Cuộc khủng hoảng y tế ở Hàn Quốc: thất không thể đong đếm

Thứ 6, 12.04.2024 | 08:14:16
388 lượt xem

Các bệnh viện lớn ở Hàn Quốc đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề khi cuộc đình công của hàng nghìn bác sĩ thực tập trên toàn quốc bước sang tuần thứ 8. Giới chuyên gia nhận định, ngoài thiệt hại kinh tế đối với các bệnh viện, những tổn thất về mặt tinh thần và niềm tin của người bệnh là không thể đong đếm.

Các bác sĩ tham gia đình công phản đối kế hoạch tuyển thêm sinh viên y khoa tại Yongsan, Hàn Quốc, ngày 25/2/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN) Các bác sĩ tham gia đình công phản đối kế hoạch tuyển thêm sinh viên y khoa tại Yongsan, Hàn Quốc, ngày 25/2/2024. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)


Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập, bao gồm thực tập sinh và bác sĩ nội trú, tiến hành đình công từ ngày 20/2, nhằm phản đối kế hoạch bổ sung 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh trường y hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 của Chính phủ. Chính phủ Hàn Quốc giải thích việc tăng số lượng sinh viên y khoa để chuẩn bị cho tình trạng dân số già và thiếu bác sĩ ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm giảm chất lượng giáo dục y tế và dẫn đến chi phí cao hơn cho người bệnh.

Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm chỉ có 3.058 sinh viên xứ Kim chi chạm tới giấc mơ được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Hàn Quốc có tỷ lệ 12,8 giường bệnh trên 1.000 bệnh nhân, cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thậm chí gấp sáu lần so với Thụy Ðiển. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, Hàn Quốc lại sở hữu tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất OECD, với chỉ vỏn vẹn 2,6 bác sĩ trên 1.000 người dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 của OECD. Chính vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y nhằm mục tiêu bổ sung 15.000 bác sĩ vào năm 2035.

Cuộc khủng hoảng ngành y ở Hàn Quốc khiến các bệnh viện lớn, vốn phụ thuộc nhiều vào các bác sĩ thực tập, phải co hẹp quy mô hoạt động, từ chối khám, chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân, đồng thời chịu thâm hụt hàng trăm triệu won mỗi ngày. Giám đốc Trung tâm Y tế Asan, một trong năm bệnh viện đa khoa lớn nhất thủ đô Seoul Park Seung-il thông báo, Trung tâm thiệt hại 51,1 tỷ won (38 triệu USD) chỉ trong vòng hơn một tháng, từ ngày 20/2-30/3/2024. Trong e-mail gửi đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm, ông Park cho biết Chính phủ chỉ hỗ trợ 1,7 tỷ won trong khoảng thời gian 40 ngày nêu trên. Nếu tình trạng bế tắc tiếp diễn hoặc trở nên tồi tệ hơn, khoản thâm hụt của Trung tâm vào cuối năm 2024 sẽ lên tới 460 tỷ won. Bệnh viện Ðại học Quốc gia Seoul (SNUH) phải tạm thời đóng cửa 10 khoa trong tổng số 60 khoa, gồm cả các khoa dành cho bệnh nhân cấp cứu và ung thư. Một quan chức của SNUH cho biết, quyết định này nhằm mục đích "vận hành hiệu quả và linh hoạt do thiếu nhân lực".

Trong bối cảnh các bệnh viện đang chịu nhiều tổn thất về nguồn thu, Bộ Y tế và Phúc lợi chủ trương cho phép các y tá, vốn đang nghỉ phép không lương, làm thêm cho các cơ sở y tế bị thiếu nhân sự. Trung tâm Y tế Asan trở thành bệnh viện đầu tiên bắt đầu nhận đơn xin nghỉ hưu tự nguyện. Theo quyết định của Chính phủ, các bệnh viện được đặt trong chế độ quản lý khẩn cấp kể từ ngày 15/3. Các bệnh viện lớn khác ở thủ đô Seoul cũng đã triển khai quản lý tình trạng khẩn cấp và khuyến khích nhân viên nghỉ phép không lương nhằm cắt giảm chi phí. Một số bệnh viện thậm chí ngừng tuyển dụng y tá. Các bệnh viện nằm ngoài thủ đô Seoul, như Bệnh viện Ðại học Ulsan và Bệnh viện Ðại học Quốc gia Pusan, cũng đang phải đối mặt tình hình bi đát như vậy.

Nhằm tháo gỡ căng thẳng từ cuộc đình công của hàng nghìn bác sĩ thực tập, Thủ tướng Han Duck-soo tuyên bố sẽ giữ lập trường linh hoạt trong mọi vấn đề, bao gồm cả chỉ tiêu của trường y. Ông bày tỏ hy vọng có thể thảo luận với các bác sĩ trên cơ sở lập trường linh hoạt, đồng thời gợi mở thành lập một Ủy ban độc lập để dàn xếp bất đồng giữa chính quyền và đội ngũ y tế. Trước đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol cũng có cuộc gặp ông Park Dan, Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp của Hiệp hội bác sĩ nội trú trong nỗ lực tháo gỡ căng thẳng. Cuộc gặp kéo dài 140 phút và Tổng thống Yoon lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của giới y khoa, cũng như các vấn đề bất cập của hệ thống y tế. Tổng thống bày tỏ tôn trọng quan điểm của các bác sĩ thực tập liên quan vấn đề cải cách y tế, bao gồm cả việc tăng số lượng bác sĩ, đồng thời trao đổi về việc cải thiện điều kiện khám, chữa bệnh và môi trường làm việc của các bác sĩ thực tập.

Người dân xứ Kim chi mong đợi Chính phủ và đội ngũ y, bác sĩ sớm tìm được tiếng nói chung nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng y tế, qua đó đưa hoạt động khám, chữa bệnh của các bệnh viện trở lại bình thường.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/cuoc-khung-hoang-y-te-o-han-quoc-that-khong-the-dong-dem-post804310.html#804310|zone-highlight-1231|1

  • Từ khóa