Nông sản Sơn La vươn ra “biển lớn“

Thứ 7, 22.08.2020 | 09:49:49
469 lượt xem

Hiện tại, Sơn La có 10.000 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận nông nghiệp an toàn Vietgap, globalgap... xuất khẩu đi 12 quốc gia.

Tỉnh Sơn La hiện là địa phương có diện tích cây quả lớn thứ 2 cả nước với gần 73.000 ha, sản lượng quả đạt 314.000 tấn, giá trị sản xuất cây ăn quả đạt hơn 1.500 tỷ đồng/năm. Nhiều sản phẩm trái cây của tỉnh không chỉ tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước mà đã xuất khẩu tới nhiều thị trường lớn, uy tín trên thế giới, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Thành tích này có được phần lớn nhờ những chủ trương kịp thời, đúng đắn của Tỉnh ủy Sơn La. Theo đó, toàn Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng gắn với lợi thế đất đai, lao động địa phương và thị trường tiêu thụ.

nong san son la vuon ra
Thanh Long ruột đỏ xuất khẩu sang Nga

Trên cơ sở quy hoạch các vùng trồng, người dân, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Sơn La được cấp ủy, chính quyền các cấp hỗ trợ trong suốt giai đoạn chuyển đổi và phát triển các mô hình, từ các khâu như giống, kỹ thuật chăm sóc cho đến thị trường tiêu thụ.

Không còn thanh long bán ra ngoài, doanh nghiệp đặt hàng từ rất sớm để xuất khẩu sang Nga, gia đình bà Tống Thị Thanh Hương cùng các thành viên của HTX Hoàng Ngọc, huyện Thuận Châu rất phấn khởi.

Vườn thanh long ruột đỏ hơn 1 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được cơ quan chuyên môn quản lý chặt chẽ quy trình chăm sóc, thu hái và cấp mã vùng trồng của gia đình đã được doanh nghiệp đặt mua trọn cả vườn với mức giá ổn định từ 20.000-30.000đ/kg.

nong san son la vuon ra
Xoài da xanh xuất khẩu đi Mỹ

“Đây là năm thứ tư gia đình trồng thanh long nhưng năm nay mới được xuất khẩu với khoảng 15 tấn. Quả thanh long đem lại hiệu quả kinh tế hơn khi được xuất khẩu sang Nga và sắp tới còn xuất sang cả Nhật Bản, gia đình rất vui mừng và phấn khởi” - bà Hương chia sẻ.

Cuối tháng 7 và tháng 8 này,  vựa nhãn Sông Mã đang là thời điểm chính vụ. Trong bối cảnh toàn cầu bị suy giảm kinh tế do đại dịch Covid-19 nhưng nhãn vẫn ùn ùn lên đường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ. Tại đây, các doanh nghiệp, tư thương Việt Nam, Trung Quốc đã liên kết với các HTX để thu mua nhãn xuất khẩu.

Từ 3 năm nay, vườn nhãn gần 2 ha của gia đình ông Lò Văn Pặn đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngay từ đầu vụ, nhãn đã được đặt mua với giá cao theo loại từ 10.000-20.000đ/kg. Vì không chỉ an toàn, nhãn hữu cơ rất ngọt, trái đẹp, ráo nước, róc vỏ.

Mấy năm nay ông Pặn bón toàn phân, thuốc hữu cơ vi sinh cho nhãn theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Hiệu quả rất khác biệt.

nong san son la vuon ra
Nhãn Sơn La tham gia các hội chợ.

“So với ngày trước trồng ngô, trồng sắn và các loại cây lương thực khác thì trồng nhãn sạch cho nguồn thu nhập ổn định hơn rất nhiều, giá nhãn không bị bấp bênh” - ông Pặn cho biết.

Sau những chuyến lặn lội tìm quả nhãn để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Công ty Phúc Lợi, tỉnh Bắc Giang đã quyết định ký hợp đồng bao tiêu hết sản phẩm với một số HTX ở huyện Sông Mã.

So sánh về quả nhãn ở đây với nơi khác, bà Đặng Thị Kim Tuyết, đại diện Công ty Phúc Lợi khẳng định: “Lần đầu tiên lên Sông Mã đóng nhãn để xuất khẩu, tôi thấy chất lượng nhãn ở đây cũng ngang với nhãn của Thái Lan, do vậy doanh nghiệp đã thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Trong 7 tháng của năm nay, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, tỉnh Sơn La đã chủ động điều chỉnh cơ cấu thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, phát triển thương mại điện tử. Do đó sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị xuất khẩu ước đạt 65,5 triệu USD, đạt 3 mục tiêu: được mùa, được giá, được thu nhập cho người dân.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La đã đề ra 7 chương trình trọng tâm với đầy đủ các lĩnh vực; nhiều nội dung Nghị quyết đã thực sự tạo nên đổi thay lớn cho đồng bào các dân tộc. 5 năm tỷ lệ giảm nghèo của địa phương này đều đạt hơn 3% một năm, trong đó có đóng góp không nhỏ của chương trình trồng cây ăn quả trên đất dốc và đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La phân tích về một trong những kinh nghiệm, cách làm của địa phương: "Quan trọng nhất là người đứng đầu và tập thể cấp ủy phải rất đoàn kết, phải nghiên cứu để ban hành những cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống. Đây là vấn đề mà tôi cho rằng rất quan trọng. Từ kết luận, chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, đội ngũ cán bộ phải vào cuộc rất quyết liệt và phân công, phân nhiệm rất cụ thể, sau đó có đôn đốc, có kiểm tra”.

Rõ ràng, Nghị quyết của cấp ủy các cấp tỉnh Sơn La, những chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống. Và chủ trương “Tiêu thụ, xuất khẩu nông sản” đã đem lại 3 lợi ích rõ rệt: Được mùa, được giá và thu nhập cho nông dân.

Điều đáng chú ý là Sơn La mới chỉ tham gia xuất khẩu nông sản bài bản trong 3 năm trở lại đây. Thành tích này có được phần lớn nhờ những chủ trương kịp thời, đúng đắn của Tỉnh ủy Sơn La và cả hệ thống chính trị./.


Tuyết Lan - Thanh Thủy/VOV.VN

https://vov.vn/kinh-te/nong-san-son-la-vuon-ra-bien-lon-1086350.vov

  • Từ khóa