Chủ động ứng phó với bão số 5, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Đà Nẵng đã họp triển khai các biện pháp phòng tránh bão và mưa lớn.
Chiều 16/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp để triển khai công tác phòng chống bão số 5. Hiện các địa phương đang kêu gọi tàu thuyền vào bờ, sắp xếp neo đậu an toàn; sẵn sàng sơ tán, di chuyển dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Quảng Nam kêu gọi các tàu hoạt động trên biển di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng của bão số 5.
Ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ chia cắt khi lũ lụt kéo dài: “Chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện vật tư sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Dự kiến thành lập một số đoàn công tác chủ động thực hiện một số phương án đã xây dựng. Kiểm tra ở các khu vực xung yếu như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Đồng Hới, còn các sở ban ngành chủ động thực hiện các phương án”.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án ứng phó khi bão đổ bộ vào bờ. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các địa phương nhắc nhở người dân không được chủ quan với cơn bão được dự báo có mưa to gió mạnh: “Dự kiến đợt này bão lớn lại đầu mùa cho nên tâm lý có thể chủ quan, chúng tôi cũng quán triệt tinh thần cao độ để chống bão về lũ cũng theo dõi sát tình hình đề điều hành”.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển; phối hợp với các địa phương, đơn vị hướng dẫn sắp xếp tàu, thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang.
Hiện thành phố Đà Nẵng còn 87 tàu với 826 thuyền viên đang hoạt động trên các vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Ông Lê Văn Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai TP Đà Nẵng cho biết, điều quan tâm chỉ đạo của TP Đà Nẵng là đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và công trình đang xây dựng: “Các tàu thuyền cũng đã nhận được tin và hướng di chuyển của bão. Tàu thuyền đang trên đường đi vào bờ. Sở Xây dựng cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư các ban quản lý có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, nhất là công trình trên cao và tháp cẩu”.
Đến chiều 16/9, tỉnh Quảng Nam còn 553 tàu với gần 5.700 lao động đánh bắt ở khu vực biển Trường Sa, Hoàng Sa. Hiện các ngư dân đi trên những tàu cá này đã nhận được thông báo về diễn biến của bão và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.
Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh QuảngNam cho biết: “Hiện nay tất cả các đồn biên phòng đã triển khai lực lượng, nhất là đài thông tin để liên lạc với các tàu thuyền gần khu vực bão kêu gọi để vào bờ hoặc những nơi trú ẩn an toàn. Số tàu thuyền hiện đang nắm, đang kêu gọi họ đang trên đường vào cả nếu đánh bắt ở gần khu vực bão”./.
PV/VOV.VN