Với Đài Tiếng nói Việt Nam, tiến trình chuyển đổi IP là con đường hợp lý, thuận logic, tạo bước nhảy vọt về công nghệ trong môi trường cạnh tranh truyền thông.
Giao thức Internet hay IP (Internet Protocol) là trái tim của Internet. IP là giao thức phổ biến được sử dụng cho mọi loại dữ liệu truyền trên Internet và các mạng riêng của Internet. Với Đài Tiếng nói Việt Nam, tiến trình chuyển đổi IP là một con đường hợp lý và thuận logic, tạo ra một bước nhảy vọt về công nghệ trong môi trường cạnh tranh truyền thông hiện nay.
Các kỹ sư, kỹ thuật viên, phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN luôn thích ứng và làm việc tốt trong môi trường conog nghệ mới.
Kỷ nguyên của IP
IP đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực phát thanh truyền hình. Nó tạo ra sự thay đổi về cơ bản cách thức sản xuất, quản lý và phân phối tín hiệu trong toàn bộ các đàiphát thanh truyền hình cung cấp một cách có hiệu quả về kinh tế cho các ứng dụng chuyên biệt như trong lĩnh vực kỹ thuật âm thanh số chuyên nghiệp. Sản xuất và phân phối âm thanh qua IP (AoIP) chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ IP để tạo ra các thiết bị mới thay thế cho các bàn trộn âm thanh, bộ định tuyến và bộ mã hóa/giải mã(tương đối đắt tiền, đòi hỏi chi phí bảo trì bảo dưỡng lớn) đang được sử dụng các studio phát thanh truyền thống.
Vào những năm 1980, Synclavier làm việc tại New England Digital đã tạo ra một cỗ máy ấn tượng khiến chủ nhân của nó phải trả giá hơn nửa triệu đô la để có thể ghi âm và biên tập âm thanh. Ngày nay, một chiếc máy tính cá nhân giá chỉ vài trăm đô la đã có khả năng như thế và thậm chí còn hơn thế nhiều.
Các kỹ sư, kỹ thuật viên, phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN luôn thích ứng và làm việc tốt trong môi trường conog nghệ mới.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, AoIP còn mang lại những lợi ích quan trọng khác như: khả năng dễ dàng thích ứng với mọi sự phát triển và các cấu hình khác nhau; cài đặt dễ dàng và nhanh chóng; Tích hợp chặt chẽ với công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin, cho phép tiếp cận với các tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị hiện đại một cách nhanh nhất với chi phí rẻ nhất.Kết hợp tất cả các yếu tố này lại với nhau, AoIPlà một đề xuất giá trị khó có thể bỏ qua khi cần cân nhắc các lựa chọn cho việc thiết kế studio mới hoặc nâng cấp các studio hiện có.
Điều này không có nghĩa là không có một số thách thức. Một trong những thách thức đó là độ trễ do quá trình đóng gói dữ liệu âm thanh thành các gói IP gây ra hay ít nhất là vào thời điểm hiện tại, các thiết bị IP của các nhà cung cấp khác nhau vẫn chưa hoàn toàn có thể kết hợp được với nhau, làm hạn chế số lượng nhà cung cấp thiết bị IP cho mỗi hệ thống. Chuyển đổi sang IP cũng yêu cầu các kỹ sư quản lý và bảo trì hệ thống vốn đã quen với các hệ thống số hay tương tự phải được đào tạo lại về kỹ thuật mạng IP để có những hiểu biết cơ bản về công nghệ IP. Phải tin học hóa các kỹ sư điện tử, âm thanh, nhưng cũng cần thận trọng để họ không trở thành các kỹ sư tin học.
Theo các đánh giá của các nhà làm phát thanh truyền hình, việc triển khai hệ thống IP làm nhiều người hài lòng, từ kỹ sư đến các biên tập viên, phóng viên. Chi phí xây dựng và vận hành trên nền tảng và cấu trúc IP đã giảm đáng kể và làm tăng tính linh hoạt.
Ứng dụng audio IP tại Đài Tiếng nói Việt Nam
Lịch sử 75 năm phát triển và trưởng thành của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) luôn đồng hành, tiếp cận và ứng dụng các công nghệ được coi là ‘mới nhất” của mỗi thời kỳ. Đến bây giờ có thể nói, công nghệ sản xuất chương trình phát thanh của Đài TNVN đã trải qua cả tương tự (Analog), số (Digital) và IP.
Từ ngày thành lập cho đến năm 2000, công nghệ chủ đạo trong dây truyền sản xuất và truyền âm các chương trình phát thanh là công nghệ analog. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn , nhưng cũng rất đáng tự hào của các cán bộ kỹ thuật tại Đài Bá âm, sau đó là Trung tâm âm thanh. Trước năm 1986, thiết bị âm thanh chủ yếu là sử dụng các linh kiện điện tử chân không (Vacnum Tube). Các studio và Tổng khống chế chỉ liên kết với nhau thuần túy về tín hiệu âm tần, không có một hệ thống thiết bị đồng bộ, thống nhất đúng nghĩa của một tòa nhà phát thanh.
