Trộm cắp cổ vật: Cả người mua và người bán đều bị xử lý

Thứ 7, 19.09.2020 | 14:14:54
650 lượt xem

Trong trường hợp người mua cổ vật mà biết rõ cổ vật đó là tài sản do trộm cắp mà có thì người mua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, thời gian qua liên tiếp xảy ra nạn trộm cắp cổ vật ở đình, chùa. Điển hình như, tại Chùa Kim Long ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã mất cắp 39 pho tượng quý, có niên đại 300 năm. Tại xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản, Nam Định chỉ trong một đêm kẻ gian đã đột nhập lấy đi toàn bộ 16 đạo sắc phong quý tại Đình làng Hạ Xá. Tại tỉnh Bắc Giang, từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh xảy ra gần 50 xâm hại, mất cắp tại di tích. Kẻ gian đã lấy đi hàng trăm di vật, cổ vật.

Sự lỏng lẻo trong công tác quản lý tại đình, đền, chùa tạo điều kiệm cho kẻ gian dễ dàng thực hiện hành vi trộm cắp. Ảnh: VTV

Sự lỏng lẻo trong công tác quản lý tại đình, đền, chùa tạo điều kiệm cho kẻ gian dễ dàng thực hiện hành vi trộm cắp. Ảnh: VTV

Chưa đầy một tháng từ 13/3 đến 11/4/2020, tại huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội đã có 26 cổ vật, đồ thờ tự tại nhiều di tích trên địa bàn bị kẻ gian lấy mất, gây bức xúc trong nhân dân.

Lỏng lẻo trong công tác quản lý

Theo các chuyên gia văn hóa, sở dĩ các đối tượng dễ dàng thực hiện được hành vi trộm cắp cổ vật bởi đền chùa, nơi thờ tự thường ở những nơi vắng vẻ, xa khu dân cư, không có người trông coi, hoặc người trông coi thường nghỉ nhà lân cận nơi thờ tự. Các cổ vật, di vật được đánh cắp thường có giá trị kinh tế cao, có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, khoa học, mỹ thuật. Trong khi đó, việc truy tìm cổ vật bị đánh cắp thường gặp rất nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, chia sẻ trên báo chí, Nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết, các di tích thờ tự xưa nay vốn là không gian chung của cả cộng đồng làng, xã nên ai cũng có thể đến và vào. Hơn nữa đình chùa, miếu mạo của Việt Nam là không gian mở, không có tường cao, hào sâu nên dù có đóng cửa không hoàn toàn khép kín.

Cùng với đó, sự lỏng lẻo trong công tác quản lý cũng một phần xuất phát bởi quan niệm những đồ thờ cúng tại đình, đền, chùa mang giá trị tâm linh sẽ không ai dám lấy. Đặc biệt, nhiều đền chùa được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia, nhưng chỉ được bảo vệ bằng một ổ khóa lỏng lẻo,...Trong khi đó, Luật Di sản Văn hóa dù đã đi vào thực thi gần 20 năm nay nhưng quản lý di tích, di sản còn nhiều bất cập.

Về vấn đề này, luật sư Đỗ Minh Hiển, đoàn luật sư Hà Nội thông tin, Luật Di sản văn hóa hiện nay quy định về việc khuyến khích đăng ký cổ vật, di vật nhưng chưa bắt buộc chủ sở hữu di vật, cổ vật phải đăng ký. Theo luật sư Hiển, khi thực hiện việc đăng ký di vật, cổ vật, ngoài các quyền được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 42 Luật Di sản văn hóa, việc đăng ký di vật, cổ vật còn giúp cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm trộm cắp tài sản, trong đó có trộm cắp di vật, cổ vật của các cơ quan chức năng được dễ dàng hơn.

Người bán và mua đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo đó, trong các loại tội phạm xâm phạm sở hữu thì việc xác định giá trị tài sản hay định giá tài sản là yếu tố quan trọng để có thể khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Trong trường hợp tài sản trộm cắp là di vật, cổ vật đã được đăng ký thì việc định giá tài sản trộm cắp làm cơ sở khởi tố, truy tố, xét xử sẽ rất thuận lợi bởi vì hồ sơ về di vật, cổ vật đã được lưu tại cơ quan đăng ký cổ vật.

Một số đồ cổ được lực lượng công an thu hồi. Ảnh: Báo Thanh niên

Một số đồ cổ được lực lượng công an thu hồi. Ảnh: Báo Thanh niên

 “Căn cứ hồ sơ của cổ vật, cơ quan có chức năng định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ dễ dàng theo quy định tại điểm e, Điều 17, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP về trình tự, thủ tục định giá trong tố tụng hình sự làm cơ sở cho việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Trong trường hợp di vật, cổ vật bị trộm cắp chưa thu hồi được trong quá trình điều tra thì hồ sơ đăng ký di vật, cổ vật là căn cứ ban đầu quan trong để định giá tài sản phục vụ cho hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng”- luật sư Hiển cho biết.

Đối với hành vi trộm cắp, mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép cổ vật, theo luật sư Hiển, Luật Di sản văn hóa đã quy định người thực hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào kết quả định giá tài sản, vào mức độ hành vi phạm tội và các tình tiết khác, người phạm tội trộm cắp cổ vật có thể bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù.

Trong trường hợp người mua cổ vật mà biết rõ cổ vật đó là tài sản do trộm cắp mà có thì người mua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 Bộ Luật hình sự.

Để hạn chế tới mức thấp nhất các vụ trộm cắp di vật, cổ vật tại các đình, chùa, theo luật sư Hiển, cần tăng cường hơn công tác bảo vệ bao gồm con người và các thiết bị an ninh khác như camera an ninh…Đối với các cổ vật cần phải trưng bày công khai mà có nguy cơ bị trộm cắp có thể lựa chọn giải pháp thay thế bằng các bản sao cổ vật, di vật theo quy định tại Điều 46 Luật Di sản văn hóa. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, mua bán, trao đổi di vật, cổ vật trái phép./.


Nguyễn Hiền/VOV.VN

https://vov.vn/phap-luat/trom-cap-co-vat-ca-nguoi-mua-va-nguoi-ban-deu-bi-xu-ly-779759.vov

  • Từ khóa