Mong đợi gì từ tân Giám đốc Kỹ thuật VFF?

Thứ 6, 04.09.2020 | 09:17:53
531 lượt xem

Cùng thời điểm Đoàn Văn Hậu về nước, bóng đá Việt Nam đón tân Giám đốc Kỹ thuật Yusuke Adachi. Hai sự kiện có vẻ không liên quan nhưng kỳ thực cũng có những liên hệ nhất định.

Adachi sinh năm 1961, được biết đến là một trong những giảng viên HLV ưu tú (Elite) của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ông là thầy của nhiều HLV thuộc thế hệ cầu thủ danh tiếng tại Việt Nam như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Quang Trường, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Minh Phương..., khi được AFC bổ nhiệm là giảng viên khóa đào tạo HLV bóng đá chuyên nghiệp AFC năm 2017.

Adachi sinh năm 1961, được biết đến là một trong những giảng viên HLV ưu tú (Elite) của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ông là thầy của nhiều HLV thuộc thế hệ cầu thủ danh tiếng tại Việt Nam như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Quang Trường, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Minh Phương..., khi được AFC bổ nhiệm là giảng viên khóa đào tạo HLV bóng đá chuyên nghiệp AFC năm 2017.

Sự trưởng thành của Đoàn Văn Hậu, đặc biệt là trên phương diện thi đấu quốc tế, khởi đầu từ việc anh được triệu tập vào đội U19 Việt Nam năm 2016 khi chưa đầy 17 tuổi. Hậu vệ trái này ngay lập tức được HLV Hoàng Anh Tuấn chọn làm trụ cột ở các chiến dịch U19 Đông Nam Á, U19 châu Á và U20 World Cup. Việc Văn Hậu trưởng thành trước tuổi, rõ ràng, không phải đợi đến khi HLV Park Hang-seo sang Việt Nam. Sau này, dù trực thuộc đội tuyển quốc gia, mỗi khi có dịp Văn Hậu vẫn ghé thăm thầy cũ Hoàng Anh Tuấn, khi ông làm việc ở U19 Việt Nam. Là cầu thủ, Văn Hậu biết rõ anh thành công từ đâu.

Nhắc đến Hoàng Anh Tuấn, tất nhiên không thể quên Jurgen Gede - Giám đốc Kỹ thuật của VFF giai đoạn 2016-2020. Cả hai con người này, chỉ sau một thất bại, đều nhanh chóng rời VFF. Trong cơn thịnh nộ từ công chúng, ít ai quan tấm đến một điều rất quan trọng liên quan đến công việc của họ với bóng đá trẻ: Kết quả của họ không phải xác định dựa trên thành tích, mà là khả năng định hướng. Nếu đội ngũ tài năng trẻ do họ chọn lựa và giới thiệu đạt chất lượng cao, thì nó sẽ giúp bóng đá Việt Nam tính toán được tham vọng cho tương lai. Đại loại, trình độ cầu thủ thế này thì có thể nghĩ đến chuyện này, mục tiêu kia. Ngược lại, nếu đội ngũ dưới tay họ yếu kém, thì đấy là lời cảnh báo cho một giai đoạn thấp điểm kế tiếp của nền bóng đá. Bản thân những người như ông Tuấn, ông Gede không liên quan đến công lao về việc đào tạo cầu thủ trẻ. Rồi khi đội tuyển quốc gia hay U23 thành công, họ cũng chẳng cần được tôn vinh. Công việc của họ mang tính dự báo. Họ làm tốt, người khác có thể mơ mộng. Họ làm chưa tốt, thì cũng biết để có giải pháp về sau.

Nhưng thực tế, công lao của những người có vai trò thầm lặng như vậy đôi khi chẳng được quan tâm, chỉ vì họ thất bại ở một giải đấu nào đó. Trong lịch sử phát triển của VFF, trước ông Adachi, mới có hai Giám đốc Kỹ thuật. Đầu tiên là Rainer Willfeld, giai đoạn 2000-2004. Thứ hai là Gede. Cả hai đều là người Đức, nơi có nền bóng đá phát triển bật nhất về tính khoa học và hệ thống. Công việc cụ thể của họ, về lý thuyết, chỉ VFF mới đánh giá chính xác tính hiệu quả. Nhưng nếu quan sát một cách đơn giản, ở thời gian hai ông này làm việc, bóng đá Việt Nam chứng kiến hai lứa cầu thủ được xem là "thế hệ vàng", thuộc các giai đoạn 2002-2008 và 2017- đến nay.

Hoàn toàn không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Năm 2003, HLV Alfred Riedl chính thức giới thiệu một thế hệ mới tinh ở SEA Games. Họ đóng vai trò trụ cột ở cả U23 lẫn đội tuyển. Hồi đá SEA Games, người lớn nhất chưa đủ 23 tuổi, người nhỏ nhất chỉ 17 tuổi, đó cũng là lúc bóng đá Việt Nam vô cùng hào hứng bàn về cuộc lật đổ bóng đá Thái Lan nhờ niềm tin vào thế hệ trẻ. Khi đó, hệ thống giải U17, U19 còn chưa do VFF điều hành trực tiếp. Tài năng trẻ chủ yếu từ các địa phương đề cử lên. Một mình Rainer Willfeld với chiếc máy quay phim cầm tay đi khắp cả nước, để tập hợp toàn bộ các cầu thủ trẻ xuất sắc bằng... băng ghi hình. Đó cũng là lúc Việt Nam bắt đầu thành lập các đội tuyển U19 Quốc gia để tham dự giải vô địch U19 Đông Nam Á lần thứ nhất năm 2002, rồi giải vô địch châu Á cùng năm, trước khi Alfred Riedl đưa họ thăng hoa và Henrique Calisto kết thúc với chức vô địch AFF Cup 2008.

