Nhờ "cái chữ" của Đảng, bà con biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có cuộc sống mới hạnh phúc và cùng nhau giữ gìn, bảo vệ biên giới của Tổ quốc...
LTS: Để bà con thay đổi nhận thức, chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước xóa bỏ đói nghèo, vươn tới cuộc sống ấm no, huyện Sốp Cộp xác định trước hết mọi người dân đều phải biết chữ.
Từ đó, ngoài huy động trẻ ra lớp và phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, huyện đã tích cực mở các lớp xóa mù chữ cho người chưa biết chữ, với lực lượng nòng cốt là các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn.
Trong bài viết cuối của loạt bài: Gieo chữ là gieo hy vọng, chúng tôi chuyển tới bạn đọc quyết tâm xóa mù chữ của các cấp chính quyền và người dân nơi đây.
Chị em phụ nữ Sốp Cộp quyết tâm học chữ để hòa nhập, phát triển. |
Hơn 2.500 người dân được xóa mù chữ trong 4 năm qua ở Sốp Cộp. Đây là con số biết nói, thể hiện sự quyết tâm nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, chính quyền các cấp ở huyện biên giới đặc biệt khó khăn trong triển khai công tác xóa mù chữ.
Bà Tòng Thị Quyên, Phó trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Sốp Cộp cho biết, năm 2015, Sốp Cộp còn tới gần 4.500 người trong tổng số 28.000 người trong độ tuổi không biết chữ. Việc nhiều dân không biết chữ là trở ngại lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của hộ gia đình và địa phương.
Xác định tầm quan trọng của việc học chữ, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã chú trọng mở các lớp xóa mù chữ ở các xã, bản trên địa bàn. Để việc học chữ đạt hiệu quả cao, trở thành phong trào rộng khắp, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xóa mù chữ từ cấp huyện đến cấp xã, bản. Từng thành viên Ban chỉ đạo đều phải trực tiếp xuống tận hộ gia đình để tuyên truyền về những thiệt thòi khi không biết chữ và lợi ích của việc học chữ.
Riêng năm 2020, Sốp Cộp phấn đấu mở 34 lớp xóa mù chữ, với 878 học viên. |
“Mình sẽ phân tích cái thiệt thòi của họ, tại sao mình nuôi con thường còi cọc hơn người khác, là do mình không biết chữ; đã có những bà mẹ cho con uống nhầm thuốc do mình không biết chữ, không đọc được hướng dẫn sử dụng rồi. Hai là chúng tôi cũng phân tích tại sao đi cấy lúa mà lúa người ta tốt, lúa mình không tốt; rồi nương ngô bên cạnh vì sao thu hoạch chất lượng cao hơn, là bởi người ta biết chữ, biết tìm hiểu về giống, biết sử dụng phân bón; còn mình không biết chữ thì cứ vơ được giống nào trồng giống đấy thôi; rồi tại sao kinh tế mình không phát triển, người ta có mô hình phát triển, còn mình cũng có đất tại sao vẫn nghèo, là do mình không biết chữ”, bà Tòng Thị Quyên cho biết.
Từ thực tế địa bàn biên giới khó khăn, nguồn nhân lực còn hạn chế, huyện Sốp Cộp xác định phối hợp tốt với các đơn vị vũ trang đứng chân trên địa bàn trong triển khai công tác xóa mù chữ.
Thượng tá Trần Mạnh Cường, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Quân Khu II) cho biết, thực hiện chương trình phối hợp với huyện và triển khai dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng, giai đoạn 2010 - 2020”, hàng năm, đơn vị đều bố trí lực lượng, cử cán bộ trực tiếp đứng lớp dạy chữ cho đồng bào.
Cùng với chú trọng mở lớp xóa mùa chữ, huyện Sốp Cộp cũng sẽ chú trọng hơn nữa việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp và thực hiện phổ cập giáo dục đúng độ tuổi ở các bậc học. |
Riêng từ đầu năm đến nay, đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện và Ban chỉ đạo xóa mù chữ các xã: Mường Lạn, Mường Và, Sam Kha mở 5 lớp xóa mù chữ cho 125 học viên.
