Quan chức Ngoại giao Nga cảnh báo phương Tây đang leo thang tình hình ở Ukraine và Moscow sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa.
Tổ hợp tên lửa phòng không Patriot khai hỏa (Ảnh: NSPA).
"Chúng tôi biết rằng các nước phương Tây đang có động thái leo thang. Vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa đi kèm với sự leo thang này", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố hôm 3/6, khi bình luận về thông tin rằng Ukraine đang có kế hoạch sử dụng hệ thống tên lửa Patriot tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
"Bất kể vũ khí gì được cung cấp (trên chiến trường), bắt đầu từ vũ khí trên mặt đất, tất cả những vũ khí này đều đang bị các chiến binh của chúng tôi hạ gục. Lần này kịch bản tương tự sẽ lại xảy ra", ông Grushko nhấn mạnh.
Cảnh báo của nhà ngoại giao Nga được đưa ra sau khi tướng Christian Freuding, người đứng đầu Trung tâm Tình hình Ukraine thuộc Bộ Quốc phòng Đức, tuyên bố không loại trừ khả năng tên lửa Patriot sẽ được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên bầu trời Nga.
Bình luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng một số quốc gia chưa bao giờ áp đặt hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev, ông Grushko nói: "Họ đã khiến căng thẳng leo thang. Họ có chiến lược và họ đã đi theo con đường này".
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, Ukraine hy vọng các đồng minh của nước này có thể đồng thuận với việc viện trợ thêm cho Kiev các hệ thống phòng không Patriot càng sớm càng tốt.
Ukraine thậm chí tính tới phương án sẽ đi mượn tạm lá chắn này từ các quốc gia khác khi Kiev đang cần chúng để đối phó với những đợt tấn công dữ dội của Nga.
Vào tháng 4 năm ngoái, Ukraine đã nhận được hai hệ thống Patriot đầu tiên từ Mỹ và Đức. Vào tháng 10, Đức cam kết cung cấp một hệ thống Patriot khác để hỗ trợ Ukraine đối phó sự gia tăng các cuộc tấn công của Nga trong những tháng mùa đông.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa đa năng, tầm bắn từ 70-160km, có khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu trên không, bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tác chiến, trong mọi điều kiện thời tiết.
Rất nhiều căn cứ của Nga về lý thuyết nằm trong tầm tấn công của vũ khí Mỹ, Đức nhưng tới nay Washington và Berlin vẫn duy trì sự thận trọng chiến lược vì lo ngại chúng sẽ bay sang lãnh thổ Nga, khiến căng thẳng leo thang dữ dội hơn.
Tuy nhiên, một số quốc gia phương Tây đã bắt đầu nới lỏng quy định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga.
Steffen Hebestreit, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, hôm 31/5 tuyên bố Ukraine có quyền tự vệ theo luật quốc tế để đáp trả lại cuộc tấn công xuất phát từ bên trong lãnh thổ Nga. Theo đó, chính phủ Đức đã cho phép Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Berlin cung cấp để tấn công Nga tại các vị trí ngay sát biên giới chung giữa hai nước.
Quyết định này đánh dấu sự thay đổi chính sách quan trọng của Berlin, diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden "bật đèn xanh" cho Kiev tấn công đáp trả Nga bằng vũ khí mà Mỹ cung cấp.
Theo dantri.com.vn