Nga đã nhắm mục tiêu vào sân bay của Ukraine khi Kiev chuẩn bị tiếp nhận các máy bay chiến đấu F-16 từ phương Tây.
Các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên dự kiến sẽ đến Ukraine vào tháng 7 (Ảnh: Reuters).
Ngày 27/6, những tiếng nổ vang rền khắp bầu trời trước bình minh, khi lực lượng phòng không Ukraine chống đỡ cuộc tấn công của Nga vào thành phố Starokostiantyniv ở phía tây. Đây cũng là nơi đặt một căn cứ không quân quan trọng của Ukraine và là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công do lực lượng Nga tiến hành.
Vài giờ sau cuộc tấn công, những con phố ở Starokostiantyniv đã trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, cuộc tấn công ngày 27/6 là lời cảnh báo rõ ràng về những thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi nước này vực dậy lực lượng không quân đang suy yếu và triển khai các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất.
Những tiêm kích F-16 đầu tiên dự kiến sẽ đến Ukraine vào tháng 7. Trong thư gửi quốc hội trước cuộc chuyển giao chính phủ vào ngày 2/7, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết, chính phủ nước này đã cấp các giấy phép cần thiết để bàn giao máy bay chiến đấu F-16 cho quân đội Ukraine.
Vào tháng 4, bà Ollongren cho biết, Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ sẽ bắt đầu quá trình bàn giao F-16 cho Kiev trong vòng vài tháng tới. Hà Lan đã chuyển các máy bay F-16 đến một cơ sở huấn luyện ở Romania để hỗ trợ huấn luyện cho phi công và nhân viên mặt đất của Ukraine.
Kiev hy vọng "át chủ bài" F-16 sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh của lực lượng Ukraine khi họ đang phải vật lộn để đẩy lùi các cuộc tấn công dữ dội của Nga dọc chiến tuyến, bao gồm những quả bom lượn có sức tàn phá khủng khiếp mà F-16 có khả năng phá hủy.
Các quan chức chưa tiết lộ các tiêm kích F-16 sẽ được đặt ở đâu, nhưng sau cuộc tấn công vào Starokostiantyniv, Nga tuyên bố đã nhắm mục tiêu vào các sân bay mà họ tin rằng sẽ được Ukraine triển khai F-16.
Căn cứ không quân này thường xuyên bị tấn công kể từ những ngày đầu tiên của cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022. Các cuộc tấn công được tiến hành cả từ máy bay không người lái và tên lửa.
Một phát ngôn viên của lực lượng không quân Ukraine cho biết, các cuộc tấn công gây ra "những khó khăn nhất định", nhưng sẽ không làm suy yếu nỗ lực cung cấp F-16 hoặc việc triển khai các máy bay này trong trận chiến.
Các nhà phân tích quân sự nhận định, Nga có thể đang nhắm mục tiêu vào hạ tầng căn cứ không quân như đường băng và kho chứa nhằm khiến việc triển khai F-16 trở nên khó khăn hơn.
Justin Bronk, chuyên gia tại viện RUSI cho rằng, quân đội Ukraine, vốn đang thiếu đạn phòng không, cũng có khả năng phải di chuyển các máy bay giá trị cao được triển khai quanh sân bay.
Nga cảnh báo sẽ phá hủy các chiến đấu cơ F-16 mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, thậm chí cả những chiếc F-16 đồn trú bên ngoài biên giới Ukraine và dùng để tấn công Nga.
Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết, Nga sẽ coi việc các thành viên NATO cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là một tín hiệu hành động trong lĩnh vực hạt nhân của liên minh quân sự này. Ông nhấn mạnh, việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 này sẽ không thể làm thay đổi tình hình chiến trường Ukraine dưới bất cứ hình thức nào.
Theo dantri.com.vn