“Hiện nay rất nhiều bà con đã học qua các lớp xóa mù chữ của Đoàn 326 đảm nhiệm. Từ ngày bà con có con chữ về thì cuộc sống rất đổi khác. Ví dụ vào tuyên truyền, vận động bà con di chuyển trâu bò ra khỏi gầm sàn chẳng hạn, thì giờ rất thuận lợi. Trước đây bà con không biết chữ, không biết tiếng Kinh, triển khai nội dung gì trong đồng bào cũng khó”, thượng tá Trần Mạnh Cường chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy-Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, trung tá Lò Văn Bình cũng cho biết, ngoài thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền và an ninh biên giới, thời gian qua, đơn vị đã cử 2 cán bộ đi tập huấn thêm nghiệp vụ sư phạm, qua đó, hàng năm đều phối hợp tổ chức các lớp xóa mù chữ trên địa bàn phụ trách. Hiện nay, Đồn cũng đang duy trì 2 lớp xóa mù chữ tại bản Hua Lạnh và Huổi Hịa, Xã Nậm Lạnh.
“Được Phòng giáo dục với bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh dạy xóa mù cho, bà con ý thức rất tốt, chịu khó học hỏi. Và khi biết chữ rồi thì bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế. Đặc biệt là gần đây bà con đã biết áp dụng kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc rất hiệu qủa”, trung tá Lò Văn Bình cho hay.
“Sáng mắt, sáng lòng” nhờ cái chữ của Đảng, bà con sẽ biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. |
Từ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp huyện đến xã, bản, tỷ lệ người dân độ tuổi từ 15 đến 60 chưa biết chữ đã giảm mạnh. Tuy nhiên, thống kê đến đầu năm, số người trong độ tuổi ở Sốp Cộp chưa biết chữ và biết chữ, nhưng tái mù trở lại vẫn còn hơn 3.700 người.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp Tòng Thị Kiên, việc xóa mù chữ ở Sốp Cộp còn gặp không ít khó khăn, nhất là khi HĐND tỉnh Sơn La bãi bỏ Nghị quyết về việc quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020. Song, bằng nhiều giải pháp quyết liệt và linh hoạt, Sốp Cộp sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả chương trình xóa mù chữ và chống tái mù chữ trong thời gian tới.
“UBND huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của việc học tập. Đặc biệt là các đối tượng còn mù chữ thì sẽ phải huy động đi học bằng được. Hai là chúng tôi sẽ bố trí đội ngũ giáo viên ở bậc tiểu học vừa tham gia giảng dạy chính khóa, vừa tham gia lớp xóa mù chữ. Rồi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ này. UBND huyện cũng sẽ làm tốt công tác tuyên dương khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác xóa mù chữ. Ngoài ra, huyện cũng sẽ kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia công tác xã hội hóa trong chương trình xóa mù chữ trên địa bàn”, bà Kiên nói.
Không biết chữ là một thiệt thòi lớn, cản trở sự tự chủ, tiến bộ của mỗi cá nhân, bởi với sự bùng nổ của Internet như hiện nay, chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi người đã có thể nắm bắt được kho tàng kiến thức nhân loại; biết được thông tin ở mọi nơi trên thế giới. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, một người không biết đọc, biết viết đồng nghĩa với việc người đó chỉ suốt đời quanh quẩn trong thế giới của riêng mình, khó có thể hòa nhập với xã hội.
Vì lẽ đó, bà Tòng Thị Kiên khẳng định, cùng với đẩy mạnh xóa mù chữ, hàng năm, Sốp Cộp sẽ chú trọng hơn nữa việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp và thực hiện phổ cập giáo dục đúng độ tuổi ở các bậc học. Bằng quyết tâm dạy “đuổi” từ tuổi nhỏ lên, dạy “vây” từ tuổi trên xuống, đến một ngày, mọi người dân ở Sốp Cộp sẽ đều biết chữ.
“Sáng mắt, sáng lòng” nhờ cái chữ của Đảng, bà con sẽ biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, gây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc và cùng nhau giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc./.
Tuyết Lan-Thu Thùy-Đức Anh/VOV.VN