Nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại luôn đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong mọi chặng đường cách mạng của dân tộc.
Ngày 28/8/1945, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng được thành lập và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt và chỉ đạo trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Từ thời điểm đó, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại luôn đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong mọi chặng đường cách mạng của dân tộc, trở thành 4 trụ cột quan trọng, góp phần đưa đất nước giành được thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước ta. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Nhật Thành. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi vai trò của công tác đối ngoại như một vũ khí quan trọng để bảo vệ lợi ích dân tộc. Người từng nói: “Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu, thứ hai là đánh bằng ngoại giao, thứ ba mới đánh bằng binh”. Thông cáo về chính sách đối ngoại của Bộ Ngoại giao được ban hành 1 tháng sau khi nước Việt Nam tuyên bố độc lập đã khẳng định “mong muốn hòa bình, thân thiện, thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng tương ái và khẳng định bảo vệ cho nền độc lập của Việt Nam”.
Chủ tịch, Bộ trưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào việc kiến tạo mối quan hệ với các nước và thực hiện các cuộc đàm phán để nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được công nhận. Trong suốt 30 năm, kể từ thành lập, phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, ngành ngoại giao đã thực hiện những phương châm cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để góp phần đưa đất nước vượt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chiến thắng thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, chiến thắng đế quốc Mỹ với Hiệp định Geneve năm 1973 và thống nhất đất nước năm 1975.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng: "Tư tưởng Hồ Chí Minh bao trùm lên tất cả hoạt động ngoại giao của chúng ta, từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và bây giờ là nước CHXHCN Việt Nam, đặc biệt là những thời điểm đàm phán, tức là tiến từng bước cho đến khi có được kết quả cuối cùng. Một điều quan trọng Bác dạy là Dĩ bất biến, ứng vạn biến, tức là những điều chúng ta có thể thỏa hiệp được thì chúng ta thỏa hiệp, nhưng mà cái cốt lõi thì chúng ta không bao giờ thỏa hiệp".
Bước vào giai đoạn kiến thiết, xây dựng đất nước, nhất là khi thực hiện công cuộc Đổi mới sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Ngoại giao đã góp phần phá thế bao vây, cấm vận, mở ra vận hội mới cho đất nước.
Nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan nhớ lại thời điểm ấy: "Trước đó, mình nằm trong cục diện quốc tế của Chiến tranh lạnh, tức là phe bên này chống phe bên kia, đang đi đến chỗ sắp kết thúc. Mình kiến nghị chuyển sang chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa, vừa hợp tác, vừa đấu tranh làm sao bảo vệ lợi ích dân tộc là cao nhất. Chính cái đó là cú hích để chúng ta mở rộng quan hệ với tất cả các nước và mở ra khẩu hiệu Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác với các nước trên thế giới".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, tháng 2/2019. |
Trong suốt 75 năm qua, thực hiện đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ”, Việt Nam ngày nay đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 nước, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn và các nước láng giềng quan trọng, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, tham gia nhiều liên kết quốc tế quan trọng như APEC, ASEM,… Việt Nam đã ký kết hơn 90 hiệp định thương mại song phương và 60 hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại đa phương lớn như CPTTP, RCEP….mở ra cơ hội hội nhập của Việt Nam với thế giới cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân dân. Ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành và bước vào thời kỳ hội nhập toàn diện với một vị thế mới.
Bộ trưởng Ngoại giao - Phạm Bình Minh. |
Những thành quả ấy chính là nhờ phát huy được những bài học Ngoại giao quan trọng được đúc kết. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định: "Có 3 bài học lớn mà chúng ta đúc kết được. Thứ nhất đó là kiên định đường lối độc lập, tự chủ, lấy lợi ích dân tộc là trên hết, thực hiện một cách linh hoạt theo đúng phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đó là dĩ bất biến, ứng vạn biến. Bài học thứ 2 là phải nhanh nhạy, nắm bắt được thời cơ, đánh giá đúng tình hình cục diện của thế giới để có thể đề xuất đúng đắn những chủ trương, đường lối của chính sách đối ngoại. Bài học thứ 3 là giữ bản sắc dân tộc, nền văn hóa của chúng ta hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình sẽ tạo nên sức mạnh của chúng ta".
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức đối ngoại mới. Những căng thẳng trên Biển Đông, bất ổn chính trị ở nhiều nước, khủng bố, cạnh tranh các nước lớn, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh và sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, tất cả tạo ra những thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ luôn kiên định thực hiện đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, trên các nguyên tắc: lợi ích quốc gia dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc cao nhất và là bạn với tất cả các nước, tích cực, đóng góp xây dựng định hình luật chơi chung, đồng thời xử lý cân bằng hài hòa các mối quan hệ, không tham gia liên minh phương hại tới nước khác. Việt Nam sẽ luôn mở rộng cánh cửa cho dòng chảy của hòa bình hữu nghị toàn thế giới./.
Châu Anh/VOV.VN