Sau khi Rainer Willfeld hết hợp đồng, 12 năm sau VFF mới lại bổ nhiệm một Giám đốc Kỹ thuật - Gede, dù mục đích ban đầu là để thỏa mãn các yêu cầu của AFC. Ngay lập tức, bóng đá Việt Nam xuất hiện thế hệ cầu thủ xuất sắc thứ hai, thăng hoa ngay khi chỉ mới qua 20 tuổi. Phải đến lúc đó, người ta mới nhận ra tầm quan trọng của vị trí này. Đây có thể là lý do VFF bổ nhiệm ngay lập tức Adachi sau khi Gede hết hợp đồng. VFF đã phần nào thay đổi nhận thức về cái gọi là "chiến lược dài hạn".

Đấy là điều đáng tiếc của bóng đá Việt Nam. Thời Willfeld còn làm, nếu ông này không trưng ra tấm bằng HLV có giá trị ngang với các HLV đội tuyển Đức khi đó, có lẽ VFF cũng chưa "phong" cho ông là Giám đốc Kỹ thuật. Khi đó, lương và chế độ của Willfeld đều không do VFF trực tiếp trả. Vì thế mà chẳng ai thật sự biết rõ Willfeld đã đóng góp những gì, và bóng đá Việt Nam đã đánh mất những gì sau một thời gian dài không có vị trí cực kỳ quan trọng của nền bóng đá này.

Hãy trở lại với câu chuyện của Đoàn Văn Hậu. Chuyến Tây du sang Hà Lan là Được hay Mất, cần có thời gian mới trả lời được. Mọi đánh giá lúc này đều dễ dẫn đến tranh cãi. Nhưng có một điều chắc chắn, chuyến đi đó chỉ có thể xem là thành công nếu bây giờ anh vẫn tiếp tục ra nước ngoài thi đấu chứ không phải về lại Việt Nam đá V-League. Dù bất kỳ lý do nào đi nữa, giá trị của Văn Hậu cũng bị giảm sút. Không thể lấy việc tăng thêm 50.000 USD trên trang định giá transfermarkt để cho rằng cầu thủ này "lên giá". Sang Tây đến một năm, mà chỉ tăng chừng đó, chẳng khác gì dậm chân tại chỗ.

Chuyến đi của Văn Hậu là một trong những lý do mà bóng đá Việt Nam, đặc biệt là ở cấp CLB, cần có những Giám đốc Kỹ thuật thực thụ. Họ không phải là người phát hiện tài năng, họ cũng chẳng đem lại cho cầu thủ những lợi ích tài chính hay những bản hợp đồng hấp dẫn như người đại diện, nhưng Giám đốc Kỹ thuật là người thiết lập lộ trình cho một cầu thủ, một CLB có thể bảo đảm được thành công trong tương lai. Nếu Hà Nội FC có một Giám đốc Kỹ thuật, có thể lộ trình của Văn Hậu thay vì sang Hà Lan quá sớm, sẽ bắt đầu từ một giải vô địch châu Á nào đó có mối quan hệ tốt với các kênh chuyển nhượng ở châu Âu. Những Giám đốc Kỹ thuật luôn có cái nhìn tỉnh táo, mang tính dài hạn. Đó là công việc của họ, và đó cũng là lý do mà mọi nền bóng đá phát triển đều luôn cần có một vị trí xây dựng kế hoạch, thiết lập tầm nhìn thuần túy chuyên môn như vậy.

Cũng vì vậy mà việc bổ nhiệm một vị trí Giám đốc Kỹ thuật như Adachi chỉ là điều kiện cần. Adachi có thành công hay không, lại cần một điều kiện quan trọng khác: Sự thay đổi ở các hệ thống bên dưới VFF. Ông có đưa ra bất kỳ chiến lược phát triển bóng đá trẻ nào, mà hệ thống thi đấu các giải U17, U19 của Việt Nam vẫn như cũ, các CLB vẫn tiếp tục khuyết vị trí Giám đốc Kỹ thuật, các tuyến trẻ của CLB vẫn tiếp tục hoạt động trong điều kiện thiếu thốn về dinh dưỡng, cơ sở vật chất... thì Adachi rồi cũng như Willfeld hay Gede mà thôi.

Muốn Adachi được việc, phải có thêm những trung tâm kiểu như PVF, nơi dám thuê cả "Phù thủy danh trắng" Philippie Troussier làm kiến trúc sư chỉ để cho công tác đào tạo.

Tầm nhìn ấy, có mấy CLB ở V-League đủ sức theo?


Song Việt/vnexpress.net

https://vnexpress.net/mong-doi-gi-tu-tan-giam-doc-ky-thuat-vff-4156235.html

  • Từ khóa