Năm 1986, theo nghị định thư được ký kết giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Hungary về việc xây dựng công trình 1286, lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam có một hệ thống thiết bị phát thanh hiện đại, đồng bộ theo đúng cấu trúc và tiêu chuẩn của Châu Âu khi đó. Mặc dù vẫn dựa trên công nghệ Analog, nhưng chúng ta đã bán dẫn hóa được toàn bộ các thiết bị âm thanh và các thiết bị phụ trợ khác.
Năm 2000, sau 14 năm vận hành tòa nhà phát thanh theo công nghệ và kỹ thuật của Hungary, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định đổi mới cơ bản hệ thống thiết bị sản xuất và truyền âm các chương trình phát thanh theo công nghệ số dựa trên nền tảng mạng máy tính âm thanh. Năm 1995, Đài TNVN bắt đầu đưa vào khai thác các trạm âm thanh số đầu tiên dựa trên máy tính PC, lắp đặt và đưa vào khai thác một trung tâm tin hiện đại sử dụng hệ thống ghi âm, biên tập âm thanh và tin bài dựa trên máy tính trung tâm Mainframe. Đây là hệ thống thiết bị đồng bộ để thu thập và sản xuất tin bài đầu tiên của Đài TNVN. Đồng thời, thay thế các thiết bị thu nhạc theo hướng lai giữa công nghệ digital và công nghệ Analog tại studio thu nhạc.
Mất 10 năm nghiên cứu, tìm tòi và thử nghiện với những bước đi thận trọng, nghiêm túc và khoa học, Đài TNVN đưa vào khai thác hai trạm Dalet đầu tiên cho sản xuất và truyền âm chương trình Âm nhạc-Giải trí. Đến năm 2003bắt đầu sử dụng trên diện rộng hệ thống mạng máy tính và số hóa các studio cho dây chuyền sản xuất và truyền âm cho tất cả các hệ phát thanh đối nội. Việc đưa và khai thác hệ thống Dalet và các studio, Tổng khống chế theo công nghệ Digital được coi là cuộc cách mạng về tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2005 Đài TNVN đưa hệ thống mạng máy tính Netia phục vụ cho việc sản xuất và truyền âm cho tất cả các hệ phát thanh đối ngoại (VOV5) và số hóa 90% các studio sản xuất, truyền âm và thu nhạc.
Để phục vụ cung cấp tư liệu cho cả các hệ thống đã được mạng hóa, đồng thời đáp ứng được nhu cầu lưu trữ dài hạn các tư liệu âm thanh (trong đó có rất nhiều tư liệu hiếm và quí) của Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 2007 đã bắt đầu tiến hành số hóa và lưu trữ số các tư liệu âm thanh.Như vậy, có thể nói đến năm 2007, về cơ bản Đài Tiếng nói Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn số hóa, và sản xuất số trên tất cả các công đoạn của toàn bộ dây chuyền, từ thu thập tin bài, sản xuất âm nhạc, sản xuất và truyền âm các chương trình phát thanh đến lưu trữ tư liệu.
Ngay từ những năm đầu tiên của thập niên 2000, các cán bộ kỹ sư của Trung tâm Âm thanh (nay là Trung tâm sản xuất và lưu trữ chương trình) đã trăn trở với câu hỏi lớn là xu hướng tiếp theo trong sản xuất chương trình là gì? Không quá khó để nhận thấy hai xu hướng mang tính thời đại là công nghệ âm thanh trên giao thức IP và sản xuất chương trình đa phương tiện.Do sự phát triển rất nhanh của Internet, công nghệ âm thanh trên giao thức IP (gọi tắt là AoIP) là một giải pháp tất yếu để các nhà sản xuất thiết bị phát thanh không cần phải nghiên cứu và sản xuất các thiết bị kết nối tín hiệu âm thanh, mà chỉ tập trung nghiên cứu các thiết bị ghi âm, xử lý âm thanh. Năm 2015, Trung tâm đã bắt đầu IP hóa các studio sản xuất chương trình tại tòa nhà phát thanh 39 Bà Triệu. Đến nay đã IP hóa được khoảng 20% số lượng studio và thực hiện truyền dẫn AoIP cho tất cả các cuộc phát thanh trực tiếp bên ngoài studio.
20 năm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã 2 lần chuyển đổi cơ bản về công nghệ, từ Analog sang Digital, rồi từ Digital sang IP, cũng là từng ấy lần các kỹ sư, kỹ thuật viên, phóng viên, biên tập viên và các nhà quản lý phải thay đổi tư duy về làm phát thanh, đào tạo lại nguồn nhân lực và thay đổi các thói quen tác nghiệp hàng ngày. Điều đáng tự hào là sau mỗi lần chuyển đổi, không một ai bị loại ra khỏi dây chuyền, họ đều thích ứng và làm việc tốt trong môi trường công nghệ mới, với thiết bị mới và qui trình, qui chế làm việc mới để tạo ra năng suất lao động cao hơn và chất lượng các chương trình tốt hơn./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/ky-nguyen-ip-cua-phat-thanh-truyen-hinh-776065.vov