Binh lính Ukraine ở tiền tuyến cho biết gói viện trợ quân sự 60 tỷ USD của Mỹ sẽ là động lực to lớn về mặt tinh thần trong bối cảnh Nga đẩy mạnh tiến công trên chiến trường.
Lính Ukraine khai hỏa pháo ở Donetsk (Ảnh: Reuters).
Dự luật viện trợ Ukraine đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào cuối tuần trước và tiếp tục được Thượng viện thông qua hôm 23/4. Tổng thống Joe Biden tuyên bố ông sẽ ký thành luật ngay lập tức để "Mỹ có thể nhanh chóng gửi vũ khí và thiết bị đến Ukraine nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trên chiến trường của họ".
Danh sách vũ khí mong muốn của Ukraine không còn là điều bí mật. Kiev cần nhất hiện nay là đạn pháo và hệ thống phòng không.
Trong nhiều tháng qua, binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến đã thừa nhận việc bị quân đội Nga áp đảo về hỏa lực. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cho biết tỷ lệ này là 10:1 nghiêng về phía Nga.
"Để giành chiến thắng, chúng tôi cần đạn dược… pháo binh của chúng tôi đang cạn kiệt", một chỉ huy trinh sát pháo binh của lữ đoàn cơ giới số 110, biệt hiệu "Teren", nói với CNN.
Teren biết mình đang nói về điều gì vì đã dành hai năm bảo vệ thành phố công nghiệp Avdiivka trước khi khu vực này rơi vào tay Nga hồi tháng 2. Kể từ đó, lực lượng Moscow đã đạt được bước tiến đáng kể khi tiến xa hơn về phía tây.
Để làm nổi bật một trong số nhiều điểm nóng ở khu vực Donetsk, một nhóm quan sát của Ukraine, DeepState, đã theo dõi một loạt bước tiến của Nga trong tuần trước dọc theo tuyến đường sắt vào trung tâm của một ngôi làng lớn có tên gọi Ocheretyne.
Mặc dù Ocheretyne không có giá trị chiến lược, nhưng ngôi làng này nằm trên một sườn núi, khiến nơi đây trở thành mục tiêu quân sự đáng chú ý.
Một sĩ quan của Bộ Tư lệnh miền Đông Ukraine nói rằng nếu lực lượng Nga thành công trong việc kiểm soát ngôi làng, Moscow đặt các tuyến đường hậu cần quan trọng của Ukraine, nối ba trung tâm quân sự quan trọng của Ukraine gồm Kostiantynivka, Pokrovsk và Velyka Novosilka, dưới sự kiểm soát hỏa lực của Nga.
Khi viện trợ quân sự mới của Mỹ chuẩn bị được chuyển giao, câu hỏi đặt ra là những loại đạn quan trọng như đạn pháo Howitzer 155mm có thể được đưa tới tiền tuyến nhanh đến mức nào để ngăn chặn bước tiến của Nga.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder, phát biểu vào tuần trước trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện, rằng Bộ Quốc phòng Mỹ "sẵn sàng phản ứng nhanh chóng" một khi có bất kỳ mệnh lệnh nào được đưa ra.
"Chúng tôi có một mạng lưới hậu cần rất mạnh mẽ cho phép chúng tôi di chuyển vật tư rất nhanh chóng. Như chúng tôi đã làm trước đây, chúng tôi có thể di chuyển trong vòng vài ngày", ông Ryder nói.
Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cũng nói rằng ông hy vọng số trang thiết bị này sẽ "được vận chuyển vào cuối tuần".
Một nguồn tin Mỹ quen thuộc với việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine tiết lộ phần lớn số viện trợ này đã được đặt trước tại các cơ sở lưu trữ ở Đức và Ba Lan. Điều này rõ ràng sẽ rút ngắn thời gian cần thiết để đưa viện trợ vào Ukraine. Nguồn tin cũng cho biết đạn pháo sẽ là một trong những vật liệu đầu tiên được chuyển tới.
Khi đã qua biên giới, các quan chức ở Kiev sẽ tìm cách đưa trang thiết bị đến nơi cần thiết nhanh nhất có thể, nhưng điều này sẽ đặt ra một thách thức hậu cần đáng kể do số lượng trang thiết bị liên quan rất lớn.
Nói cách khác, lợi thế hỏa lực 10:1 mà Nga đang áp đảo sẽ không bị xóa bỏ ngay lập tức.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ cảnh báo Ukraine "có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo và hệ thống phòng không trong những tuần tới, cũng như những hạn chế tương ứng mà sự thiếu hụt này đang đặt ra đối với khả năng tiến hành các hoạt động phòng thủ hiệu quả của Ukraine".
ISW suy đoán rằng Nga có thể tìm cách tấn công các mạng lưới giao thông như đường sắt để làm phức tạp việc vận chuyển viện trợ, đồng thời tìm cách tăng tốc tiến công dọc tiền tuyến trong khoảng thời gian trước khi viện trợ của Mỹ được chuyển đến.
Một khu vực có thể là trọng tâm của bất kỳ cuộc tấn công tăng cường của Nga trước mắt là thành phố Chasiv Yar, một địa điểm quân sự tiền phương quan trọng đối với Ukraine kể từ khi Nga kiểm soát thành phố Bakhmut - nơi cách khoảng 10km về phía đông - gần một năm trước.
Nhiều báo cáo từ binh sĩ Ukraine mô tả giao tranh ác liệt tại một chuỗi ngôi làng giữa Chasiv Yar và Bakhmut khi lực lượng Nga cố gắng tiến công. Tư lệnh quân đội Ukraine cho biết ông tin rằng Điện Kremlin đã ra lệnh kiểm soát Chasiv Yar trước ngày 9/5.
Chasiv Yar cũng đang bị tấn công từ trên không bởi những quả bom "dẫn đường" khổng lồ được thả từ máy bay chiến đấu của Nga. Nhà phân tích Rob Lee đã đăng một loạt video trên tài khoản X trong những ngày gần đây cho thấy các máy bay Su-25 của Nga bay không bị cản trở trên bầu trời phía trên thành phố, điều mà ông gọi là "dấu hiệu rõ ràng về việc Ukraine thiếu đạn phòng không".
Ukraine mong muốn Mỹ cung cấp một loạt hệ thống tên lửa đất đối không để chống lại mối đe dọa từ Nga, bên cạnh nhiều thiết bị đánh chặn hơn cho hệ thống phòng không Patriot, khí tài chính để đánh bại các cuộc tấn công tên lửa vào các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng, như nhà máy điện.
"Chúng tôi cần lực lượng phòng không tiền tuyến cũng như chúng tôi cần bảo vệ các thành phố và làng mạc của mình", ông Zelensky nói.
Cuối cùng, ngoài nhu cầu vũ khí trước mắt, Ukraine dường như cũng sẽ nhận được Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) tầm xa hơn trong đợt chuyển giao vũ khí.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các phiên bản ATACMS tầm ngắn hơn, nhưng các quan chức Ukraine không giấu giếm mong muốn có được phiên bản mới hơn. Với tầm bắn khoảng 300km, tên lửa này sẽ giúp Kiev có khả năng tăng cường tấn công vào các sân bay, kho nhiên liệu và kho vũ khí của Nga, có tác động lâu dài hơn đến nỗ lực chiến tranh của Nga.
Theo dantri.com.vn