"Cánh tay nối dài" để ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ 7, 19.09.2020 | 14:14:06
907 lượt xem

Đại tá Lê Văn Hùng, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: “Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã là “cánh tay nối dài” của cơ quan quân sự các cấp, trực tiếp tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP, QS địa phương và phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Vì vậy, chúng tôi tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã. Nhiệm kỳ qua, Bộ CHQS tỉnh mở khóa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở cho 158 học viên; nội dung đào tạo theo chương trình của Bộ Quốc phòng; kinh phí do ngân sách địa phương bảo đảm hơn 9 tỷ đồng. Riêng đào tạo cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở 59 học viên”.

Nguồn đào tạo cán bộ quân sự cấp xã được tỉnh Bến Tre chọn từ các đồng chí là quân nhân xuất ngũ, qua đào tạo sĩ quan dự bị, tiểu đội trưởng và trung đội trưởng dân quân. Thượng tá Nguyễn Trọng Linh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Giồng Trôm, cho biết: “Sau khi đào tạo, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức huyện ủy, phòng nội vụ, quy hoạch, sắp xếp, bố trí hợp lý, bảo đảm tính kế thừa, không chồng chéo. Nhờ đó, các đồng chí đã phát huy chuyên môn, phương pháp, tác phong công tác khoa học, đủ khả năng tham mưu cho địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự ở cơ sở”.

LLVT hỗ trợ nước ngọt cho người dân Bến Tre trong đợt hạn, mặn năm 2020. Ảnh: CHÂU SA

Hầu hết cán bộ qua đào tạo về địa phương công tác đều vận dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào hoạt động thực tiễn, được cấp ủy và chính quyền địa phương tin tưởng. “Ngoài đào tạo cơ bản, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh còn tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã; Chỉ huy trưởng Ban CHQS các cơ quan, tổ chức về phương pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; xây dựng lực lượng DQTV, DBĐV, tuyển quân; phương pháp tổ chức huấn luyện; công tác phối hợp với các lực lượng trong bảo vệ an ninh trật tự, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và công tác vận động quần chúng”, Thượng tá Huỳnh Quốc Hùng, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre nói.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị trong phòng, chống, ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng những năm qua, Bến Tre là một trong những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của các đợt hạn hán, mặn xâm nhập. Đáng chú ý trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2020, hạn mặn đến sớm và kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân và công tác xây dựng KVPT của tỉnh. “Chúng tôi thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, nhất là các xã ven biển, các cồn trên sông ở các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Lách, Châu Thành... Đồng thời, thực hiện tốt các phương án sơ tán, di dời dân, giúp nhân dân khắc phục sự cố sạt lở đất, cứu hộ đê khi triều cường và kịp thời cấp nước ngọt tới bà con khi mặn xâm nhập...", Đại tá Võ Văn Hội, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre nói.


Bài và ảnh: THANH HUY/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/canh-tay-noi-dai-de-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-635560

  • Từ khóa