Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Huế, góp phần quyết định thắng lợi trọn vẹn của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám trong cả nước.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã phá tan xiềng xích của thực dân, phát xít, lật đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Sự kiện Bảo Đại thoái vị ngày 30/8/1945 tại Ngọ Môn Huế, đặt dấu chấm hết cho vương triều Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Đã 75 năm trôi qua, nhưng dấu ấn của những ngày quật khởi Cách mạng tháng Tám 1945 ở Huế mãi không phai mờ. Ở tuổi 92, ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, vẫn nhớ như in những ngày đầu tháng Tám năm 1945.
Ông Nguyễn Trung Chính nhớ lại Cách mạng tháng Tám. |
Ông nhớ lại, từ ngày 12/8/1945, các cuộc biểu tình, thị uy, biểu dương lực lượng đã diễn ra khắp nơi. Ngày 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa ban ra. Khí thế cách mạng của quần chúng sôi sục từ ngày 18 đến 22/8/1945, các xã, huyện đều giành chính quyền thắng lợi.
Nhớ lại những ngày lịch sử đó, ông Nguyễn Trung Chính cho hay, Thừa Thiên Huế vừa là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Do đó, cuộc khởi nghĩa ở đây có ý nghĩa và tác động sâu sắc đối với cả nước.
“Tư tưởng xuyên suốt của ta không phải cố dùng bạo lực, phải dùng sức mạnh quần chúng, tập hợp cho được đông đảo quần chúng. Mặt khác, bằng nhiều cách tác động vào triều Nguyễn thành một chính sách và trên cơ sở làm thế nào để giác ngộ được mọi người, kể cả đối phương hiểu được vấn đề này để hạn chế dùng bạo lực. Do đó, khởi nghĩa ở Huế trở nên êm đẹp. Yếu tố chính nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước tạo nên một sức mạnh" - ông Nguyễn Trung Chính kể lại.
Khi Bảo Đại quyết định thoái vị, ông trở thành vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, chế độ phong kiến chấm dứt tại Việt Nam. (ảnh: Tư liệu) |
Ngày 30/8/1945, trước Quảng trường Ngọ Môn, nhân dân Thừa Thiên Huế chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại khi Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến đọc “Chiếu thoái vị” và trao Ấn kiếm, biểu tượng của vương quyền nhà Nguyễn cho đại diện của Chính phủ lâm thời, chấm dứt sự thống trị của chế độ phong kiến triều Nguyễn và xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Chính quyền chính thức về tay nhân dân. Niềm vui vỡ òa bất tận.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Huế, góp phần quyết định thắng lợi trọn vẹn của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám trong cả nước.
Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, có lẽ trong lịch sử ở Việt Nam và trên thế giới, chưa có một ngày hội nào lớn và đẹp đến thế.
“Khi ông Cù Huy Cận, ông Nguyễn Lương Bằng, ông Trần Huy Liệu vào gặp ông Bảo Đại để chuẩn bị chuyện thoái vị, vua ra ngoài cửa chờ vào Điện Kiến Trung để làm việc. Trong chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, ông viết câu mà có lẽ lịch sử thế giới cũng hiếm có, thà làm Dân một nước độc lập còn hơn làm Vua một nước nô lệ. Ông thấy rằng, Cách mạng tháng Tám đưa tới độc lập, đó là một cuộc chuyển giao rất đẹp" - nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết./.
Lê Hiếu/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/cach-mang-thang-tam-o-hue-dau-cham-het-cho-che-do-phong-kien-1083326.vov