Hiện các địa phương tập trung dọn dẹp cây xanh, lợp lại mái nhà, khôi phục lưới điện và chủ động triển khai các phương án đối phó với mưa lớn sau bão.
Bão số 5 chủ yếu gây thiệt hại về cây cối, hệ thống điện ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Bão đi qua các tỉnh Bắc Trung bộ làm 1 người chết do cây ngã đè, 30 người bị thương, 1 người mất tích. Hiện các địa phương tập trung dọn dẹp cây xanh, lợp lại mái nhà, khôi phục lưới điện và chủ động triển khai các phương án đối phó với mưa lớn sau bão.
Một cây cầu bắc sông A Vương tại thị trấn Prao huyện Đông Giang bị ngập sâu.
Bão số 5 đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế làm 1 người chết ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền; 23 người bị thương, trong đó 2 người bị thương nặng. Bão số 5 cũng làm gần 1.700 nhà dân ở tỉnh này bị tốc mái, cây cối gãy đổ nhiều nơi. Theo Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên Huế, bão số 5 gây mất điện 280.000 khách hàng, hư hỏng 2.050 trạm biến áp, gần 200 cột điện bị gãy, đổ. Công ty đã huy động hơn 550 kỹ sư, công nhân cùng nhiều phương tiện cơ giới khẩn trương khắc phục sự cố mất điện.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu chính quyền các cấp huy động tối đa lực lượng về cơ sở giúp dân khắc phục hậu quả của bão, nhanh chóng sửa chữa nhà ở cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm.
Nhiều trụ điện ở Thừa Thiên Huế bị gãy do bão số 5.
Ông Hoàng Đăng Hùng, người dân ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Hiện nay, người dân đang khắc phục hậu quả bão số 5, khôi phục cho đường sá thông suốt, thuận tiện cho dân chúng, xe cộ qua lại”.
Tại TP Đà Nẵng, bão số 5 làm 1 người bị thương do chằng chống nhà cửa, một số nhà dân ngập cục bộ, 1 tàu cá bị chìm, gần 400 cây xanh ngã đổ, 735 trạm biến áp mất điện với hơn 67 ngàn khách hàng bị ảnh hưởng. Do ảnh hưởng của bão số 5, nhiều trụ điện bị gãy đổ, đứt dây. Mất điện trên diện rộng. Dự kiến đến 21 giờ tối nay, Công ty Điện lực Quảng Trị sẽ khôi phục xong toàn bộ lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Ông Nguyễn Vinh, Giám đốc Điện lực huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang tập trung nhân lực khôi phục. Đặc biệt Công ty đã hỗ trợ đội xung kích cùng với điện lực làm thế nào chúng tôi cùng cố gắng khắc phục trong chiều tối hôm nay đóng điện lại phục vụ bà con”.
Ca bin điện bị đỗ gãy, công nhân Điện lực Huế tập trung khắc phục thiệt hại.
Cũng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cơn bão số 5 đã làm 1 phụ nữ mất tích. Nạn nhân là chị Hồ Thị Ngọc, 28 tuổi, ở thôn A Pun, xã Tà Rụt, huyện Đa Krông trên đường đi làm rẫy về bị nước cuốn khi đi qua cống.
Sau cơn bão, mưa lớn cũng đã gây sạt lở 4 điểm trên đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 9. UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung sửa chữa các công trình bị hư hỏng, sạt lở do mưa bão. Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với những điểm sạt lở gây ách tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ đang được xử lý thông đường, địa phương cử lực lượng canh gác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
“Tất cả các phương án đã được lên sẵn từ trước khi bão đổ bộ vào. Các lực lượng cũng về các địa phương giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục mùa màng và dần dần khôi phục lại cuộc sống trở lại trạng thái ban đầu. Tùy theo mức độ thiệt hại, các địa phương cũng như tỉnh sẽ có hỗ trợ kịp thời cho bà con bị ảnh hưởng bởi bão”, ông Hoàng Nam nói.
Người dân Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế dọn vệ sinh sau bão.
Do ảnh hưởng của bão số 5, từ đêm qua (17/9) đến sáng nay (18/9), trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam có mưa to. Nhiều nơi bị ngập lụt, sạt lở đất đá, tắc đường gây cô lập. Tại huyện miền núi Tây Giang, lượng mưa phổ biến từ 350 – 400 mm khiến mực nước trên các sông, suối, ngầm lên nhanh, gây chia cắt, ngập cục bộ nhiều khu dân cư. Toàn huyện xảy ra 130 điểm sạt lở ở hầu hết các tuyến đường về các xã, một số tuyến do khối lượng đất đá sạt lở lấp mặt đường, gây ách tắc giao thông.
Nước sông A Vương dâng cao gây ngập một số cầu bắc qua sông này và hơn 40 nhà dân tại thị trấn Prao, huyện Đông Giang chìm trong nước. Nhiều nhà dân bị ngập sâu hơn 2 m, làm thiệt hại nhiều tài sản có giá trị. Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện huy động lực lượng sơ tán dân ra khỏi vùng ngập lụt và chốt chặn tại các cầu, đường bị ngập, ngăn không cho người qua lại để đảm bảo an toàn.
“Nước về lên nhanh. Nước tràn vào nhà dân, dân di tản không kịp vì nhanh quá. Lực lượng quân sự, công an giúp dân di tản, vớt được cái gì thì vớt”.
Tại tỉnh Quảng Bình, mưa bão đã làm 7 người bị thương, 4 người mất liên lạc trong rừng. Mưa to làm cho một số khu vực ở huyện miền núi Minh Hóa bị chia cắt cục bộ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương nhắc nhở người dân không chủ quan, lơ là sau bão.
Ông Võ Đức Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết:“Chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án di dời dân tại các khu vực khi có mưa lũ xảy ra. Khi có mưa lũ thì Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai thường xuyên bám cơ sở và chủ động di dời bà con đặc biệt các hộ ở khu vực sạt lở”./.
Nhóm PV/VOV.VN