Sau 1 tháng có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt vào thị trường EU. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng tích cực.
Quan hệ thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) phát triển khá mạnh mẽ trong một thập kỷ qua, từ năm 2009 - 2019, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019. Đáng nói, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sau 1 tháng có hiệu lực, Hiệp định đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt vào thị trường EU. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử… đã có sự tăng trưởng tích cực.
Cùng với đó, từ ngày 1 - 31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 cho các mặt hàng: giày dép, thủy sản, cà phê, hàng dệt may, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... với kim ngạch 277 triệu USD xuất khẩu tới 28 nước EU.
Cụ thể, với mặt hàng gạo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, sau 1 tháng triển khai EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu gạo hưởng lợi khá lớn bởi thuế suất mặt hàng này 0% nên giá xuất khẩu đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng tích cực sau 1 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực. (Ảnh minh họa)
Với mặt hàng thủy sản, chỉ nửa đầu tháng 8 vừa qua, xuất khẩu tôm sang EU đã đạt 29,4 triệu USD, tăng mạnh trở lại với 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả tháng 8 có thể tăng khoảng 20% so với cùng kỳ nhờ những cơ hội mà EVFTA mang lại cho ngành tôm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, thời gian tới, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, lợi thế về thuế của mặt hàng tôm sẽ là yếu tố quan trọng để các nhà nhập khẩu của EU tìm tới nguồn cung của Việt Nam.
Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng mang lại những kết quả tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8, cho dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực. Chỉ tính riêng trong tháng 8 vừa qua, trị giá xuất khẩu hàng hóa đã tăng 6,5% so với hồi tháng 7 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỉ USD…
Cơ hội mà EVFTA mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng lưu ý, doanh nghiệp Việt không nên xem EVFTA là “cứu cánh” mà chỉ nên xem những ưu đãi từ hiệp định là yếu tố hỗ trợ. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội lực và sự cố gắng không ngừng của doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà EVFTA đem lại để có thể phát triển và trụ vững trên thương trường quốc tế.
TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế nhận định, Hiệp định EVFTA có hiệu lực là một “liều thuốc” rất kịp thời để các doanh nghiệp Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu sang các thị trường của EU. Đây là một hiệp định đầy tiềm năng và nhiều hứa hẹn, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, nếu có sự trợ giúp, đồng hành của Nhà nước, thì Hiệp định sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu và phát huy lợi thế trong tương lai.
“Để có thể tận dụng được tối đa những cơ hội và lợi thế của hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và một số tiêu chuẩn khác. Cùng với đó, các doanh cần liên kết với nhau để tạo nên quy mô lớn hơn; cần tham gia vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của châu Âu. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần có quy chuẩn về chất lượng và thương hiệu theo đúng chuẩn quốc tế, có như vậy, hàng Việt mới có thể tiến sâu vào thị trường EU, mở rộng thị phần và xuất khẩu bền vững”, TS. Lê Đăng Doanh cho hay./.
Chung Thủy/VOV.VN