Giá dầu thế giới đã tăng trong thời gian gần đây và được dự báo sẽ còn đi lên trong thời gian tới. Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, nguồn cung có nguy cơ hạ thấp khi các nhà sản xuất lớn tiếp tục cắt giảm sản lượng và những điểm sáng xuất hiện trên bức tranh kinh tế toàn cầu, đó là những yếu tố đẩy giá “vàng đen” tăng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Giá dầu tiếp tục đi lên trong các phiên giao dịch tuần qua. Hôm 4/4, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2024 đã “vọt” lên trên 91 USD/thùng trước khi tăng 1,30 USD, tương đương 1,5%, lên 90,65 USD/thùng vào cuối phiên.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 5/2024 tăng 1,16 USD, tương đương 1,4% lên 86,59 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu này đều đóng cửa phiên 4/4 ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2023 và tiếp tục tăng sau khi phiên kết thúc. Giới phân tích nhận định, căng thẳng địa chính trị gia tăng đang trở thành nguyên nhân chính khiến “vàng đen” tăng giá.
Trên thực tế, giá dầu hôm 4/4 đã tăng như trên sau khi có thông tin cho rằng các đại sứ quán Israel trên khắp thế giới đã được đặt trong tình trạng báo động cao do mối đe dọa ngày càng tăng về một cuộc tấn công của Iran nhằm vào các nhà ngoại giao Israel.
Nếu các quốc gia không thể ngăn chặn các căng thẳng địa chính trị và không thể thỏa hiệp, điều phối nguồn cung “vàng đen” cho hợp lý, khiến giá dầu tăng cao lên mức 95 USD/thùng như dự báo trong mùa hè tới, thì đây sẽ là một yếu tố cản bước đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng quá cao cũng kéo theo “bóng ma lạm phát” quay trở lại với nhiều nền kinh tế.
Trước đó, mỗi lần Ukraine tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga nhằm cắt giảm nguồn cung cấp nhiên liệu, giá dầu cũng tăng. Ông Frank Monkham, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Altimo LLC, cho biết: “Tất cả các yếu tố địa chính trị này xảy ra cùng một lúc, thúc đẩy tâm lý lạc quan và cuối cùng là hoạt động chốt lời”.
Ngoài ra, chính sách của các nước xuất khẩu dầu mỏ theo hướng “thắt chặt” hơn nguồn cung cũng làm giá dầu biến động theo hướng tăng lên.
Cuộc họp mới nhất ngày 3/4 giữa các bộ trưởng hàng đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã giữ nguyên chính sách cung cấp dầu và thúc ép một số nước tăng cường tuân thủ việc cắt giảm sản lượng.
Nhóm này cho biết một số thành viên sẽ cắt giảm sản lượng để bù đắp dư cung trong quý I/2024. OPEC+ cũng cho biết, Nga sẽ chuyển sang thắt chặt sản lượng thay vì hạn chế xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tuần trước, tin tức về việc Công ty năng lượng nhà nước Pemex của Mexico đã yêu cầu đơn vị kinh doanh của họ hủy xuất khẩu tới 436.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 4, cũng khiến thị trường quan ngại về khả năng nguồn cung dầu bị thu hẹp.
Trong khi đó, tín hiệu tích cực từ kinh tế toàn cầu cũng là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” và khiến giá dầu tăng.
Ngân hàng Bank of America (BofA) trong một báo cáo nghiên cứu công bố ngày 3/4, ước tính kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cải thiện đã góp phần đẩy thị trường dầu mỏ toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt khoảng 450.000 thùng mỗi ngày trong quý II và quý III.
Gần đây, những gam mầu sáng đã xuất hiện trên bức tranh kinh tế của các quốc gia “đầu tàu” thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc…
Đáng chú ý, nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc đang có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng và vượt qua nguy cơ giảm phát. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành chế tạo Trung Quốc trong tháng 3/2024 đã vượt mong đợi và đó là một dấu hiệu rất mạnh mẽ cho thấy các chính sách giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Trung Quốc đang phát huy hiệu quả.
Giám đốc đầu tư Brendan Ahern của Công ty quản lý tài sản Krane Funds Advisors LLC có trụ sở tại Mỹ nhận định, các số liệu mới công bố gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang “trải qua mùa xuân” khi những “mầm xanh” xuất hiện.
Trước những diễn biến nêu trên, BofA trong báo cáo cuối tuần qua dự báo giá dầu Brent và WTI sẽ đạt mức trung bình 86 USD/thùng và 81 USD/thùng trong năm nay, và cả hai đều đạt đỉnh khoảng 95 USD/thùng vào mùa hè này, tăng khoảng 10% so với mức vốn đã cao hiện nay.
Dầu mỏ luôn được xem như “mạch máu của nền kinh tế”, đồng thời nó cũng là một loại “hàn thử biểu” đánh giá mức độ ổn định và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu… Bởi vậy, việc giá dầu tăng là một dấu hiệu tích cực của kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, nếu các quốc gia không thể ngăn chặn các căng thẳng địa chính trị và không thể thỏa hiệp, điều phối nguồn cung “vàng đen” cho hợp lý, khiến giá dầu tăng cao lên mức 95 USD/thùng như dự báo trong mùa hè tới, thì đây sẽ là một yếu tố cản bước đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng quá cao cũng kéo theo “bóng ma lạm phát” quay trở lại với nhiều nền kinh tế.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/nhieu-yeu-to-day-gia-dau-the-gioi-tang-post803500.html