Từ đầu năm đến nay, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 210 (Sư đoàn 305, Quân khu 5) đã tiếp nhận và phục vụ cách ly y tế với hàng nghìn công dân là học sinh, sinh viên, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ một số nước trở về.
Thời tiết nắng nóng, công việc bận rộn, nguy cơ lây nhiễm luôn tiềm ẩn, song bằng tình cảm, trách nhiệm đối với đồng bào, bộ đội luôn quan tâm động viên, chăm sóc, phục vụ bà con ân cần, chu đáo.
Đang ngồi bấm điện thoại ở trên giường, thấy Trung tá Đào Trọng Dũng, Chính ủy Trung đoàn 210 đi qua cửa phòng, em Nguyễn Thiên Nhiên (18 tuổi, học sinh lớp 11, quê ở Hậu Giang) liền gọi với theo: “Chú Dũng ơi, cháu đọc xong cuốn “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu rồi. Chú còn quyển sách nào không? cho cháu mượn với ạ!”. Anh Dũng ngạc nhiên: “Cháu đọc nhanh thế cơ à? Chú ý giữ gìn sức khỏe, không được thức khuya đâu đấy. Lát có mấy anh xuống đưa cơm, chú sẽ gửi cháu cuốn “Thép đã tôi thế đấy”, nhé!”.
Nghe cách trò chuyện thân mật của hai chú cháu, ít ai biết họ mới quen nhau chỉ vài ngày. Chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp nên dịp Tết vừa rồi, Nguyễn Thiên Nhiên được bố mẹ thưởng cho chuyến du lịch Hàn Quốc, nào ngờ vì dịch bệnh, hơn nửa năm sau em mới được hồi hương. Nhờ những cuốn sách “gối đầu giường” mà anh Dũng cho mượn, thời gian cách ly trở nên ý nghĩa, thú vị hơn rất nhiều đối với Thiên Nhiên.
Bộ đội Sư đoàn 305 chuẩn bị bữa trưa cho công dân trong khu cách ly. |
Để thuận tiện việc chăm sóc, thăm khám, ngay khi về đến khu cách ly, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (32 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) và chị Nguyễn Thị Nhẹ (32 tuổi, quê ở Kiên Giang), cùng 12 phụ nữ đang mang thai được chỉ huy Trung đoàn 210 sắp xếp vào các căn phòng khá rộng, có công trình phụ khép kín tại tầng một, nơi có nhiều bóng mát cây xanh. Ngoài chế độ tiêu chuẩn chung như mọi người, các chị còn được đơn vị cung cấp thêm bát đũa, ly chén, ấm siêu tốc để pha sữa, ăn khuya. Thực đơn hằng ngày của các chị cũng được đội ngũ nuôi quân tính toán, xây dựng rất hợp lý và khoa học. Từ kinh nghiệm sau những lần tiếp nhận, chăm sóc công dân, nhất là đối với chị em phụ nữ mang thai và các cháu sơ sinh, trình độ, tay nghề của bộ đội được nâng lên đáng kể. Trò chuyện với chúng tôi, chị Thu Thủy cho biết: “Tôi nhớ hôm đầu tiên lấy mẫu xét nghiệm, đang hoa mắt chóng mặt, buồn nôn thì được các anh nấu cháo gà mang xuống tận phòng, động viên, bắt phải ăn cho bằng hết. Mấy anh bộ đội sống tình cảm và tâm lý lắm, thấy chúng tôi bụng mang dạ chửa, đi lại khó khăn, giúp được việc gì là các anh ấy rất nhiệt tình, chu đáo”.
Do điều kiện sinh hoạt tập thể nên trong thời gian cách ly, các công dân nam và công dân nữ được Trung đoàn 210 bố trí ở trong hai khu nhà riêng biệt, cách nhau khá xa. Mỗi lúc nhớ vợ, anh Nguyễn Thanh Sang (48 tuổi, trú tại Kiên Giang) và anh Phạm Văn Lượng (54 tuổi, trú tại Hải Dương) lại nháy nhau hẹn vợ ra đứng trước cửa phòng, rồi gọi điện thoại nói chuyện. Anh Nguyễn Thanh Sang chia sẻ: “Phải sống xa vợ vài hôm giúp tôi hiểu rõ hơn sự hy sinh, vất vả mà cán bộ, chiến sĩ ở đây ngày ngày vẫn phải trải qua. Vì sự bình an, hạnh phúc của chúng tôi mà nhiều tháng nay các anh không được gần gia đình. Nhiều hôm trời nắng như đổ lửa, ngồi trong phòng nhìn ra thấy các anh đang vất vả đưa cơm, phun khử khuẩn, quét dọn vệ sinh, chúng tôi xúc động vô cùng...”.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đào Trọng Dũng cho biết: “Những ngày đầu về khu cách ly, do chưa quen với môi trường sinh hoạt, khí hậu, thời tiết và mọi người xung quanh nên một số công dân thường có biểu hiện buồn chán, ngại giao tiếp. Hiểu rõ điều này, chúng tôi thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên giúp học cảm thấy tự tin, thoải mái hơn. Các chế độ tiêu chuẩn người dân được hưởng, số điện thoại chỉ huy đơn vị, quân y được chúng tôi niêm yết công khai trong từng phòng ở. Mọi thắc mắc, kiến nghị, nhu cầu chính đáng của bà con đều được bộ đội giải quyết rất kịp thời, thỏa đáng...”.
Sắp sửa chia tay khu cách ly, anh Nguyễn Công Bách (nguyên chiến sĩ Sư đoàn 305 cách đây gần 15 năm), vừa đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trở về, xúc động viết trên Facebook: “Giữa hiểm nguy, dịch bệnh, Bộ đội Cụ Hồ vẫn tận tình, tận nghĩa vì nhân dân!”.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG/qdnd.vn