu. Điều này dự kiến sẽ tạo ra cuộc chiến "mèo vờn chuột" khi các bên liên tục cải tiến công nghệ để đạt lợi thế so với bên còn lại.
Theo dantri.com.vn