Ngày 12/6, tình báo quốc phòng Ukraine tuyên bố, 2 tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ 5 đã bị trúng đạn trong cuộc tấn công vào sân bay Akhtubinsk ở Astrakhan nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga (Ảnh minh họa: Telegram).
Có tới 2 chiếc Su-57 bị đánh trúng
Ông Andrii Yusov - phát ngôn viên Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) - hôm 12/6 tuyên bố, có tới hai trong số các máy bay chiến đấu Su-57 của Nga đã bị trúng đạn trong cuộc tấn công vào sân bay Akhtubinsk ở Astrakhan, nhưng một trong số chúng chỉ bị hư hại nhẹ.
Ông Yusov nói: "Bây giờ chúng tôi có thể nói rằng 1 chiếc Su-57 bị hư hại đáng kể, chiếc còn lại bị hư hại nhẹ hơn và có thể được phục hồi".
Cơ quan tình báo quân sự đưa tin về vụ tập kích ngày 9/6, đánh dấu vụ tấn công đầu tiên vào Su-57, mẫu máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga, chỉ có một số chiếc được biên chế trong Không quân Nga.
Hình ảnh vệ tinh được công bố sau cuộc tấn công dường như đã xác nhận một cuộc tập kích chính xác nhằm vào sân bay Akhtubinsk ở miền nam nước Nga, nằm cách tiền tuyến khoảng 590km.
Ngay trong ngày 10/6, ông Yusov cho biết, theo thông tin sơ bộ, 2 chiếc Su-57 có thể đã bị đánh trúng.
Tình báo quân sự thường không tuyên bố chịu trách nhiệm công khai về các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga, nhưng các nguồn tin nói với Kyiv Independent rằng, Ukraine đã thực hiện một số cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu quân sự và công nghiệp nằm sâu trong biên giới Nga.
Ukraine tuyên bố đánh hỏng 2 tiêm kích Su-57 của Nga (Ảnh: Telegram).
Vì sao Su-57 là "bảo bối" của Nga?
Đánh giá khách quan mà nói thì dường như Không quân Nga cũng chưa mặn mà lắm với tiêm kích tàng hình Su-57 bởi chi phí để chế tạo và sản xuất khá đắt đỏ, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, Moscow khó có thể đầu tư mua sắm ồ ạt vũ khí "bảo bối" này.
Giới chuyên gia hàng không quân sự Nga và thế giới đánh giá khá cao về dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Nga.
Thứ nhất, radar cực mạnh. Trong khi hầu hết các máy bay chiến đấu, bao gồm tất cả các mẫu thế hệ thứ năm như F-35 Mỹ hay J-20 Trung Quốc, chỉ có một radar thì trên Su-57 có đến 6 radar được tích hợp vào khung, mang lại lợi thế đáng kể trong nhận thức tình huống trên chiến trường, không chỉ cho phép phi công theo dõi 60 mục tiêu cùng lúc, mà còn hoạt động ở các dải bước sóng khác nhau giúp tối ưu hóa cho chiến tranh điện tử và giúp phi công phát hiện các mục tiêu ở tầm xa tốt hơn.
Thứ hai, trang bị vũ khí "khủng". Máy bay sẽ được trang bị tên lửa dẫn đường K-77M có tầm bắn tới 200km với cánh được gập gọn và bố trí ở các khoang vũ khí bên trong, được tối ưu hóa để tấn công các mục tiêu nhỏ và cơ động nhờ hệ thống dẫn đường bằng radar AFAR gắn ở mũi cho phép nó phản ứng ngay lập tức với các mục tiêu chuyển hướng gấp, khiến việc né tránh là gần như không thể.
Sau khi tên lửa Kinzhal đi vào hoạt động vào cuối năm 2017, Nga có kế hoạch phát triển một phiên bản thu nhỏ hơn để tích hợp vào Su-57, nếu thành công sẽ khiến nó trở thành máy bay chiến đấu tàng hình duy nhất trên thế giới có khả năng tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm.
Thứ ba, phạm vi hoạt động rộng hơn. Su-57 có bán kính tác chiến trên 1.500km (theo một số nguồn là trên 2.000km) và tốc độ bay trên Mach 2, mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ nào.
Thứ tư, bảo vệ máy bay bằng tia laser. Một tính năng mới, nhưng ít người chú ý, đó là hệ thống laser đối phó tên lửa dẫn đường hồng ngoại, bằng cách phóng tia laser để "làm mù" các tên lửa đang bay tới.
Thứ năm, khả năng cơ động vượt trội. Sự kết hợp giữa sức mạnh vượt trội của động cơ Saturn và khung thân được thiết kế tối ưu cho phép nó có khả năng thao diễn hoàn hảo, nhờ vậy chúng có thể tránh các cuộc tấn công tên lửa ở tốc độ cao và định vị tốt hơn trong không chiến ở tốc độ thấp.
Được trang bị bộ càng đáp siêu khỏe và lốp lớn, Su-57 có thể cất và hạ cánh ở các sân bay dã chiến bằng đất nện có đường băng rất ngắn.
Theo dantri.com.vn