Bệnh nhân nhập viện muộn, bác sĩ chẩn đoán nhầm, độc tố ngấm sâu, không có thuốc kháng độc sẵn... là nguyên nhân khiến khó chữa ngộ độc botulinum.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc - người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cơ chế gây độc botulinum là độc tố di chuyển trong máu, tấn công thần kinh ngoại biên, làm liệt các cơ đối xứng hai bên. Người bệnh bị liệt dần từ trên xuống dưới, bắt đầu từ cơ mi mắt gây sụp mi, tới cứng miệng, ăn, nuốt khó, rồi lan dần xuống tay, chân. Cuối cùng, cơ hô hấp mất chức năng, người bệnh không thể tự thở dù đầu óc minh mẫn, tỉnh táo.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc - người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, TP HCM. Ảnh: Thư Anh.
Nguyên nhân chính khiến độc tố này trở thành bài toán khó với y học, là bởi rất hiếm gặp ở Việt Nam. Nhiều chuyên gia y tế xác nhận, khoảng 30-40 năm qua bệnh không xuất hiện, hoặc có nhưng rải rác, không được ghi chép. Các bác sĩ tìm hiểu bệnh chủ yếu qua y văn. Các chuyên gia truyền nhiễm nhiều năm kinh nghiệm, lần đầu tiếp cận cũng chẩn đoán nhầm với các bệnh cảnh khác như nhược cơ, viêm tụy...
Muốn chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa vào nhiều yếu tố như điều tra dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm và nuôi cấy phân lập vi khuẩn... Bác sĩ Hảo cho hay, từ khi xuất hiện bệnh nhân đầu tiên, mất hơn một tháng, khi có kết quả xét nghiệm chắc chắn, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, mới công bố rộng rãi thông tin.
Vì bệnh hiếm, Việt Nam không sản xuất cũng như không tích trữ sẵn loại huyết thanh giải độc tố đã sử dụng trên thế giới là Botulism Antitoxin Heptavalent. Việc nhập thuốc từ nước ngoài về mất khá nhiều thời gian. Trong khi đó, giai đoạn vàng để huyết thanh phát huy hiệu quả tối đa chỉ có ba ngày đầu tiên kể từ khi trúng độc.
Bác sĩ Hảo cho biết, tất cả bệnh nhân đều nhập viện trễ, cộng thêm thời gian bác sĩ chưa tìm ra căn nguyên bệnh nên thường quá thời gian điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng độc tố. Chất độc phát tác mạnh, làm tổn thương nghiêm trọng tế bào thần kinh.
Khi không kháng được độc tố, chỉ còn cách duy nhất là chờ các tế bào thần kinh đã nhiễm độc già cỗi, chết đi, đào thải chất độc và tái sinh tế bào mới khỏe mạnh. Tùy vào thể trạng và mức độ nhiễm độc của từng người mà giai đoạn tái sinh tế bào từ một đến ba tháng. Nhiệm vụ của y tế là kéo dài sự sống cho bệnh nhân, bằng cách hỗ trợ bệnh nhân thở máy... chờ quá trình tái sinh này hoàn thiện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận điều trị hai chị em bị ngộ độc pate Minh Chay từ giữa tháng 7. Họ đã nằm viện hơn một tháng rưỡi. Người chị (57 tuổi) tiên lượng rất nặng. Bà liệt và lệ thuộc máy thở hoàn toàn để duy trì sự sống. Người em gái (54 tuổi) hồi phục tốt hơn, cai thở máy trước.
Hai chùm ca ngộ độc khác tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều cần một tháng để tự thở. Trong đó ba người bạn ở Đồng Nai và Vũng Tàu, độ tuổi 20-24 phải thở máy một tháng. Hai vợ chồng ở Khánh Hòa, thở máy trường kỳ từ ngày 24/7 đến nay...
Một lọ pate Minh Chay bị thu hồi vì nghi nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinumtyp B. Ảnh: Thư Anh.
Bất cập của thở máy trong thời gian dài, là mang đến nhiều nguy cơ khác cho người bệnh. Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP HCM cho biết, bệnh nhân thở máy dễ bị biến chứng viêm phổi, tổn thương phổi. Đặc biệt là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền, phải nằm liệt lâu, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện khó tránh khỏi, có thể tử vong.
"Bệnh nhân tử vong có thể không phải do riêng botulinum, nhưng nó chắc chắn là nguyên nhân khơi mào", bà Lan nói.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, khẳng định: "Nếu có thuốc giải độc thì quá trình điều trị sẽ dễ dàng hơn nhiều. Thời gian liệt ngắn lại bao nhiêu, cơ hội sống của người bệnh dài ra bấy nhiêu".
Trong trường hợp điều trị không đặc hiệu, ngoài hỗ trợ thở máy trong suốt quãng thời gian chờ bệnh nhân hồi phục, biện pháp tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin nhóm B, tập vật lý trị liệu, lọc máu, thay huyết tương năm lần cách nhật cũng rất quan trọng. Người bệnh cần được theo dõi sát để hạn chế tối đa biến chứng mà độc tố có thể gây ra.
Hiện, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị 6 ca ngộ độc botulinum. Các bác sĩ đã có kinh nghiệm nên với bệnh nhân mới, các biến chứng được kiểm soát tốt hơn, diễn tiến bệnh khả quan hơn. Sau 10 ngày nhập viện, sinh hiệu bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, sức cơ tăng nhưng còn yếu.
Các chuyên gia khuyên người dân đã ăn pate Minh Chay, nên đến cơ sở y tế kiểm tra nếu có dấu hiệu bất thường. Đặc biệt những ai có biểu hiện khàn giọng, sụp mi mắt thì đến ngay bệnh viện được can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, người dân cũng không nên quá lo lắng mà "tuyệt giao" với đồ hộp. Chỉ cần lưu ý không sử dụng sản phầm hết hạn, bị phồng rộp, hoặc sản xuất thủ công. Tốt nhất nên nấu chín sản phẩm trước khi sử dụng.
Ngày 29/8 Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo khẩn về pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum tuýp B sinh độc tố botulinum khiến ít nhất 9 người trên cả nước nhập viện. Hầu như các bệnh nhân đều tình trạng nặng, liệt cơ, thở máy... Sản phẩm do Công ty Lối Sống mới, trụ sở tại Hà Nội, sản xuất, chỉ bán hàng qua kênh online. 1.290 người tại TP HCM, 1.200 người Hà Nội được xác định đã mua các loại sản phẩm của công ty này. Nhà chức trách các địa phương đang thu hồi sản phẩm, song chỉ mới thu hồi khoảng 10%.
Thư Anh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/vi-sao-ngo-doc-botulinum-kho-chua-4156586.html