Tự chủ và làm chủ công nghệ sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ

Thứ 7, 19.09.2020 | 10:09:29
534 lượt xem

Đến Viện Thuốc phóng, Thuốc nổ (TPTN), Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi một không gian mướt xanh giữa Thủ đô và ngỡ ngàng hơn nữa khi được nghe đội ngũ cán bộ, kỹ sư nơi đây kể về hành trình nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) đầy đam mê và sáng tạo ở một lĩnh vực tưởng chừng rất khô khan...

Viện TPTN là cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu về lĩnh vực vật liệu nổ phục vụ quốc phòng và kinh tế; trọng tâm là nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại TPTN mạnh cho phát triển các loại vũ khí, đạn. Ít ai biết rằng, thách thức từng đặt ra với Viện TPTN không hề nhỏ, như vấn đề nguồn lực có lúc còn có hạn; bản quyền thiết kế thiếu hoặc chưa hoàn thiện; các yếu tố bảo đảm cho nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm thiếu đồng bộ... Đứng trước những khó khăn ấy, viện đã triển khai nhiều biện pháp, nhất là đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN, đẩy mạnh nghiên cứu KHCN, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Viện đã tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ theo hướng tự động hóa, đồng bộ, nhằm tăng độ tin cậy, rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực, hiệu quả nghiên cứu-thiết kế-chế thử.

Thực tiễn cho thấy, việc nhập khẩu các dây chuyền sản xuất TPTN khá phức tạp, có giá thành rất cao. Vì vậy, Viện TPTN đã quyết liệt triển khai nghiên cứu và xây dựng thành công một số dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ (dây chuyền pilot), đây là sự lựa chọn hợp lý khi tạo ra một lượng sản phẩm đủ cho nhu cầu thực tế. Thành công trong xây dựng các dây chuyền pilot, Viện TPTN đã tạo ra sự đột phá về năng lực nghiên cứu, chế thử, làm chủ công nghệ sản xuất các loại TPTN mà nước ngoài không chuyển giao; chuẩn hóa công tác đánh giá chất lượng TPTN trong và ngoài quân đội. Hiện nay, viện đang tiếp tục nâng cao khả năng bảo đảm an toàn và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các dây chuyền pilot bằng hệ thống báo cháy, cảnh báo, camera giám sát; thay các nguyên công thủ công như: Bê, vác, tháo dỡ, nạp liệu..., bằng các trang thiết bị tự động.

Tự chủ và làm chủ công nghệ sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ

Lãnh đạo, chỉ huy Viện Thuốc phóng, Thuốc nổ trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ, kỹ sư của viện.

Thượng tá Nguyễn Đức Long, Phó viện trưởng Viện TPTN cho biết: Nếu như trước năm 2009, viện chưa nghiên cứu, chuyển giao được mác TPTN nào, thì hiện nay đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất TPTN phục vụ cho phát triển nền kinh tế quốc dân, đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về TPTN; đã chuyển giao hàng chục sản phẩm và tự tổ chức sản xuất tại viện gần 20 sản phẩm, phục vụ sản xuất đạn súng bộ binh, giáp phản ứng nổ, lượng nổ dài, quả nổ nước, liều phóng ngư lôi... Viện cũng đang đầu tư nghiên cứu, sản xuất nhiên liệu tên lửa...

Trong những năm qua, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở Viện TPTN đã trở thành phong trào thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ, kỹ sư, qua đó giải quyết nhiều khó khăn, khúc mắc trong quá trình nghiên cứu, sản xuất. Trung bình mỗi năm, viện có khoảng 10 sáng kiến được nghiệm thu. Đại úy Phạm Quang Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ tổng hợp hóa chất đặc chủng (Viện TPTN) về công tác tại viện từ năm 2012, sau khi tốt nghiệp tại Liên bang Nga. Sáng kiến đầu tiên của anh được “phôi thai” khi tham gia quá trình nghiên cứu, chế tạo TP cho tên lửa. Khi đó, chất xúc tác cháy-một thành phần quan trọng của đề tài-không nhập khẩu được và cũng không có trên thị trường. Sau một thời gian nghiên cứu cùng nhóm cộng sự, chất xúc tác cháy đã được Hiếu chế tạo thành công. Tính đến nay, Phạm Quang Hiếu đã thực hiện 8 sáng kiến được công nhận cấp viện. Sáng kiến gần đây nhất là tạo vỏ bọc chống cháy cho động cơ hành trình tên lửa đẩy vệ tinh viễn thám, trên cơ sở dùng thỏi TP có sẵn, cải tiến thành thỏi phóng có vỏ bọc chống cháy. Đại úy Phạm Quang Hiếu chia sẻ: “Sáng kiến mà tôi tâm đắc nhất là “Thuần hóa TP một gốc”. TP này được phía bạn chuyển giao, hiện nay rất khó mua và nếu mua được thì kinh phí rất lớn, thủ tục khó khăn. Sáng kiến này đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và cho phép sản xuất”.

Để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong hoạt động thực tiễn, đồng thời mở ra những hướng nghiên cứu mới, Viện TPTN vừa thành lập và đưa Hội Khoa học trẻ vào hoạt động từ đầu năm 2020. Hội có 10 thành viên, đều là cá nhân ưu tú của các phòng. Đại úy Phạm Kim Đạo, nghiên cứu viên Phòng Công nghệ tổng hợp hóa chất đặc chủng, Chủ tịch Hội Khoa học trẻ của viện, cho biết: “Sau một thời gian ngắn hoạt động, hội đã mở hai đề tài về hỏa thuật và vật liệu phụ gia nhiên liệu”.

Trong thời gian tới, Viện TPTN tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu vừa nâng cao chất lượng TPTN, vừa bảo đảm làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu nổ trong loại vũ khí mới..., qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng.


Bài và ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tu-chu-va-lam-chu-cong-nghe-san-xuat-thuoc-phong-thuoc-no-635558

  • Từ khóa