Chuyên gia nhận định về vũ khí mà Ukraine có thể đã dùng trong vụ việc mà Kiev tuyên bố là tấn công vào căn cứ Nga ở Crimea, phá hủy các bệ phóng S-400.
Một hệ thống hỏa lực M270 phóng tên lửa ATACMS (Ảnh: Lục quân Mỹ).
Trong bài phát biểu vào tối 17/4, Tổng thống Zelensky xác nhận các lực lượng Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công vào buổi sáng cùng ngày, nhằm vào một sân bay quân sự của Nga ở Dzhankoi trên bán đảo Crimea.
Các nguồn tin nói rằng, hỏa lực dường như đã phá hủy hệ thống S-400 của Nga. Moscow hiện chưa lên tiếng về thông tin trên.
Theo Forbes, trong vụ tấn công trên dường như Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa M39 ATACMS chứa đạn chùm nhằm vào căn cứ Nga.
Vào ngày 12/3, Mỹ chuyển cho Ukraine một lô hàng vũ khí trị giá 300 triệu USD. Đây là lô hàng cuối cùng được thanh toán bằng quỹ mà Quốc hội Mỹ đã thông qua trước khi Washington cạn ngân sách viện trợ vì mâu thuẫn nội bộ giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Gói vũ khí này được cho bao gồm một số lượng nhỏ tên lửa M39. Theo Forbes, Ukraine hôm 17/4 đã bắn một số, hoặc có thể toàn bộ số M39 trong gói viện trợ nói trên vào căn cứ Nga ở Crimea, nơi nằm cách tiền tuyến hơn 100km.
Theo truyền thông phương Tây, thiệt hại của Nga được cho là khá lớn. Forbes cho hay, hình ảnh ở hiện trường cho thấy Nga có thể đã mất ít nhất 4 bệ phóng S-400.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố tên lửa cũng đã đánh sập trung tâm điều khiển của S-400 và phá hủy 4 radar phòng không quan trọng.
Một đoạn video mà Ukraine công bố hôm 18/4 dường như cho thấy 7-8 quả M39 lao thẳng lên bầu trời đêm. Mỗi tên lửa có tầm bắn hơn 150km mang theo gần 1.000 quả đạn con cỡ lựu đạn bên trong thân.
Điều đó có nghĩa là, nếu thông tin mà Forbes cung cấp chính xác, Ukraine đã trút 8.000 quả đạn xuống căn cứ Nga, có thể gây ra hàng nghìn vụ nổ, phá hủy các mục tiêu trên diện rộng.
M39 nặng 2 tấn, dài gần 4m với động cơ tên lửa rắn và đầu đạn chứa 950 quả đạn con M74. Nó có thể được bắn ra bằng hệ thống hỏa lực HIMARS hoặc M270.
Tháng 10 năm ngoái, Ukraine tuyên bố đã sử dụng tên lửa M39 tấn công 2 căn cứ ở các khu vực Nga đang kiểm soát, phá hủy 9 trực thăng, kho đạn và thiết bị quân sự của đối phương.
M39 có thể tàn phá trên diện rộng, phá hủy các mục tiêu của đối phương như hệ thống pháo, tổ hợp phòng không, kho vũ khí… Với M39, Ukraine có thể tấn công sâu hơn vào khu vực mà Nga kiểm soát.
Thiếu tá quân đội Mỹ James Hutton cho hay: "Khi va chạm và phát nổ, mỗi quả đạn con M74 sẽ vỡ thành nhiều mảnh thép tốc độ cao, có thể phá hủy lốp xe tải, đạn tên lửa, xe có vỏ mỏng và ăng-ten radar". Nhược điểm lớn nhất của M39 là nó không có sức công phá đủ mạnh để tấn công các mục tiêu kiên cố, ví dụ như xe bọc thép, vì các mảnh kim loại khó xuyên qua lớp giáp cứng và dày.
Chưa rõ thông tin mà Forbes cung cấp chính xác hay không, nhưng trong trường hợp Ukraine đang cạn kiệt tên lửa và hỏa lực, việc họ phóng ra 8 quả M39 hiếm hoi được xem là nước đi mạo hiểm vì Ukraine không chắc chắn về thời điểm Mỹ sẽ viện trợ thêm vũ khí này.
Theo dantri.com.vn