"Bàn cờ" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel ở Syria

Thứ 4, 15.01.2025 | 08:38:19
49 lượt xem

Syria hậu Assad có thể trở thành bàn cờ chính trị và là ngòi nổ bùng phát mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Dù vậy, cả hai quốc gia vẫn sẽ thận trọng, tránh để căng thẳng leo thang.

Bàn cờ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel ở Syria - 1

Người Syria tại Istanbul cầm ảnh của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ăn mừng sự sụp đổ của chính quyền Assad (Ảnh: AFP).

Hồi đầu tháng này, một Ủy ban của chính phủ Israel do cựu Cố vấn An ninh quốc gia Jacob Nagel đứng đầu công bố báo cáo nhận định Israel cần chuẩn bị cho khả năng nổ ra xung đột vũ trang với Thổ Nhĩ Kỳ.

"Mối đe dọa từ Syria có thể trở nên nguy hiểm hơn cả đe dọa từ Iran", bản báo cáo nhận định và cảnh báo các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn có thể gây mất ổn định khu vực.

Từ sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ và trong bối cảnh ảnh hưởng của Iran sụt giảm, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã tăng cường hiện diện tại bàn cờ Syria. Chính điều này có thể mở ra mặt trận mới, đẩy hai nước tới nguy cơ nổ ra xung đột.

Ngòi nổ mâu thuẫn

Tại Israel đã có nhiều ý kiến cảnh báo về khả năng leo thang căng thẳng - thậm chí là nổ ra xung đột vũ trang - với Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh lực lượng vũ trang của Ankara đang hiện diện gần hơn với lãnh thổ Israel.

"Có khả năng Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nổ ra xung đột quân sự trong tương lai. Đây là điều chưa có tiền lệ - giống với tất cả những sự kiện chúng ta đang chứng kiến tại khu vực gần đây", giáo sư Efrat Aviv, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Begin-Sadat, nói với Jerusalem Post. 

"Thổ Nhĩ Kỳ rất cứng rắn về lợi ích của họ tại Syria. Ông Erdogan muốn củng cố ảnh hưởng tại đây và mong chính phủ mới nằm dưới sự bảo trợ của ông", ông Aviv nói thêm, chỉ ra Thổ Nhĩ Kỳ đã tung các khoản đầu tư lớn vào Syria để giúp xã hội nước này thân Thổ Nhĩ Kỳ hơn.

Đa số phe phái đối lập trong liên minh lật đổ Tổng thống Assad do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm vũ trang chủ đạo, dẫn đầu chiến dịch quân sự vừa qua - cũng không phải ngoại lệ.

"Về bản chất, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành láng giềng phương Bắc của Israel - điều chúng ta chưa bao giờ thấy", bà Gallia Lindenstrauss, chuyên gia Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Israel (INSS), nói. "Sự hiện diện của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Nam Syria sẽ là vấn đề với Israel và mang đến nguy cơ xung đột".

Theo bà Lindenstrauss, bên cạnh thách thức kể trên, Israel còn lo ngại Syria vẫn sẽ tiếp tục là tuyến đường trung chuyển vũ khí của Iran. Đây là lý do Israel vẫn sẽ cần duy trì hoạt động tại Syria kể cả khi Damascus có chính quyền mới.

Quân đội Israel đã tiến vào một số khu vực tiếp giáp Cao nguyên Golan - vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng của Syria từ năm 1967. Tel Aviv tuyên bố mục tiêu của họ là ngăn chặn các mối đe dọa có thể xảy ra, không để các thế lực thù địch xâm nhập biên giới.

Một trong những ngòi nổ tiềm tàng khác trong quan hệ giữa Ankara và Tel Aviv là quan hệ giữa Israel và lực lượng người Kurd ở Syria. Israel không có quan hệ chính thức với lực lượng này, tuy nhiên vẫn giữ liên kết không chính thức để thực thi chiến lược làm suy yếu ảnh hưởng của Iran tại khu vực.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức hồi tháng 11/2024, Ngoại trưởng Israel Gideon Sa'ar kêu gọi tăng cường quan hệ với cộng đồng người Kurd. Sau khi chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ, ông Sa'ar nhận định cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đạo đức đối với người Kurd tại Syria.

Ông Sa'ar cũng đã thảo luận với lãnh đạo cộng đồng người Kurd Syria và đưa ra "bảo đảm tích cực" đối với các quyền lợi của cộng đồng này, truyền thông của người Kurd tiết lộ.

Bàn cờ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel ở Syria - 2

Một phương tiện quân sự của Israel di chuyển ở phía Syria của đường ranh giới ngừng bắn năm 1967 (Ảnh: Reuters).

Đây sẽ là điều khó có thể khiến Ankara hài lòng. Thổ Nhĩ Kỳ coi Lực lượng Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) - nhóm vũ trang chính của người Kurd tại Syria - là "tổ chức khủng bố". Các phe phái thân Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd vẫn đang giao tranh ở Đông Bắc Syria.

Một "mặt trận" khác sẽ là cuộc đua giành vị trí quốc gia trung chuyển dầu khí giữa các nước vùng Vịnh và châu Âu. Với việc chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây có cơ hội hiện thực hóa kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu khí qua lãnh thổ Syria để kết nối quốc gia này với các nước Ả Rập vùng Vịnh.

Tuy nhiên, Israel cũng có tham vọng trở thành cầu nối về năng lượng giữa châu Âu và các nước Ả Rập. Nếu đường ống dẫn khí kết nối Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Vịnh được thiết lập, khả năng Israel trở thành điểm trung chuyển dầu khí từ vùng Vịnh - đặc biệt là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - sang châu Âu sẽ gặp phải đối thủ cạnh tranh đáng gờm.

Quan hệ thăng trầm

Mối quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều thăng trầm. Trước khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát, quan hệ song phương giữa Tel Aviv và Ankara dường như dần ấm lên.

Tuy vậy, sau ngày 7/10/2023, quan hệ giữa hai bên tụt dốc. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cắt đứt quan hệ thương mại với Israel, ngăn các quan chức cấp cao Israel bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc Israel diệt chủng trên diễn đàn quốc tế. Ông thậm chí tuyên bố quân đội Thổ Nhĩ Kỳ một ngày nào đó có thể giúp đỡ người dân Palestine.

Bất chấp tuyên bố đó, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có lý do gì để kích động quan hệ với Israel vào lúc này. Theo nguồn tin của ông Ragip Soylu, trưởng cơ quan thường trú tổ chức tin tức Middle East Eye tại Ankara, giới chức Syria có ý định mời cố vấn Thổ Nhĩ Kỳ tới các học viện và căn cứ quân sự nước này để hỗ trợ xây dựng lực lượng quân đội.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ hiện diện hạn chế và sẽ không vượt quá Hama hoặc Damascus. Đây là cách mà Ankara trấn an Tel Aviv, khẳng định họ không có ý định tấn công.

Theo các chuyên gia, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều có lý do để giữ gìn quan hệ với đối phương để bảo vệ các lợi ích của mình tại khu vực.

"Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quan hệ với Israel có vai trò quan trọng trong việc giữ khả năng tiếp cận với người Palestine, cả ở dải Gaza lẫn tại khu Bờ Tây. Đối với Israel, họ không cần thêm kẻ thù khi đã bị bao vây bởi các kẻ thù", ông Cohen Yanarocak, chuyên gia tại Trung tâm Moshe Dayan về nghiên cứu Trung Đông và châu Phi (Israel), nói. 


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/ban-co-giua-tho-nhi-ky-va-israel-o-syria-20250115071019089.htm

  • Từ khóa