Các nước phương Tây đang phải đối mặt với lựa chọn cấp bách về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga hay không.
Lính Ukraine theo dõi bầu trời ở Bakhmut (Ảnh: Reuters).
Sau đợt tấn công mới của Nga ở vùng Kharkov, Ukraine ngày càng gia tăng áp lực lên các đồng minh, kêu gọi các nước này dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Nhiều tháng trước đó, Ukraine đã công khai cam kết không sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất để tấn công các mục tiêu bên ngoài biên giới.
Kiev được cho là đã sử dụng cả tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp và tên lửa ATACMS tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga tại các khu vực mà Moscow đang kiểm soát ở Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea. Tuy nhiên, các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga phần lớn vẫn chưa bị ảnh hưởng và Ukraine chỉ sử dụng một số lượng hạn chế vũ khí tự chế để tấn công các mục tiêu giáp biên giới.
Các quan chức Ukraine đã ra tín hiệu rằng, chiến dịch tấn công mới của Nga có thể bị cản trở nếu Ukraine có quyền tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga trước khi chúng vượt qua biên giới.
"Chúng tôi biết mọi điểm tập trung của quân đội Nga. Chúng tôi biết tất cả khu vực mà tên lửa và máy bay chiến đấu của Nga được phóng đi. Xóa sổ lực lượng này, từ đó cứu được hàng nghìn sinh mạng và đảm bảo rằng việc mở rộng chiến tranh sẽ chấm dứt, hoàn toàn là một quyết định chính trị", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói hôm 26/5.
Phương Tây cho đến nay vẫn do dự với quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga vì lo ngại các cuộc tấn công như vậy có thể khiến xung đột gia tăng, một quan điểm mà Ukraine bác bỏ.
"Không có nguy cơ leo thang. Sự leo thang vốn đã diễn ra rồi", ông Zelensky nói.
Vùng Kharkov nằm gần biên giới Ukraine - Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).
Do nằm gần biên giới, thành phố Kharkov và các khu định cư khác trong khu vực thường xuyên hứng chịu các cuộc tấn công của Nga kể từ khi bắt đầu xung đột vào năm 2022.
Sau chiến dịch tấn công mới của Nga, ít nhất 8 ngôi làng đã bị Nga kiểm soát, trong khi thủ phủ của vùng Kharkov, nơi sinh sống của 1,4 triệu người, phải đối mặt với các cuộc tấn công gây thương vong hàng ngày.
Theo ông Zelensky, Moscow cũng đang thành lập một nhóm quân khác gần biên giới phía bắc Ukraine. Quân đội Ukraine không loại trừ khả năng sẽ có một cuộc tấn công tương tự của Nga ở tỉnh Sumy trong những ngày tới.
Oleksandr Lytvynenko, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, nói với Financial Times rằng các cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa của phương Tây nhằm vào các kho vũ khí, trung tâm hậu cần và nhà máy lọc dầu của Nga có thể ngăn chặn các cuộc tấn công mới.
Lệnh cấm sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga đã ngăn cản quân đội Ukraine tấn công lực lượng Moscow đang tập trung gần biên giới. Ukraine có thể sử dụng vũ khí sản xuất trong nước để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, sự gia tăng các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga đã vấp phải sự chỉ trích của Mỹ.
Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho biết một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã dỡ bỏ các hạn chế để cho phép Ukraine "đáp trả các cuộc tấn công của Nga từ lãnh thổ Nga".
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết trong chuyến thăm Kiev vào đầu tháng 5 rằng Ukraine có quyền sử dụng vũ khí do London cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga và việc có hành động như vậy hay không là tùy thuộc vào Kiev.
Sau áp lực ngày càng tăng, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các đồng minh chấm dứt lệnh cấm sử dụng vũ khí viện trợ cho Ukraine.
Hội đồng Nghị viện NATO đã thông qua một tuyên bố ủng hộ các đồng minh NATO dỡ bỏ những hạn chế này đối với Ukraine. Tuy nhiên, mỗi quốc gia thành viên sẽ tự quyết định liệu có cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí do nước họ sản xuất hay không.
Các nhà lãnh đạo Thụy Điển, Séc và Latvia ủng hộ quyền phòng thủ bên ngoài biên giới của Ukraine.
Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics cho biết những bước tiến gần đây của Moscow trên chiến trường là "hậu quả của việc chúng tôi không thể cung cấp vũ khí cho Ukraine và sau đó đặt ra các hạn chế sử dụng những vũ khí đó để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga".
Italy và Bỉ phản đối việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Bỉ, một trong những nước cung cấp máy bay chiến đấu F-16 được chờ đợi từ lâu cho Kiev, khẳng định sau khi chuyển giao, máy bay này chỉ nên được sử dụng trong lãnh thổ Ukraine.
Mọi sự tập trung hiện tại đều đổ dồn vào Mỹ và Đức, hai nhà cung cấp viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine, cả hai đều phản đối việc cho phép Kiev tấn công lãnh thổ Nga.
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần nói rằng họ không ủng hộ hay khuyến khích các cuộc tấn công của Ukraine bằng vũ khí Mỹ vào lãnh thổ Nga, trong khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thẳng thừng nói rằng chính sách của Berlin sẽ không thay đổi.
Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng từ Ukraine và các quan chức ở cả hai nước có thể gây ảnh hưởng đến tình hình trong những tuần tới.
Theo dantri.com.vn