Được dự báo sẽ đối diện nắng nóng gay gắt, nhiều nước gấp rút triển khai các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Nhiệt độ hầu khắp toàn cầu đang trên mức trung bình trong năm nay. Ảnh: Weatherbell.com
Nắng nóng đang kéo dài và ít có dấu hiệu hạ nhiệt. Trái đất đã lập kỷ lục về nhiệt độ cao trong 9 tháng qua và tháng 3 sắp trở thành tháng thứ 10, Washington Post thông tin.
Nóng chưa từng có được ghi nhận vào cuối tuần cuối cùng của tháng 3 ở nhiều địa điểm trên khắp thế giới.
Nắng nóng cuối tuần lan rộng nhất ở châu Âu, với nhiều quốc gia lập kỷ lục nhiệt độ của đất nước trong tháng 3.
Đồng thời, thời tiết cũng nóng bất thường ở châu Á, một số vùng ở Trung Mỹ và Tây Phi.
Nắng nóng bủa vây Đông Nam Á
Một số tỉnh miền Bắc và miền Trung Thái Lan đã khởi đầu tháng 4 bằng nhiệt độ lên tới 42 độ C. Trong khi đó, một số địa phương, trong đó có có thủ đô Bangkok, nhiệt độ cao nhất trong ngày 1-4 dao động từ 38 đến 42 độ C.
Đáng chú ý, theo tờ The Bangkok Post, hầu hết các tỉnh miền Bắc còn có chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức cao nguy hiểm trong ngày đầu tháng 4. Trong số này, Chiang Mai được đánh giá là thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới vào sáng cùng ngày.
Trong bối cảnh như thế, ông Seree Suparathit, Giám đốc Trung tâm Biến đổi khí hậu và thiên tai - ĐH Rangsit (Thái Lan), vừa cảnh báo nếu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu không được thực thi hiệu quả, Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi nắng nóng so với các khu vực khác. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Thái Lan có thể phải đối mặt với thời tiết cực kỳ nóng bức lên đến 220 ngày mỗi năm trong khoảng 20 năm nữa.
Trong khi đó, nhà chức trách Malaysia cũng đang triển khai các biện pháp khẩn cấp để đối phó đợt nắng nóng ngày càng tồi tệ sau khi nhiệt độ nhiều khu vực lên tới gần 40 độ C, đe dọa sức khỏe người dân và năng suất cây trồng.Theo trang Bloomberg, Cục Khí tượng Malaysia dự báo thời tiết khô nóng hiện nay sẽ kéo dài đến giữa tháng 4. Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaysia đang sử dụng máy bay không người lái để giám sát các vùng đất than bùn dễ bắt lửa và theo dõi mực nước đang giảm dần trong các con đập. Ngoài ra, chính phủ cũng tìm cách bảo vệ công nhân xây dựng làm việc nhiều giờ dưới nắng nóng.
Người dân Indonesia cũng phải chật vật đối phó với tác động tiêu cực của thời tiết khô nóng, trong đó có tình trạng thiếu hụt gạo khiến giá tăng cao. Năm ngoái, thời tiết tương đối nóng do hiện tượng El Nino và mùa khô kéo dài tại một số vùng ở Indonesia khiến sản lượng lúa gạo giảm 18%. Năm nay, theo Reuters hôm 1-4, Indonesia dự kiến bước vào mùa khô vào tháng tới và đã xuất hiện nỗi lo giá gạo có thể còn tăng.
Các quan chức ngành giáo dục Philippines cho biết hàng trăm trường học ở nước này, trong đó nhiều trường ở thủ đô Manila, đã đình chỉ các buổi học trực tiếp do chỉ số nhiệt ở mức cao nguy hiểm.
Chỉ số nhiệt của Philippines đo lường nhiệt độ cảm giác, có tính đến độ ẩm. Theo Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia, chỉ số này dự kiến ở mức "nguy hiểm" 42 độ C tại Manila ngày 2/4 và 43 độ C ngày 3/4. Các mức tương tự được dự báo tại 12 khu vực khác của nước này.
Dự báo nhiệt độ thực tế cao nhất ở thủ đô ngày 2/4 là 34 độ C.
Các trưởng tiểu học và trung học tại Quezon, khu vực đông dân nhất thủ đô, được lệnh cho nghỉ học, trong khi trường học tại các khu vực khác được các quan chức địa phương cho phép lựa chọn chuyển sang học trực tuyến.
Một số trường học tại thủ đô Manila rút ngắn giờ học để tránh thời gian nóng nhất trong ngày.
Theo Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia, chỉ số nhiệt từ 42-51 độ C có thể gây chuột rút và kiệt sức do nhiệt, có thể xảy ra sốc nhiệt nếu thời gian kéo dài. Chỉ số 33-41 độ C cũng có thể gây chuột rút và kiệt sức do nhiệt.
