Quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trên về tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới, bám sát đặc điểm địa bàn đơn vị đóng quân, thời gian qua, Sư đoàn 315 (Quân khu 5) đã chủ động thực hiện “3 bám, 4 cùng” để làm công tác dân vận một cách hiệu quả, thiết thực...
Ngày Sư đoàn 315 tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình bà Nguyễn Thị Thiếp (84 tuổi) tại thôn Bình An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành (Quảng Nam), bà con làng xóm đến dự rất đông. Mọi người đều vui mừng, bởi bà Thiếp là người có công nuôi dưỡng bộ đội hoạt động trong thời kỳ chiến tranh (hiện đang thờ cúng 2 liệt sĩ là bố chồng và anh chồng), mùa mưa năm nay, bà sẽ không còn phải chịu cảnh “mưa dột, nắng xiên”.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 142, Sư đoàn 315 giúp nhân dân xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam) nạo vét kênh mương nội đồng. |
Trao đổi với chúng tôi ngay sau lễ khởi công, Đại tá Huỳnh Văn Trông, Chính ủy Sư đoàn 315, khẳng định: “Trong những năm qua, đơn vị đã triển khai công tác dân vận đạt hiệu quả thiết thực và bền vững, chấm dứt được tình trạng “Bộ đội đến phong trào lên, bộ đội đi phong trào xuống!”.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, Sư đoàn 315 đã cụ thể hóa chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương. Theo đó, những gia đình chính sách, hộ nghèo được đơn vị hỗ trợ về vốn, cây giống, con giống và kỹ thuật nuôi, trồng... đã thoát nghèo. Tùy theo khả năng, nhiệm vụ đặc thù từng đơn vị trong sư đoàn mà đưa ra hình thức, biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phù hợp.
Theo Trung tá Hoàng Minh Hùng, Phó chủ nhiệm Chính trị sư đoàn, sau khi có chủ trương của Bộ tư lệnh quân khu, sư đoàn chủ động sớm triển khai thực hiện ở các cơ quan, đơn vị với mục tiêu mỗi năm tham gia “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”. Các đơn vị được giao khảo sát, nắm tình hình các hộ nghèo trên cơ sở căn cứ vào tiêu chí “hộ nghèo phải là hộ có người lao động chính, có tư liệu sản xuất (hoặc không có tư liệu sản xuất) nhưng vì không có vốn, không có năng lực và kinh nghiệm chuyển đổi cách làm ăn để thoát nghèo”. Những hộ được chọn phải có chí thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ. Đơn vị phối hợp chặt chẽ với hội nông dân địa phương tiến hành khảo sát toàn diện về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, tư liệu sản xuất, vận động gia đình chuyển đổi phương thức canh tác, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, tăng thu nhập.
Để từng bước giúp nhân dân thay đổi nhận thức, tập tục canh tác, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn cử các đội công tác về các địa phương nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con, trên cơ sở đó đề xuất với cấp ủy, chính quyền có biện pháp tháo gỡ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ nguyên nhân của sự đói, nghèo, lạc hậu; tự giác từ bỏ dần các hủ tục, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Trong 5 năm qua, đơn vị đã giúp xóa nghèo bền vững cho 11 hộ dân, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 106 triệu đồng và gần 1.200 ngày công lao động.
Với quan điểm “bám dân để làm dân vận”, trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn sư đoàn thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các xã trọng điểm, còn nhiều khó khăn nắm vững và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, sư đoàn phối hợp với Ban CHQS các huyện trên địa bàn đơn vị đóng quân sát cánh cùng địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, những vướng mắc trong nhân dân. Nhờ vậy, trên địa bàn không xảy ra “điểm nóng”, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tình cảm quân dân ngày càng thêm bền chặt.
Hưởng ứng phong trào "Quân đội tham gia xây dựng nông thôn mới" và chủ trương “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5, từ năm 2016 đến nay, sư đoàn đã tổ chức 42 đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận với hơn 3.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Trong thời gian thực hiện “3 bám, 4 cùng” với đồng bào (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) và “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, các đội công tác của đơn vị đã tổ chức 49 buổi tuyên truyền, gặp gỡ các già làng, những người có uy tín ở các địa phương. Với phương châm “gần dân, hiểu dân, học dân”, sư đoàn đã triển khai lực lượng đến địa bàn 17 xã thuộc 4 huyện giúp nhân dân tu sửa, nạo vét 5.770m kênh mương thủy lợi; tổ chức san lấp mặt bằng 16 nhà văn hóa xã/1.100m3 đất đá; dọn vệ sinh môi trường và trồng hoa 14km đường giao thông nông thôn; giúp dân đổ đường bê tông nông thôn với chiều dài 13,1km; nạo vét 29km kênh mương nội đồng; sửa chữa, nâng cấp 6 ngôi nhà với kinh phí 54 triệu đồng. Quân y đơn vị còn phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 520 lượt người...
Bằng tình yêu, trách nhiệm của người chiến sĩ, trong những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 315 kiên trì thực hiện “3 bám, 4 cùng” với bà con, góp phần xây dựng “trận địa lòng dân” vững chắc. Đồng chí Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Nhờ bộ đội giúp đỡ mà bà con vùng gió cát này mới đổi đời. Những việc làm tình nghĩa, thiết thực ấy đã góp phần cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phấn đấu thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.
Bài và ảnh: TÙNG LÂM - VĂN TUÂN/qdnd.vn