Thúc đẩy tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa

Thứ 3, 15.09.2020 | 09:18:30
619 lượt xem

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Theo chiến lược này, mọi người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận, sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý. Đây cũng là cơ sở quan trọng nhằm phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn, bền vững nhu cầu tài chính cho các đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Dịch vụ tài chính còn thiếu đa dạng

Tài chính toàn diện hay còn gọi là tài chính bao trùm được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu; thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Trải qua nhiều thập kỷ, tài chính toàn diện đã trở thành tầm nhìn chung của toàn thế giới. Đến nay, hơn 60 quốc gia đã xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng là một chỉ số quan trọng của tài chính toàn diện. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tỷ lệ này ở nước ta là 61,32%, thấp hơn các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... hiện đã đạt hơn 80%. Ở nước ta, trong khi tại các thành phố, đô thị, việc tiếp cận tài chính khá dễ dàng, thuận lợi thì ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người dân và doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn bởi nhiều rào cản như: Thói quen tiêu dùng tiền mặt, ngại sử dụng các giao dịch chuyển khoản, hạn chế về hiểu biết công nghệ... Tính trung bình, ở khu vực thành thị, 90% người dân chỉ mất khoảng 15 phút để đến các điểm cung ứng dịch vụ tài chính gần nhất nhưng tỷ lệ này tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thấp hơn nhiều (chưa đạt 40%). 

Thúc đẩy tài chính toàn diện ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa

Ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank giúp người dân ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận dịch vụ tài chính.

Phát huy vai trò quỹ tín dụng nhân dân

Trong những năm qua, hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn cùng với các tổ chức tài chính vi mô (TCVM), chương trình, dự án TCVM đã góp thêm một kênh cung cấp vốn sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế nông nghiệp-nông thôn; khẳng định được vai trò, vị trí của loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) này trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp-nông thôn tại Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển của tài chính toàn diện tại Việt Nam. Theo đó, các QTDND là địa chỉ đáng tin cậy cho việc gửi tiền-vay tiền, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống trên địa bàn nông thôn và vùng sâu, vùng xa...

Cùng với thực hiện cho vay theo chủ trương của Chính phủ, để tạo thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đồng thời triển khai an toàn các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 8.200 phiên giao dịch, phục vụ hơn 800.000 khách hàng tại hơn 400 xã trên toàn quốc; cho vay chương trình tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế "tín dụng đen". Bên cạnh cung ứng vốn, Agribank bền bỉ nỗ lực “phủ sóng” sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến mọi địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hơn 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người dân được Agribank cung ứng thông qua các kênh phân phối truyền thống (gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch) và các kênh phân phối hiện đại (ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng, 3.061 ATM, 80 máy gửi tiền tự động (CDM), 24.554 máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS)...)

Xây dựng các đại lý ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhận định, cần phải xây dựng mô hình cộng tác giữa ngân hàng với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng để cung cấp những dịch vụ tài chính tại những nơi ngân hàng không có chi nhánh. Theo đó nghiên cứu, ban hành quy định về đại lý ngân hàng tuân thủ các tiêu chuẩn như: Ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được mở các điểm cung ứng dịch vụ qua đại lý tại những nơi mật độ chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD còn thấp. Tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc địa bàn hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa (như các QTDND, các tổ chức TCVM, bưu điện, trạm xăng, mạng lưới của các tổ chức viễn thông, mạng lưới của một số tổ chức khác không phải ngân hàng...) trở thành đại lý của ngân hàng. 

Theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì NHNN Việt Nam cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển tài chính toàn diện thông qua việc mở rộng đối tượng khách hàng ưu tiên và hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch. Trong đó đặc biệt chú trọng tới những TCTD có mạng lưới chi nhánh lớn tại các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa như: Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, các QTDND... 

NHNN Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30-6-2020, hệ thống QTDND gồm 1.182 quỹ, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố, với 1.759.588 thành viên tham gia (bình quân 1.448 thành viên/quỹ), tổng nguồn vốn của các QTDND là 136.126,5 tỷ đồng (tăng 7,6% so với thời điểm 31-12-2019; tăng 51,1% so với thời điểm 31-12-2016). Tổng dư nợ đến ngày 30-6-2020 đạt 98.592,2 tỷ đồng (tăng 40,2% so với thời điểm 31-12-2016), tập trung vào cấp tín dụng ngắn hạn, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn chủ yếu là vốn ngắn hạn; tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống QTDND là 1,19%. Đối với các tổ chức, chương trình, dự án TCVM: Tính đến ngày 30-6-2020, cả nước đã có 4 tổ chức TCVM được cấp phép với mạng lưới 61 chi nhánh, hoạt động tại 23 tỉnh, thành phố; số lượng khách hàng thành viên lên tới 589.558, số lượng khách hàng được vay vốn lên tới 462.996 khách hàng; tổng tài sản đạt 7.736,4 tỷ đồng (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019), tổng dư nợ cho vay đạt 6.707,2 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ở mức thấp, chiếm 0,53%. 


Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT/qdnd

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-tai-chinh-toan-dien-o-khu-vuc-nong-thon-va-vung-sau-vung-xa-635167

  • Từ khóa