Đại sứ Verma cho rằng Covid-19 đã gây ra nhiều gián đoạn nhưng đại dịch không thể ngăn cản Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục hợp tác, kể cả ở cấp độ cao nhất.
“Là đối tác thân thiết của Ấn Độ trong quan hệ hợp tác về nhiều mặt, bao gồm chính trị, kinh tế và an ninh, đồng thời là mắt xích chính trong cam kết của Ấn Độ với ASEAN, Việt Nam rõ ràng là đối tác không thể thiếu trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ”, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn với VOV mới đây.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma. Ảnh: Vũ Toàn |
PV: Thưa Đại sứ, năm 2020 là một năm nhiều biến động, đặc biệt là sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh như vậy, ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam- Ấn Độ? Đâu những điểm nhấn nổi bật nhất trong hợp tác song phương?
Đại sứ Pranay Verma: Đúng vậy, Covid-19 đã gây ra nhiều sự gián đoạn. Tuy nhiên, đại dịch không thể ngăn cản hai nước tiếp tục hợp tác, kể cả ở cấp độ cao nhất. Như các bạn đã biết, ngày 13/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận không chỉ về tình hình dịch bệnh Covid-19 mà còn về nhiều khía cạnh khác trong quan hệ song phương.
Chúng ta cũng đang chia sẻ với nhau rất nhiều kinh nghiệm liên quan đến ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi đã tổ chức các chương trình nâng cao năng lực quản lý trong xử lý Covid-19 bằng hình thức trực tuyến và mời đối tác Việt Nam tham gia. Lực lượng quân y của hai nước cũng tổ chức các cuộc hội thảo từ xa để học hỏi những phương pháp hay nhất của nhau trong cuộc chiến chống Covid-19.
Các doanh nghiệp của hai nước cũng đang ‘cài đặt lại hợp tác’ sau những gián đoạn ban đầu của đại dịch. Tôi đã tham gia khoảng 6-7 cuộc họp kinh doanh được các phòng thương mại của hai bên tổ chức bằng hình thức trực tuyến trong vài tháng qua. Thật tốt khi thấy các doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đến việc quay lại bàn bạc hợp tác thông qua các nền tảng trực tuyến. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ phát triển hơn nữa.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước cũng tiếp tục phát triển. Ấn Độ đang triển khai việc đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam, chiếc đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao trong năm nay. 7 chiếc trong số này sẽ được đóng ngay tại Việt Nam, việc khởi công có thể bắt đầu trong tương lai gần.
Hai nước cũng đang có mối quan hệ gắn bó tốt đẹp ở các cơ chế đa phương thông qua việc trao đổi trong khuôn khổ hợp tác ASEAN với các đối tác, cũng như những vấn đề khu vực và toàn cầu.
PV: Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 16 tại Thái Lan vào tháng 11/2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh Ấn Độ đang triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” và “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” với trung tâm là ASEAN. Xin Đại sứ cho biết Việt Nam hiện đang đóng vai trò như thế nào trong chiến lược của đất nước ông cũng như chính sách chung của Ấn Độ đối với hòa bình- an ninh khu vực?
Đại sứ Pranay Verma: “Hành động hướng Đông” là một trong những tầm nhìn cơ bản của chúng tôi trong việc tương tác với khu vực lân cận mở rộng sang phía Đông Ấn Độ. Việt Nam có vị trí nổi bật trong tầm nhìn đó. Việt Nam là trụ cột chính trong Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ trên cả ba trụ cột: thương mại, kết nối và văn hóa.
Tầm nhìn Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương là vì một khu vực tự do, cởi mở, hòa bình, thịnh vượng và trên hết là một khu vực hòa nhập, có trật tự dựa trên luật lệ và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia. Nó dựa trên vai trò trung tâm của ASEAN. Nó thể hiện một cấu trúc phát triển và kết nối tích cực, trong đó Ấn Độ có thể đóng một vai trò độc đáo nhờ vị trí địa lý và thế mạnh kinh tế của mình.
Chúng tôi rất vui khi các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đã đưa ra những triển vọng hợp tác riêng cũng như cùng nhau đưa ra một lộ trình hữu ích để thúc đẩy hội nhập khu vực. Là đối tác thân thiết của Ấn Độ trong quan hệ hợp tác về nhiều mặt, bao gồm chính trị, kinh tế và an ninh, đồng thời là mắt xích chính trong cam kết của Ấn Độ với ASEAN, Việt Nam rõ ràng là đối tác không thể thiếu trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dựa trên các giá trị và lợi ích chung của chúng ta trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng của khu vực.