Quan chức địa phương tại một số khu vực thuộc đảo Mindanao ở miền Nam Philippines cũng yêu cầu các trường học đình chỉ các buổi học trực tiếp hoặc rút ngắn giờ học trong 2 tuần.
Châu Âu đầu xuân nóng như mùa hè
Cuối tuần qua, ở Đông Âu có cảm giác giống mùa hè hơn đầu xuân, với nhiệt độ tăng vọt lên khoảng 21-27 độ C, cao hơn bình thường tới 1,6 độ C.
Ngày 1/4, thủ đô Moskva của Nga ghi nhận mức nhiệt "không tưởng" 18 độ C, còn nhiệt độ trong đêm là 9,3 độ C - cao nhất từ trước tới nay cho một ngày đầu Xuân.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Giám đốc khoa học của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Nga Roman Vilfand cho biết dự báo nhiệt độ cao nhất trong ngày 2/4 có thể lên tới 20-22 độ C, tương đương mức nhiệt của cuối tháng 5 đầu tháng 6 hàng năm. Theo ông Vilfand, trời sẽ ấm vào ban đêm, với mức nhiệt lên tới 10 độ C. Dự báo nhiệt độ trong đêm 2/4 là từ 9-11 độ và vào đêm 3/4 là từ 11-13 độ C. Mức nhiệt này cao hơn 10 độ C so với bình thường.
Nhiệt độ ở thủ đô Moskva trong tháng 4 được dự báo sẽ tương đương mức nhiệt mùa Hè trong tháng 6. Trong khi đó, nhiệt độ trong cả năm tại xứ lạnh gần như Bắc Âu này cũng sẽ phá vỡ mức kỷ lục của năm 2023. Thời tiết sẽ khô và nhiều nắng.
Nhà nghiên cứu chính tại Đài quan sát địa vật lý mang tên Voeikov, Andrey Kiselev lo ngại nhiệt độ ấm bất thường có thể làm tan lớp băng vĩnh cửu, đe dọa làm hư hỏng hạ tầng của Nga. Chuyên gia này cảnh báo sông băng tan và mực nước biển dâng cao sẽ gây nguy cơ lũ lụt ở nhiều vùng trũng.
Trong khi đó, ngày 31/3 vừa qua, đại diện chuỗi cửa hàng đồ điện tử gia dụng "M.Video-Eldorado" ở Moskva cho biết người dân ở thủ đô đã đổ xô đi mua điều hòa nhiệt độ, chuẩn bị cho một mùa Hè nóng bức.
Ấn Độ đối diện nắng nóng cực đoan
Ngày 1/4, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết nước này sẽ phải đối mặt với đợt nắng nóng cực đoan trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 tới.
Theo IMD, trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, những ngày nắng nóng bất thường có thể xảy ra ở hầu hết các khu vực ở miền Trung và Đông Ấn Độ, cũng như vùng đồng bằng miền Tây Bắc nước này.
Nhằm giảm bớt ảnh hưởng do nắng nóng cực đoan, IMD kêu gọi giới chức Ấn Độ chủ động lên kế hoạch triển khai các biện pháp ứng phó. Cơ quan này nhấn mạnh để giải quyết thách thức do nắng nóng cực đoan gây ra, việc áp dụng các phương án ứng phó là rất cần thiết. Những biện pháp trên bao gồm việc đảm bảo khả năng tiếp cận các trung tâm làm mát, ban hành cảnh báo về nắng nóng và triển khai các chiến lược giảm bớt những tác động do hiện tượng "đảo nhiệt đô thị" (hiện tượng nóng lên ở khu vực trung tâm thành phố hay sự chênh lệch giữa nhiệt độ của đô thị lõi và khu vực ngoại thành, vùng nông thôn) tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Australia gặp siêu hạn hán
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia (ANU) cảnh báo, Australia có thể sẽ phải đối mặt với những đợt siêu hạn hán kéo dài nhiều thập kỷ.
Theo nghiên cứu của ANU, siêu hạn hán là một đợt hạn hán đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài và xảy ra trên diện rộng. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng nhiều mô hình khí hậu để mô phỏng hạn hán xảy ra ở Australia trong khoảng thời gian từ năm 850 đến năm 2000 để dự đoán các mô hình này có thể thay đổi như thế nào trong tương lai. Họ phát hiện ra rằng thời gian hạn hán trung bình ở các khu vực Tây Nam và Đông Australia trong thế kỷ 20 dài hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cảnh báo Australia có thể sớm phải đối mặt với những đợt siêu hạn hán kéo dài tới 20 năm, với những ảnh hưởng ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.
Để giảm tác động của hạn hán trong tương lai, các nhà nghiên cứu khuyến nghị người dân Australia nên chuẩn bị sẵn các kế hoạch quản lý và trữ nước, cũng như thiết lập các mạng lưới hỗ trợ cộng đồng.
Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/nang-nong-cuc-doan-nhieu-nuoc-cap-toc-ung-pho-102240402182207781.htm