Sâu sát nắm bắt, chủ động định hướng tư tưởng bộ đội

Thứ 2, 24.08.2020 | 09:56:18
1,302 lượt xem

Tư tưởng bộ đội thường khó nắm bắt, nhất là những biểu hiện tiêu cực tích tụ trong một thời gian nhất định. Do vậy, yêu cầu bám sát đời sống bộ đội để kịp thời nắm bắt, phát hiện diễn biến bất thường trong sinh hoạt, học tập của cán bộ, chiến sĩ đã và đang được Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả.

Giới thiệu về “Phiếu tự thuật”-một hình thức nắm tư tưởng hiệu quả ở đơn vị, Thiếu tá Đặng Bá Hưng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 692) chia sẻ: “Ngày đầu chiến sĩ về đơn vị, cán bộ các cấp từ tiểu đội đến đại đội hướng dẫn anh em viết đầy đủ thông tin lý lịch, hoàn cảnh gia đình, năng khiếu, sở trường, nguyện vọng, nickname trên mạng xã hội Zalo, Facebook. Trong đó, đặc biệt chú ý đến chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ đó, cán bộ đơn vị đối chiếu với hồ sơ quân nhân, các thông tin địa phương cung cấp để nắm và phân loại tư tưởng bộ đội ngay từ đầu”.

Sâu sát nắm bắt, chủ động định hướng tư tưởng bộ đội
Phút giải lao trên thao trường của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692.

Qua thông tin khai thác từ “Phiếu tự thuật”, mới đây chỉ huy Tiểu đoàn 6 nắm chắc được hoàn cảnh của Binh nhì Nguyễn Minh Khánh, chiến sĩ Tiểu đội 12, Trung đội 12, Đại đội 11. Gia đình Khánh rất khó khăn. Bố Khánh mất hai năm thì mẹ mắc bệnh hiểm nghèo đến nay đã 8 năm. Anh trai Khánh không hiểu vì lý do gì lại bỏ nhà đi hơn một năm trước khi Khánh nhập ngũ. Bởi thế, thời gian đầu vào đơn vị, Khánh hay trầm tư, kém hòa đồng, ít chia sẻ với đồng đội. Trong học tập, huấn luyện, sinh hoạt hằng ngày, Khánh thường không tập trung, kết quả thực hiện nhiệm vụ thấp. Nắm được hoàn cảnh đó, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm đến các biểu hiện tâm lý bất thường của Khánh; phân công đồng chí trung đội trưởng trực tiếp quan tâm, gặp gỡ, động viên. Nhờ vậy, Binh nhì Nguyễn Minh Khánh dần lấy lại tự tin, yên tâm công tác, tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Không những thế, Khánh còn tự tin thể hiện năng khiếu cá nhân, trở thành “cây văn nghệ” tiêu biểu của đơn vị.

Kết quả “Phiếu tự thuật” ở Trung đoàn 692 giúp đội ngũ cán bộ đơn vị chủ động hơn trong quản lý và giải quyết tư tưởng bộ đội. Hoàn cảnh gia đình một số chiến sĩ còn khó khăn, khiến bộ đội chưa thực sự yên tâm công tác. Theo Trung úy Phạm Văn Định, Trung đội trưởng Trung đội 12, Đại đội 11, muốn nắm chắc tư tưởng bộ đội, chỉ huy đơn vị phải kiên trì áp dụng nhiều biện pháp, tăng cường đối thoại dân chủ để cảm hóa chiến sĩ. Khi phân công, giao nhiệm vụ cho chiến sĩ phải từ dễ đến khó, xây dựng niềm tin cho anh em phấn đấu vươn lên. Khi chiến sĩ có thành tích phải kịp thời biểu dương, khuyến khích; có khuyết điểm thì chỉ bảo, uốn nắn tận tình, chu đáo; không nóng vội, chủ quan trong giáo dục bộ đội. Được biết, ngoài việc viết phiếu tự thuật và đăng ký sổ trích ngang theo quy định, mỗi cán bộ khung từ tiểu đội đến đại đội đều có sổ tay cá nhân để đăng ký, ghi chép lại những đặc điểm, hoàn cảnh riêng của từng chiến sĩ; kịp thời nắm chắc và xử lý các biểu hiện tư tưởng nảy sinh.

Theo Trung tá Đỗ Đình Tiến, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 692, tư tưởng bộ đội được bộc lộ rõ nhất qua thực hiện nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ khó khăn, đột xuất. Còn đối với chiến sĩ mới, ngày đầu làm quen với các chế độ nền nếp sinh hoạt, học tập theo thời gian, giờ giấc quy định của môi trường quân sự, không tránh khỏi bỡ ngỡ, dễ nảy sinh tư tưởng chán nản. Do đó, cùng với việc phát huy tốt vai trò các tổ công tác, như: Tổ 3 người, tổ tư vấn tâm lý-pháp luật, tổ chiến sĩ bảo vệ để nắm bắt tâm lý bộ đội, các cấp ủy, chỉ huy đơn vị luôn xác định, quản lý tư tưởng ở cấp trung đội là khâu rất quan trọng. Nếu cán bộ các cấp, nhất là trung đội trưởng chỉ nghe báo cáo gián tiếp thì không thể làm tốt công tác tư tưởng.

Vì vậy, trong công tác, huấn luyện và sinh hoạt, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 692 luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trung đội, tiểu đội thực hiện “3 cùng” với bộ đội. Quá trình sinh hoạt, học tập, rèn luyện phải mẫu mực làm gương, nói ít, làm nhiều, thông qua hành động, việc làm cụ thể để giáo dục, hướng dẫn bộ đội tự giác khép mình vào khuôn khổ, chấp hành nghiêm kỷ luật.

Được biết, bên cạnh việc duy trì nghiêm công tác huấn luyện, đơn vị còn thực hiện tốt Phong trào Thi đua Quyết thắng, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, tạo động lực thôi thúc chiến sĩ khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đại tá Phan Văn Chỉnh, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 301 đúc rút: “Đơn vị vận dụng sáng tạo các hình thức, như: Sinh hoạt tư tưởng, diễn đàn, tọa đàm, sinh nhật đồng đội, giao lưu văn nghệ. Qua đó nắm chắc đặc điểm tâm lý, trình độ văn hóa, phong tục tập quán vùng miền của bộ đội, lựa chọn nội dung hình thức tiến hành phù hợp; làm cơ sở xây dựng mối quan hệ cán binh, tinh thần đoàn kết, giải quyết tư tưởng, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.


Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN TUÂN/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sau-sat-nam-bat-chu-dong-dinh-huong-tu-tuong-bo-doi-632483

  • Từ khóa