PV: Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò “kép” là chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hai nước có sự phối hợp như thế nào để cùng thúc đẩy hòa bình và phát triển chung ở khu vực và trên toàn cầu?
Đại sứ Pranay Verma: Ấn Độ và Việt Nam có truyền thống gắn bó với nhau trong các diễn đàn đa phương. Việt Nam đã là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ấn Độ cũng sẽ tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là thành viên không thường trực vào tháng 1/2021. Sự hiện diện đồng thời của chúng ta trong Hội đồng Bảo an tạo cơ sở mới để hai nước làm việc cùng nhau trong nhiều vấn đề toàn cầu.
Nếu soi chiếu vào thế giới quan của hai nước, các tiếp cận tổng thể của chúng ta đối với quan hệ quốc tế có một số điểm chung. Hai nước có quan điểm tương đồng về hầu hết các vấn đề khu vực và quốc tế, đều ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có tiếng nói ôn hòa, hòa nhập và bình đẳng trong các diễn thuyết mang tính toàn cầu, điều quan trọng đối với ứng xử quốc tế trong thế giới hiện nay. Cả hai nước đều tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ. Chúng ta ngày nay cũng đang đóng góp vào hòa bình, phát triển ở khu vực cũng như trên toàn cầu thông qua hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, các hành động đã cam kết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
PV: Hợp tác kinh tế - thương mại là một trong những trụ cột chính của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương mới chỉ ở mức 11,3 tỷ USD năm 2019 và hai nước đặt mục tiêu 15 tỷ USD trong năm 2020. Đây là con số khá khiêm tốn so với kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc (trên 116 tỷ USD), Mỹ (trên 60 tỷ USD), và EU (trên 56 tỷ USD). Theo Đại sứ, đâu là nguyên nhân và chúng ta cần có những bước đi như thế nào để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại trong tình hình hiện nay?
Đại sứ Pranay Verma: Nếu như kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam năm 2000 là khoảng 200 triệu USD thì nay con số này ở mức khoảng 12 tỷ USD. Năm 2019, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam. Nhưng tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, con số này chưa tương xứng với trình độ phát triển của hai nước và thực tế là cả hai nước chúng ta đều là những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay. Vì vậy, cần phải có một động lực mới để thúc đẩy thương mại của chúng ta.
Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn trong hợp tác nhưng tôi nghĩ rằng nó cũng mở ra những cơ hội mới. Covid-19 buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về cách chúng ta tương tác với nhau và chính ở đó thì những cơ hội mới xuất hiện. Khi chuỗi cung ứng và nhu cầu bị gián đoạn sau Covid-19, tất cả chúng ta đang tìm kiếm chuỗi cung ứng mới và quan hệ đối tác mới. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để chúng ta thực sự mở rộng sự tham gia giao dịch bằng cách đặt các chuỗi cung ứng trên lãnh thổ của nhau.
Chúng ta cũng cần phải làm nhiều hơn để xây dựng kết nối – kết nối không chỉ theo nghĩa cơ học mà còn trong lĩnh vực kỹ thuật số sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành. Chúng ta phải học hỏi để ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh. Chúng ta cũng cần thúc đẩy các doanh nghiệp tương tác với nhau nhiều hơn thông qua các cam kết B2B, bao gồm cả thông qua các nền tảng trực tuyến.
Chúng ta cũng cần đặt ra các mục tiêu mới đầy tham vọng và hỗ trợ chúng bằng kế hoạch hành động mạnh mẽ để mỗi bên có thể rõ ràng về những gì cần đạt được và làm thế nào để đạt được. Đó là cách thiết thực để tiến lên phía trước.
Chúng tôi thực sự hy vọng rằng Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN có thể giúp khởi động sớm nhất việc xem xét Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA) vì đó là nền tảng quan trọng để tiến tới cam kết thương mại của chúng ta.
Khi Ấn Độ đang định vị mình là động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau Covid-19 và tham vọng trở thành nền kinh tế có quy mô 5.000 tỷ USD, điều này tạo ra cơ hội cho một quốc gia đối tác như Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận làm ăn kinh tế với Ấn Độ từ góc độ chiến lược lớn hơn này.
PV: Vâng. Xin cảm ơn Đại sứ!./.
PV/VOV.VN