Vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan trong phòng chống Covid-19

Thứ 7, 15.08.2020 | 14:51:46
985 lượt xem

Dù tình trạng dịch Covid-19 vẫn còn đang phức tạp, nhưng nhiều người vẫn tỏ ra chủ quan và lơ là trong công tác phòng chống dịch....

Khi số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam gia tăng trong những ngày gần đây, việc phòng dịch là yếu tố quan trọng nhất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Câu chuyện đẩy lùi dịch bệnh một lần nữa được cả nước thực hiện với tinh thần và quyết tâm cao.

Trong khi các cấp, ban, ngành cùng cả cộng đồng và chính quyền ở nhiều địa phương đang nỗ lực không ngừng nghỉ với cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19 thì người dân cần nâng cao ý thức, thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những hành động tốt nhằm phòng chống Covid-19, đáng buồn là hiện nay, có không ít người dân vẫn chưa có ý thức phòng chống dịch và tự bảo vệ chính bản thân mình.

van con tinh trang lo la, chu quan trong phong chong covid-19 hinh 1
Khẩu hiệu, băng rôn... tuyên truyền về dịch Covid-19 được nhiều địa phương áp dụng (Ảnh minh họa). 

Vào các buổi chiều hàng ngày, cứ đến 5h, tiếng loa truyền thanh của nhà văn hóa xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lại vang lên với những lời nhắc nhở, cảnh báo người dân hãy đề phòng, nâng cao cảnh giác trước mối đe dọa hiểm nguy của dịch bệnh Covid-19.

Bản thông báo này đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch gửi về trạm y tế xã, yêu cầu tuyên truyền rộng rãi để người dân tự giác chấp hành. Người đọc bản tin là bà Vũ Thị Nga – trưởng thôn Lương Cụ Bắc – xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Bà Nga cho biết, đã nửa tháng nay, bà thực hiện công việc này đều đặn hàng chiều, với tất cả niềm tâm huyết, chỉ mong đóng góp chút công sức nhỏ bé của bản thân, cùng chính quyền địa phương xã giúp người dân nâng cao ý thức tự giác trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

"Trong chỉ đạo này cần tuyên truyền cho nhân dân thường xuyên phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tối đa đi đến nơi đông người, khi thật cần thiết thì mới đi còn buộc phải ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc 2m. Mục đích của tuyên truyền là ngăn chặn dịch chống lây lan trong cộng đồng.

Tôi cứ đọc thế này đến bao giờ cảm thấy dịch giãn dần thì thôi, theo chỉ thị ở trên giao làm đến đâu thì chúng tôi thực hiện đến đấy" - bà Nga cho biết.

Chính quyền địa phương mong mỏi người dân nâng cao ý thức là vậy nhưng tại khu chợ truyền thống của thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, dường như chẳng mấy ai quan tâm lo lắng đến sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

6h sáng là thời điểm người dân có mặt ở chợ đông nhất nhưng không có nước sát khuẩn, số người đeo khẩu trang chỉ lác đác hoặc đeo không đúng cách; nhiều người thản nhiên mang đồ ăn sáng không che đậy đi dạo khắp chợ; không sử dụng găng tay trong quá trình mua bán thực phẩm tươi sống. Tất cả các hành vi này diễn ra ngang nhiên mà không có bất cứ lực lượng hay cơ quan chức năng nào can thiệp.

Điều đó cho thấy, người dân chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của dịch bệnh. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm tập trung đông người như chợ truyền thống vẫn chưa thực sự nghiêm túc.

Qua quan sát thực tế diễn biến hàng ngày trong chợ, ông Nguyễn Văn Dương, nhân viên đội bảo vệ tại chợ truyền thống của thị trấn Quỳnh Côi nhận xét: "Vẫn còn một số bà con đi chợ chưa chấp hành tốt việc đeo khẩu trang hay là sát khuẩn. Và chúng tôi cũng đã nhắc nhở, tuyên truyền rất nhiều nhưng nhiều người ý thức chưa được cao".

van con tinh trang lo la, chu quan trong phong chong covid-19 hinh 2
Nhiều người dân đã có ý thức đeo khẩu trang khi đi chợ.

Tình hình tuân thủ phòng chống dịch Covid-19 cũng không mấy khả quan ở các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, phổ biến là tình trạng “3 không”: Không khẩu trang, không vệ sinh sát khuẩn và không thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa các gian hàng.

Mặc dù đã có những chế tài để xử lý vi phạm, xong đến nay, các lực lượng chức năng vẫn chưa thực sự áp dụng một cách nghiêm túc. Tất cả mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.

Ông Lê Văn Bách, thành viên Ban quản lý một khu chợ ở Thái Bình chia sẻ: "Địa phương đang dừng lại ở mức độ tuyên truyền các chế tài để người dân hiểu đến mức độ nguy hiểm chứ còn để xử phạt thì đúng là cũng chưa thực hiện được...".

Còn tại các bến xe khách của nhiều tỉnh thành trên cả nước, tình trạng chung không khó bắt gặp là rất nhiều người dân mặc dù có khẩu trang nhưng không đeo hoặc có đeo nhưng hạ xuống thấp dưới mũi cho thoáng mát. Không chỉ ở những thanh niên trẻ tuổi, điều này còn phổ biến ở cả những người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ được người lớn dắt đi cùng.

Khi được hỏi lý do vì sao không đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người, nơi công cộng, người thì né tránh không trả lời, người trả lời thì bao biện với rất nhiều kiểu lý do: Không có khẩu trang, vừa đang nói chuyện với cậu bé này nên không đeo hay vừa mới tháo ra...

Bến xe Giáp Bát là một trong những bến xe lớn của thành phố Hà Nội. Mỗi ngày, bến xe có công suất hàng trăm lượt xe, với một lượng khách không nhỏ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Dù đã có phổ biến qui định rõ ràng, các nhà xe cũng có yêu cầu mọi hành khách phải đeo khẩu trang. Thế nhưng, trước khi lên xe hoặc ngay sau khi xuống xe, nhiều người đều vô tư thản nhiên không chấp hành.

Ông Tạ Anh Tuấn – Điều hành Bến xe Giáp Bát cho biết: "Có một số hành khách chưa nắm bắt, hiểu rõ, hiểu sâu về dịch bệnh nên họ còn chủ quan. Nhưng về phía bến xe chúng tôi cũng đã tuyên truyền trên loa phát thanh, phát từ 7h30 sáng đến 18h tối. Chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà xe là nếu như hành khách đi xe mà không đeo khẩu trang là sẽ từ chối không cho lên xe".

Qua phóng sự trên đây có thể thấy rằng, trong khi cả hệ thống chính trị và nhân dân đang nỗ lực không ngừng với cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 thì một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chủ quan, chưa có ý thức phòng chống dịch bệnh để bảo vệ chính bản thân mình và những người xung quanh.

Nếu chỉ dựa vào việc kêu gọi ý thức người dân thôi vẫn chưa đủ. Một khi chế tài xử phạt đã có thì điều cần là cơ quan chức năng phải thực sự vào cuộc, mạnh mẽ và nghiêm khắc hơn nữa, bắt đầu từ những nơi tập trung đông người, dễ phát sinh lây lan dịch bệnh. Có như vậy, các biện pháp phòng chống dịch mới phát huy được hiệu quả./.


Huyền Trang/VOV.VN

https://vov.vn/tin-24h/van-con-tinh-trang-lo-la-chu-quan-trong-phong-chong-covid19-1083543.vov

  • Từ khóa