Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Nga cần tiếp tục sản xuất tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn, sau khi Mỹ đưa vũ khí tương tự tới châu Âu và châu Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).
Theo hãng tin Tass, tình hình xung quanh Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là chủ đề trọng tâm trong cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Hội đồng An ninh Nga hôm 28/6.
"Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về các bước đi tiếp theo của Nga liên quan đến lệnh cấm đơn phương triển khai các tên lửa mặt đất tầm trung và tầm ngắn", ông Putin nói.
Ông Putin nhắc lại rằng vài năm trước, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước với một lý do bịa đặt và công bố kế hoạch sản xuất các hệ thống tên lửa như vậy.
Năm 2019, Nga cam kết sẽ hạn chế sản xuất và triển khai các hệ thống như vậy chừng nào Mỹ từ chối triển khai chúng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Ông Putin cho biết Nga đã cam kết không triển khai những tên lửa như vậy, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục sản xuất chúng, đưa chúng đến Đan Mạch để tập trận và cũng đưa chúng tới Philippines.
"Bây giờ, Mỹ không chỉ sản xuất những hệ thống tên lửa này mà còn sử dụng chúng trong cuộc tập trận ở châu Âu, ở Đan Mạch. Cách đây không lâu, có thông báo rằng chúng sẽ có mặt ở Philippines. Không có thông tin về việc liệu những tên lửa này có được đưa ra khỏi những khu vực đó hay không", ông Putin nói.
Trước đó, Mỹ công bố kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á để kiềm chế Trung Quốc.
"Chúng ta cần phản ứng với điều này và đưa ra quyết định về những gì chúng ta sẽ phải làm theo hướng này tiếp theo. Rõ ràng, chúng ta cần bắt đầu sản xuất các hệ thống tấn công này, sau đó dựa trên tình hình thực tế, đưa ra quyết định về nơi triển khai chúng, nếu điều đó là cần thiết để đảm bảo an toàn cho chúng ta", ông Putin tuyên bố.
Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km.
Vào thời điểm ra đời, hiệp ước INF được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng ở châu Âu, nơi cả Nga và Mỹ cùng triển khai nhiều tên lửa dẫn tới nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Cuối năm 2018, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi hiệp ước INF với cáo buộc Nga đã phát triển tên lửa bị cấm, song Moscow đã bác bỏ cáo buộc này và "tố ngược" Washington. Tuy vậy, Mỹ cho biết có thể sẽ quay trở lại INF nếu Nga loại bỏ những khí tài vi phạm.
Vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn chấm dứt hiệp ước INF vì cho rằng Nga đã vi phạm hiệp ước nhiều năm và lo ngại về kho tên lửa tầm trung của Trung Quốc.
Tổng thống Putin từng cảnh báo việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo dantri.com.vn