Đại sứ Nga tại Mỹ lên tiếng chỉ trích phương Tây sau khi Washington và Anh tung lệnh cấm vận với kim loại từ Moscow.
Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov (Ảnh: Tass).
Washington đã cấm nhập khẩu nhôm, đồng và niken có nguồn gốc từ Nga vào Mỹ, đồng thời phối hợp với Anh để ngăn chặn hoạt động buôn bán các kim loại này trên các sàn giao dịch toàn cầu.
Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến kim loại được sản xuất tại Nga sau ngày 13/4. Các sàn giao dịch hàng hóa hàng đầu thế giới - Sàn giao dịch kim loại London (LME) và Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) - sẽ cấm giao dịch các kim loại này của Moscow.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố hôm 12/4 rằng các lệnh cấm vận mới sẽ "tiếp tục nhắm vào doanh thu mà Nga có thể kiếm được" để tài trợ cho hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine.
Bà Yellen nói thêm rằng Mỹ đặt mục tiêu "giảm thu nhập của Nga trong khi bảo vệ các đối tác và đồng minh của chúng tôi khỏi những tác động lan tỏa không mong muốn".
Sau động thái từ Mỹ, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cáo buộc đây là bước đi phi lý và chính trị hóa". Ông cảnh báo, lệnh cấm vận này chắc chắn sẽ phản tác dụng.
Ông Antonov cho biết, quyết định của Washington "có lẽ dựa trên những tính toán rằng giá hàng hóa sẽ không tăng vọt ở chính Mỹ", đồng thời lưu ý rằng Mỹ đã giảm nhập khẩu kim loại từ Nga xuống mức tối thiểu.
Ông cho rằng, Mỹ đã buộc các công ty phải từ chối những hợp đồng có lợi với các nhà cung cấp đáng tin cậy từ Nga.
"Tuy nhiên, Mỹ sẽ dễ dàng gây ra sự mất cân bằng trên thị trường toàn cầu bằng cách lôi kéo các đồng minh của mình vào các lệnh trừng phạt. Mỹ miêu tả những bước đi bất hợp pháp như vậy là bằng chứng về "sự lãnh đạo" của họ trong việc kiềm chế Nga, cũng như cản trở thành công của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt", ông nói thêm.
Theo Đại sứ Antonov, bằng cách đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, Mỹ đang gửi tín hiệu tới Kiev không đồng ý đàm phán với Moscow.
"Những hạn chế mới có nên được coi là phản ứng trước việc Nga sẵn sàng đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm nối lại đàm phán nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine hay không? Trong trường hợp này, mục đích của các biện pháp trừng phạt rất rõ ràng: một tín hiệu gửi đến Kiev rằng họ không đồng ý với bất cứ đề xuất gì, ngay cả khi nó có thể dẫn đến sự sụp đổ ở mặt trận", ông nhận định.
Sau hơn 2 năm chiến sự, Nga đã bị áp ít nhất 17.500 lệnh trừng phạt, trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, Nga nhiều lần tuyên bố họ đã vượt qua được những thách thức và phương Tây đang gánh chịu hậu quả từ những đòn cấm vận này.
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố nước này sẽ thực hiện các bước tiếp theo để giải quyết các lệnh trừng phạt của phương Tây và đa dạng hóa hoạt động ngoại thương.
Ông đã nói về "những khoảng trống kinh tế" do "chính sách trừng phạt đơn phương bất hợp pháp" của phương Tây cũng như các kế hoạch để ứng phó trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Theo dantri.com.vn