NATO đáp trả thông điệp hạt nhân của Nga

Thứ 5, 13.06.2024 | 09:16:08
240 lượt xem

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh đang nỗ lực điều chỉnh năng lực hạt nhân trước các mối đe dọa an ninh hiện tại trong bối cảnh có những cuộc diễn tập và tuyên bố hạt nhân của Nga.

NATO đáp trả thông điệp hạt nhân của Nga - 1

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).

Trao đổi với phóng viên trước cuộc họp kéo dài hai ngày của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels, trong đó có cuộc họp lập kế hoạch hạt nhân của liên minh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12/6 cho biết, vũ khí hạt nhân của NATO là "sự đảm bảo an ninh cuối cùng" và là phương tiện để duy trì hòa bình.

Mặc dù ai cũng biết rằng Mỹ đã triển khai bom hạt nhân tới một số địa điểm ở châu Âu nhưng NATO hiếm khi đề cập công khai về những vũ khí này.

Thảo luận về điều mà ông gọi là "sự thích ứng đang diễn ra" với kho vũ khí hạt nhân của NATO, ông Stoltenberg cho biết Hà Lan hồi tháng 6 đã tuyên bố các máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên sẵn sàng mang vũ khí hạt nhân và cho biết Mỹ đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân ở châu Âu.

Lãnh đạo NATO cho biết, đây là "sự thích ứng" với các hoạt động và phát ngôn ngày càng tăng của Nga liên quan đến năng lực hạt nhân.

Ông nói: "Những gì chúng tôi đã thấy trong vài năm, vài tháng qua là những lời đe dọa hạt nhân nguy hiểm từ phía Nga. Chúng tôi cũng thấy một số cuộc tập trận, diễn tập hạt nhân khác từ phía Nga".

Ngày 11/6, Nga cho biết quân đội nước này đã bắt đầu giai đoạn hai của cuộc tập trận nhằm thực hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật cùng với quân đội Belarus sau những gì Moscow cho là mối đe dọa từ các cường quốc phương Tây.

Tháng trước, Điện Kremlin tuyên bố, Moscow "mong cuộc tập trận sẽ làm dịu đi những cái đầu nóng ở các thủ đô phương Tây".

Thông điệp của Moscow được phát đi sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron úp mở kế hoạch đưa quân đội châu Âu đến Ukraine. Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng thông báo, Anh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Theo giới chuyên gia hạt nhân phương Tây, Nga đang gửi tín hiệu ngăn cản NATO can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.

Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022 đến nay, Nga nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ trong những trường hợp cần thiết dựa trên học thuyết hạt nhân.

Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh châu Âu đẩy thế giới đến bờ vực đối đầu hạt nhân bằng cách cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng tỷ USD, một số vũ khí trong đó đang được dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga.

NATO đảm nhận việc điều phối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Ông Stoltenberg cũng cho biết, NATO chuẩn bị thay Mỹ đảm nhận việc điều phối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

"Tôi hy vọng rằng các bộ trưởng sẽ thông qua kế hoạch để NATO lãnh đạo việc phối hợp hỗ trợ an ninh và huấn luyện cho Ukraine", ông nói.

Vài giờ trước đó, Hungary đã từ bỏ việc phản đối gói hỗ trợ Ukraine mà NATO muốn đạt được tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 7, bao gồm một cam kết tài chính và chuyển giao cho NATO quyền điều phối cung cấp vũ khí và đào tạo.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết đất nước của ông sẽ không ngăn cản các quyết định của NATO về việc hỗ trợ cho Ukraine, nhưng Hungary sẽ không tham gia vào.

Ông Stoltenberg đã đề xuất NATO đảm nhận việc điều phối viện trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, trao cho liên minh này một vai trò trực tiếp hơn trong cuộc chiến chống lại Nga mà không cần phải đưa quân đến Ukraine.

Động thái này được nhiều người coi là một nỗ lực nhằm đề phòng kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử bằng cách đặt sự phối hợp của liên minh dưới sự bảo trợ của NATO.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao thừa nhận động thái như vậy có thể có tác dụng hạn chế vì Mỹ là nước dẫn dắt NATO và cung cấp phần lớn vũ khí cho Ukraine. Do đó, nếu Washington muốn cắt giảm viện trợ của phương Tây cho Kiev, họ vẫn có thể làm như vậy.

Ông Stoltenberg đã đề nghị các đồng minh tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine ở mức tương tự như họ đã cung cấp kể từ đầu xung đột Nga - Ukraine, hay khoảng 40 tỷ euro mỗi năm.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/nato-dap-tra-thong-diep-hat-nhan-cua-nga-20240613060129388.htm

  • Từ khóa