NATO cân nhắc các lựa chọn liên quan đến Ukraine

Thứ 4, 15.05.2024 | 15:01:02
297 lượt xem

NATO dường như ngày càng có động lực để gia tăng sự hiện diện ở Ukraine, thậm chí họ có thể triển khai lính đồng minh ở đó với vai trò phi chiến đấu.

NATO cân nhắc các lựa chọn liên quan đến Ukraine - 1

Binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung giữa Lithuania và Ba Lan hôm 26/4 (Ảnh: AFP).

Madis Roll, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Estonia, cuối tuần qua nói với Breaking Defense rằng Estonia đang thảo luận "nghiêm túc" về khả năng đưa quân vào miền tây Ukraine với vai trò không phải để chiến đấu.

"Các cuộc thảo luận đang diễn ra. Chúng ta nên xem xét tất cả các khả năng. Chúng ta không nên hạn chế lựa chọn mà chúng ta có thể làm", ông cho biết.

Cố vấn này nói thêm rằng, Estonia muốn dù bất kỳ hoạt động triển khai nào được lựa chọn, thì đó cũng sẽ là một phần trong sứ mệnh của NATO. Estonia là một thành viên của NATO và là quốc gia có chung đường biên giới dài gần 880km với Nga,

 "Không khó để nghĩ rằng những quốc gia NATO từng phản đối việc đưa quân sang Ukraine sẽ dần thay đổi quan điểm của họ theo thời gian", ông bình luận.

Bình luận của ông Roll là dấu hiệu mới nhất cho thấy NATO đang ngày càng can dự sâu hơn vào tình hình Ukraine.

Đầu năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người đầu tiên đưa ra phương án triển khai quân đội phi chiến đấu đến Ukraine. Ý tưởng đó nhận được sự ủng hộ của các thành viên vùng Baltic của NATO, nhưng nhanh chóng bị bác bỏ bởi các nhà lãnh đạo thận trọng hơn như Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Ông Macron vẫn giữ nguyên quan điểm của mình và nói vào đầu tháng này rằng Pháp sẽ xem xét gửi quân tới Ukraine nếu lực lượng Nga tạo được đột phá ở tiền tuyến.

Ngoài Pháp, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna hồi tháng 3 đã đề xuất rằng Warsaw có thể bắn hạ tên lửa của Nga bay qua miền tây Ukraine, để đáp trả việc Moscow nhiều lần bị cáo buộc xâm phạm không phận của NATO khi thực hiện các vụ tập kích Ukraine.

Ông nói: "NATO đang phân tích các lựa chọn khác nhau, bao gồm cả việc những tên lửa như vậy nên bị bắn hạ khi chúng ở rất gần biên giới của NATO. Nhưng điều này sẽ xảy ra với sự đồng ý của phía Ukraine và có tính đến các hậu quả quốc tế".

Các nhà lãnh đạo chính trị Đức cũng đưa ra một đề xuất tương tự trong tháng này, cho thấy lực lượng phòng không của NATO có trụ sở tại Ba Lan và Romani có thể tạo ra một vùng an toàn kéo dài khoảng 72km về phía Tây Ukraine.

Trên thực tế, một số lực lượng NATO có thể đã hoạt động bên trong Ukraine. Vào tháng 2, Thủ tướng Đức Scholz dường như đã vô tình tiết lộ rằng quân đội Anh và Pháp đang hỗ trợ quân đội Ukraine sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP.

Điện Kremlin nhiều lần cảnh báo NATO không được triển khai bất kỳ lực lượng nào hoặc thậm chí là gửi bất kỳ loại vũ khí nào tới Ukraine. Đồng thời, Nga coi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến giữa Nga với cả phương Tây do Mỹ dẫn dắt.

Tuần trước, bình luận về kiến nghị của Ukraine nhằm kêu gọi NATO triển khai lực lượng, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng sự can thiệp trực tiếp trên thực địa của quân đội các nước NATO vào cuộc xung đột này có thể gây ra mối nguy hiểm to lớn. Vì vậy, chúng tôi coi điều này là một sự khiêu khích cực kỳ lớn, và tất nhiên, chúng tôi đang theo dõi rất sát sao".


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/nato-can-nhac-cac-lua-chon-lien-quan-den-ukraine-20240515135735801.htm

  • Từ khóa